Sự trở lại của Backfire

Tupolev Tu-22M (Tên hiệu do NATO đặt là Backfire) là máy bay ném bom tấn công trên biển tầm xa, siêu thanh, cánh cụp cánh xòe được Liên Xô cũ phát triển. Rất nhiều máy bay loại này đang phục vụ trong lực lượng không quân Nga.

 

Những hình ảnh của Backfire.

Tupolev thực sự đã khiến cho các nhà hoạch định quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đau đầu trong những năm 1970 và 1980. Nếu Chiến tranh Lạnh “nóng” lên, những chiếc Tu-22M sẽ tấn công các mục tiêu quan trọng của đối phương, bao gồm cả hàng không mẫu hạm Mỹ ở Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Những máy bay ném bom này cũng sẽ không kích các cảng và sân bay chủ yếu của NATO ở châu Âu, với mục đích cắt đứt các tuyến đường cung ứng đối với Mỹ.


Ngày nay, tưởng chừng như Backfire, với vẻ bề ngoài cũ kỹ, có khả năng biến mất khỏi bầu trời. Tuy nhiên, với những căng thẳng ngày càng leo thang ở Biển Đen và vùng Baltic, Tu-22M đã bất ngờ trở thành một sự lựa chọn hoàn toàn phù hợp đối với Moskva.


Phát triển khó khăn


Được nâng cấp từ phiên bản máy bay Tu-22, sự xuất hiện của chiếc Tu-22M đầu tiên vào đầu những năm 1970 đã đặt phương Tây vào tình trạng báo động.


Sự nâng cấp của Tu-22M vẫn phải bảo đảm giữ lại hệ thống rađa và vũ khí cũ. Phiên bản nâng cấp ban đầu chỉ tập trung vào việc cải thiện tốc độ và tầm hoạt động theo yêu cầu. Chiếc Tu-22M là phiên bản hoàn thiện cuối cùng của Tupolev, nhưng nó lại rơi đúng vào thời điểm ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân lần 1 (START I). Điều này đã buộc Moskva hủy bỏ tính năng tiếp nhiên liệu ở trên không và một số tính năng khác của Tu-22M. START I cũng hạn chế sản xuất Tu-22M, có nghĩa là Nga buộc phải duy trì hoạt động của lực lượng máy bay ném bom thuộc hàng “cựu binh” như Tu-16 và Tu-22.


Nga đã hiểu rằng không nên tiết lộ về khả năng chính xác của Tu-22M. Tuy nhiên, mọi người đều biết loại máy bay này có tốc độ khoảng 2.300 km/giờ với bán kính chiến đấu 2.200 km khi được trang bị vũ khí.


Khẳng định vị thế


Khi muốn thăm dò thế trận phòng thủ ngoài khơi bờ biển Alaska hoặc thậm chí là California và khu vực Bắc Mỹ, Nga thường điều máy bay Tu-95MS và Tu-160. Với khả năng tiếp nhiên liệu trên không, hai loại máy bay này có thể bay vòng quanh thế giới.


Tuy nhiên, do không có khả năng tiếp nhiên liệu trên không nên Tu-22M chỉ hoạt động trong một số khu vực có ảnh hưởng của Nga. Gần đây, Tu-22M đã tham gia các chiến dịch tại Chechnya và Gruzia. Tại Gruzia, một chiếc Tu-22M lần đầu tiên bị bắn hạ vào năm 2008.

 


Cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine cùng với sự áp sát của lực lượng NATO đặt ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với Nga. Trong tình huống nguy hiểm này, Tu-22M đã khẳng định được vị thế của mình. Việc NATO tiến hành cuộc tập trận sát biên giới Nga ở khu vực Baltic mới đây đã khiến Bộ Quốc phòng Nga quyết định triển khai kế hoạch diễn tập bất ngờ với sự tham gia của các lực lượng tấn công, trong đó máy bay ném bom tầm xa Tu-22M đóng vai trò trung tâm. "Chúng tôi đã hoàn thành việc tái triển khai quân đội tại các khu vực đã định. Máy bay ném bom tầm xa Tu-22M sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tuần tra trong khu vực”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết.


Cuộc tập trận diễn ra chủ yếu tại tỉnh Kaliningrad và vùng Baltic của Nga. Các máy bay chiến đấu Su-27, máy bay tấn công Su-34, máy bay trinh sát Su-24MR, máy bay cảnh báo sớm A-50 và trực thăng tấn công Mi-24, trực thăng vận tải Il-76 cùng tham gia tập trận với Tu-22M.


Không phải ngẫu nhiên mà hãng tin RIA Novosti đưa tin rằng Bộ Quốc phòng Nga hy vọng sẽ nhận được "ít nhất là 10 chiếc Tu-22M được hiện đại hóa và nâng cấp" trước khi kết thúc năm 2014. Có nghĩa là Moskva đang tăng cường lực lượng máy bay ném bom Tu-22M của mình.


Trong một báo cáo mới được phát hành của tạp chí Combat Aircraft, chuyên gia hàng không vũ trụ Nga Piotr Butowski tiết lộ chi tiết thú vị về kế hoạch của Moskva cho Tu-22M. Theo đó, Nga sẽ chế tạo hơn 500 chiếc Tu-22M với tất cả các phiên bản trong những thập kỷ qua, nhưng chỉ duy trì 7 phi đội - mỗi phi đội có 10 chiếc - phục vụ tại ba căn cứ: Belaya ở đông nam Siberia, Shaykovka phía tây nam của Moskva và Ryazan về phía đông nam Moskva.


Đầu năm 2012, Điện Kremlin vạch kế hoạch nâng cấp khoảng 30 máy bay ném bom Tu-22M3M đạt tiêu chuẩn mới vào năm 2020. Tháng 2/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoygu đã tái khởi động chương trình này.


Moskva rõ ràng có mục đích duy trì các phi đội máy bay này trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, Nga cần phải có các nguồn lực và năng lực kỹ thuật lớn để thực hiện ý định của mình.


Công Thuận (tổng hợp)

Mỹ đình bay toàn bộ đội F-35 để điều tra sự cố động cơ
Mỹ đình bay toàn bộ đội F-35 để điều tra sự cố động cơ

Quân đội Mỹ đã cho đình bay toàn bộ phi đội máy bay chiến đấu F-35 do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất cho đến khi hoàn tất các cuộc kiểm tra bổ sung về động cơ của loại máy bay này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN