Thảm họa kép năm 2011 tại Nhật Bản – Nỗi đau chưa nguôi

Nhà cửa đổ sập, tàu thuyền bị cuốn lên đất liền, đường xá ngập trong bùn đất và mảnh vỡ. Đó là cảnh tượng tan hoang sau khi Nhật Bản bị tấn công bởi một trong những trận động đất mạnh nhất lịch sử loài người cách đây tròn 10 năm. 

Chú thích ảnh
Thành phố Rikuzentakata thuộc tỉnh Iwate bị nhấn chìm trong nước ngày 11/3/2011. Ảnh: KYODO

Thế giới không thể nào quên thảm họa kép kinh hoàng xảy ra lúc hơn 14 giờ ngày 11/3/2011 tại Nhật Bản. Đúng 14h46 theo giờ đại phương, đại địa chấn Honshu độ lớn 9,1 khởi phát ngoài khơi hòn đảo Honshu ở phía Đông Bắc nước này, gây ra sóng thần cao đến 40 mét ập vào đất liền, phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó. 

Theo thống kê chính thức, 15.899 người đã thiệt mạng với 2.572 người vẫn mất tích và được cho là đã chết. Trên 6.000 người bị thương. Nhiều thị trấn bị xóa sổ khỏi bản đồ. 

Tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima nằm gần bờ biển, sóng thần tấn công đã làm hỏng hoàn toàn các hệ thống làm mát thanh nhiên liệu hạt nhân, gây ra thảm hoạ nghiêm trọng, khiến các vùng dân cư xung quanh bị nhiễm phóng xạ. Nhiều nơi 10 năm sau con người vẫn chưa thể sinh sống trở lại. 

Đại địa chấn Honshu

Chú thích ảnh
Động đất làm cháy bồn chứa dầu tại nhà máy Cosmo ở Ichihara. Ảnh: AFP

Tâm chấn của trận động đất được xác định ở cách thành phố Sendai 130km về phía Đông, song rung chấn mạnh mẽ của nó có thể được cảm thấy từ tận vùng Petropavlovsk-Kamchatsky (Nga), Cao Hùng (Đài Loan) và Bắc Kinh (Trung Quốc). Đây là trận động đất mạnh nhất xảy ra tại khu vực này kể từ ghi bắt đầu theo dõi dữ liệu địa chấn vào cuối thế kỷ 19.

Nó cũng được coi là một trong nhất trận động đất kinh hoàng nhất trên thế giới. Thậm chí, một vệ tinh quay quanh rìa ngoài của bầu khí quyển Trái đất vào ngày hôm đó đã phát hiện ra sóng hạ âm (sóng âm tần số rất thấp) của đại địa chấn Honshu. 

Sự đứt gãy đột ngột của mảng địa chất Thái Bình Dương đã làm dịch chuyển vùng nước bên trên và tạo ra một loạt các đợt sóng thần có sức hủy diệt ghê gớm. Sóng cao hàng chục mét đã nhấn chìm bờ biển cùng nhiều khu vực của thành phố Sendai, bao gồm cả sân bay và vùng ngoại ô xung quanh. Theo một số báo cáo, một làn sóng thâm nhập sâu 10 km vào đất liền, khiến con sông Natori - phân tách Sendai và thành phố Natori ở phía Nam – bị tràn bờ.

Chú thích ảnh
Xoáy nước khổng lồ hình thành từ các cơn sóng thần bên ngoài bến cảng ở Oarai. Ảnh: AP

Ngoài Sendai, các vùng dân cư bị ảnh hưởng nặng nhất bởi sóng thần còn có Kamaishi, Miyako, Ishinomaki, Kesennuma, Shiogama Kitaibaraki và Hitachinaka. Khi nước rút trở lại biển, chúng mang theo lượng lớn các mảnh vỡ, cũng như hàng nghìn nạn nhân của trận đại hồng thủy. Nhiều dải đất rộng lớn bị nhấn chìm dưới nước biển, biến mất khỏi bản đồ.

Dù xảy ra ở Nhật Bản, trận động đất đã kích hoạt cảnh báo sóng thần trên khắp lòng chảo Thái Bình Dương. Từ tâm chấn, sóng thần đổ xô từng đợt với tốc độ tiếp cận khoảng 800 km/h. Nó tạo ra những con sóng cao 3,3 - 3,6 mét dọc theo bờ biển Kauai và Hawaii và những con sóng cao 1,5 mét dọc theo đảo Shemya trong chuỗi quần đảo Aleutian.

Vài tiếng sau, loạt sóng thần cao đến 2,7 mét tấn công vào bờ biển California và Oregon ở Bắc Mỹ. Cuối cùng, khoảng 18 giờ sau đại địa chấn Honshu, sóng cao 0,3 mét vẫn ập vào bờ Nam Cực và khiến một phần của Thềm băng Sulzberger bị tách vỡ. 

Chú thích ảnh
Sóng thần ập vào thành phố Miyako City. Ảnh: Reuters

Mất mát và thiệt hại

Theo tờ Daily Mail, dựa trên thống kê mới nhất, 15.899 người đã thiệt mạng với 2.572 người mất tích và bị cho là đã chết sau thảm họa trên. Các báo cáo ban đầu về con số thương vong do sóng thần gây ra khoảng hàng trăm người với hàng trăm người mất tích. Nhưng số liệu này đều tăng đáng kể trong những ngày tiếp theo khi tiến hành hoạt động cứu hộ. Có những cộng đồng bị xóa sổ một nửa hoặc thậm chí toàn bộ dân cư. Đa số người thiệt mạng là nạn nhân của sóng thần. Hơn 1/2 nạn nhân là người từ 65 tuổi trở lên. 

Chú thích ảnh
Một con thuyền bị sóng thần cuốn lên tận nóc ngôi nhà hai tầng ở Iwate. Ảnh: AFP-JIJI

Đại địa chấn Honshu cũng gây ra thiệt hại đáng kể trên một khu vực rộng lớn. Đáng chú ý là các đám cháy ở một số thành phố, bao gồm một nhà máy hóa dầu ở Sendai, một phần của thành phố Kesennuma ở tỉnh Miyagi, phía Đông Bắc Sendai, và một nhà máy lọc dầu ở Ichihara, tỉnh Chiba gần Tokyo.

Tại các tỉnh Fukushima, Ibaraki và Chiba, hàng nghìn ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc một phần. Cơ sở hạ tầng cũng bị ảnh hưởng nặng nề trên khắp miền Đông Tohoku. Đường bộ và đường sắt bị hư hỏng, lưới điện không hoạt động còn hệ thống thoát nước bị gián đoạn. Ở Fukushima đã xảy ra một vụ vỡ đập. 

Các lò phản ứng tại ba nhà máy điện hạt nhân gần tâm chấn động đất đã tự động ngừng hoạt động theo hệ thống cảm biến. Tình trạng này đã cắt nguồn điện chính của các nhà máy cùng hệ thống làm mát của chúng. Nước biển dâng cao cũng làm hỏng hệ thống máy phát điện dự bị của một số nhà máy, đặc biệt là Fukushima Daiichi. Khi mất điện, hệ thống làm mát ở ba lò phản ứng ngừng hoạt động. Sau vài ngày, lõi của chúng trở nên quá nóng, dẫn đến sự cố tan chảy thanh nhiên liệu.

Chú thích ảnh
Máy bay và ô tô tại sân bay Sendai bị cuốn trôi. Ảnh: Kyodo

Vật liệu nóng chảy rơi xuống đáy các bình chứa trong lò phản ứng 1 và 2 và đốt cháy các lỗ khá lớn qua sàn của mỗi bình, làm lộ một phần vật liệu hạt nhân trong lõi. Các vụ nổ do sự tích tụ khí hydro trong các tòa nhà bao quanh các lò phản ứng số 1, 2 và 3, cùng với ngọn lửa do nhiệt độ tăng lên trong các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng được lưu trữ trong lò phản ứng 4, dẫn đến việc giải phóng mức bức xạ đáng kể khỏi cơ sở trong những ngày và tuần sau trận động đất.

Do những lo ngại về nguy cơ nhiễm phóng xạ, giới chức Nhật Bản đã thành lập một vùng cấm bay 30km xung quanh Fukushima Daiichi và sơ tán toàn bộ dân trong phạm vị trên. Vào cuối tháng 3/2011, nước biển gần cơ sở Daiichi được phát hiện đã bị nhiễm phóng xạ iốt-131 ở mức độ cao. 
Giữa tháng 4, các nhà quản lý hạt nhân Nhật Bản đã nâng mức độ nghiêm trọng của tình trạng khẩn cấp hạt nhân tại cơ sở Fukushima Daiichi từ 5 lên 7 - mức cao nhất trong thang do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đưa ra - xếp vụ tai nạn Fukushima vào cùng tầm cỡ với thảm họa Chernobyl ở Liên Xô năm 1986.

Nỗ lực tái thiết

Những giờ đầu tiên sau thảm kịch, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Kan Naoto đã thiết lập một trung tâm chỉ huy khẩn cấp tại Tokyo. Số lượng lớn các nhân viên cứu hộ cùng khoảng 100.000 thành viên lực lượng tự vệ Nhật Bản nhanh chóng được điều động để đối phó tình trạng khủng hoảng. Chính phủ Nhật Bản cũng yêu cầu binh sĩ Mỹ đồn trú ở quốc gia Đông Á này hỗ trợ.

Nhiều quốc gia, trong đó có Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Hàn Quốc, đã cử đội cứu hộ đến. Hàng chục cái nước khác và các tổ chức cứu trợ quốc tế lớn đã cam kết hỗ trợ vật chất và tài chính cho Tokyo. 

Lực lượng cứu hộ đã phải đối mặt với cảnh tượng ám ảnh: các khu vực rộng lớn, thậm chí toàn bộ thị trấn và thành phố, đã bị cuốn trôi hoặc bị bao phủ bởi bùn đất và mảnh vỡ. Mặc dù một số người đã được cứu khỏi đống đổ nát trong vài ngày đầu sau trận động đất lớn và sóng thần, nhưng hầu hết các hoạt động cứu trợ đều liên quan đến việc vớt các thi thể khi hàng trăm nạn nhân bắt đầu dạt vào bờ biển sau khi bị cuốn ra biển.

Chú thích ảnh
Những người may mắn sống sót đi giữa đống đổ nát do thảm họa kép gây ra. Ảnh: Reuters 

Ngay sau khi thảm họa xảy ra, hàng trăm nghìn người đã phải sống trong các khu trú ẩn tạm thời, bị hạn chế nguồn cung cấp nhu yếu phẩm. Hàng chục nghìn người khác vẫn bị mắc kẹt và bị cô lập ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 4 năm sau thảm họa, gần 230.000 người dân vẫn không được trở về nhà. 

Trong những tuần sau thảm họa, phần lớn cơ sở hạ tầng giao thông và dịch vụ ở phía Bắc Honshu đã được khôi phục một phần. Việc sửa chữa tiếp tục cho đến khi các tuyến xe lửa và đường cao tốc chính hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nguồn cung cấp điện của khu vực tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình trạng ở nhà máy Fukushima.

Việc các doanh nghiệp và nhà máy bị thiệt hại bởi động đất và sóng thần, cũng như tình trạng mất ổn định nguồn điện, đã làm giảm nghiêm trọng sản lượng sản xuất của khu vực trong những tháng sau thảm họa. Các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm sản xuất chất bán dẫn,  các mặt hàng công nghệ cao và ô tô.

Chú thích ảnh
Lính cứu hỏa tham gia tìm kiếm nạn nhân. Ảnh: Reuters

Năm 2011, chính quyền Thủ tướng Kan Naoto và sau đó là Thủ tướng Yoshihiko Noda đã đề xuất và được thông qua ba khoản ngân sách bổ sung liên quan đến thiên tai. Khoản thứ ba và cũng là khoản lớn nhất trong số này cung cấp khoảng 155 tỷ USD, phần lớn quỹ dành cho việc tái thiết ở các khu vực bị tàn phá. Ngoài ra, vào tháng 2 năm 2012, chính phủ đã thành lập Cơ quan tái thiết cấp nội các để điều phối các nỗ lực tái thiết ở khu vực Tohoku.

Cơ quan này được lên kế hoạch hoạt động trong 10 năm. Đây là khoảng thời gian dự kiến sẽ khôi phục hoàn toàn Tohoku. Đầu năm 2015, cơ quan này báo cáo rằng gần như toàn bộ các mảnh vỡ, đống đổ nát sau thảm họa đã được loại bỏ. 

Một thập kỷ trôi qua, người dân Nhật Bản chưa thể quên được ngày 11/3/2011 đen tối ấy. Dù nỗi đau chưa nguôi, chính phủ và nhân dân quốc gia Đông Á này vẫn nỗ lực vươn lên để xây dựng lại quê hương và đã đạt được kết quả đáng khích lệ. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Tổng thống Biden nói gì trong bài phát biểu đầu tiên vào 'khung giờ vàng'?
Tổng thống Biden nói gì trong bài phát biểu đầu tiên vào 'khung giờ vàng'?

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có bài phát biểu 'khung giờ vàng' đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào tối 11/3 nhằm đánh dấu 1 năm Mỹ áp dụng các lệnh phong tỏa vì đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN