Pháo đài lửa Mareth-Kỳ 1: Giờ G sắp điểm

Mareth là hệ thống các công sự trên sa mạc được Pháp xây dựng trước Thế chiến thứ II. Nằm giữa các thị trấn Medenine và Gabes ở miền nam Tuynidi, công trình này được thiết kế để đương đầu với các cuộc tấn công của người Italia ở Libi, nhưng sau khi nước Pháp thất thủ trong chiến tranh Pháp - Đức (1940), nó rơi vào tay “Phe Trục” phát xít gồm Đức, Italia, Nhật và lại được sử dụng để chống lại quân Anh. Năm 1943, đối mặt với sức mạnh phòng thủ như một pháo đài của phòng tuyến Mareth, các binh sĩ thuộc Tập đoàn quân số 8 của Anh ở Bắc Phi đã buộc phải sử dụng chiến thuật vây hãm của thế kỷ 19 để xuyên thủng phòng tuyến này. Loạt bài dưới đây tái hiện cuộc tấn công kịch tính và hao tổn nhiều xương máu đó.

 
Trong gần nửa tiếng đồng hồ, những loạt pháo rền vang nã liên tiếp xuống hệ thống công sự Mareth trên sa mạc làm rung chuyển mặt đất. Công sự này ban đầu được người Pháp thiết kế để bảo vệ thuộc địa Tuynidi trước cuộc xâm lược của quân Italia đóng ở nước láng giềng Libi. Tuy nhiên, từ năm 1940, hệ thống Mareth rơi vào tay quân đội Italia - Đức và được sử dụng để chống lại phe Đồng minh mà trong đó bao gồm cả một đơn vị thuộc lực lượng Pháp Tự do (tổ chức vũ trang tập hợp những binh sĩ Pháp tiếp tục chiến đấu chống Phe Trục sau khi nước Pháp đầu hàng và bị Đức Quốc Xã chiếm đóng).


 

Tuyến Mareth và các hướng tấn công của chiến dịch năm 1943.

 

Sau khi chiếm được Mareth, quân Phe Trục đã bố trí một bãi mìn khổng lồ xung quanh và kiên cường cố thủ trước cơn bão đạn dữ dội ập xuống mạng lưới công sự trải dài khoảng 25 km, chạy dọc bờ con sông cạn Zigzaou nằm vắt ngang vùng đồng bằng duyên hải của Tuynidi. Giữa màn bom đạn ác liệt ấy, một sĩ quan Đức trườn dọc các chiến hào và qua những công trình đổ sập để thị sát các vị trí phòng thủ đã tan nát. Nhật ký viên của sĩ quan sau này còn ghi lại: “Đợt oanh tạc khủng khiếp đó đã làm đảo điên tất cả các ý nghĩ và tôi chỉ còn biết hành động theo bản năng là chiến đấu, chiến đấu để bảo toàn mạng sống của mình”.


Đã sắp đến 22 giờ đêm 20/3/1943 và viên sĩ quan của Phe Trục này biết rằng màn pháo kích dồn dập, mà ban đầu ông lầm tưởng là một trận sấm sét long trời lở đất ấy, là điềm báo của một cuộc tấn công tổng lực. Chỉ còn 30 phút nữa là đến giờ mở màn “Chiến dịch võ sĩ quyền Anh” (Operation Pugilist), trận đánh lớn đầu tiên của tướng Bernard Montgomery kể từ sau chiến thắng oanh liệt tại cứ điểm El Alamein (bắc Ai Cập) hồi tháng 10/1942 trước Phe Trục, nhưng chính những binh sĩ được giao phó trọng trách chọc thủng tuyến phòng thủ kiên cố nhất ở Bắc Phi này cũng không kém phần hãi hùng bởi màn pháo kích hủy diệt từ đồng đội của họ.


Đối với Trung sĩ Doug King, chỉ huy một đơn vị súng chống tăng, thì “cuộc oanh kích này dường như còn tồi tệ hơn cả ở El Almein”. Tiếng pháo rít đinh tai nhức óc khiến mọi hình thức liên lạc đều trở thành vô tác dụng.


 

Tranh biếm họa về trung tá Seagrim “Thỏ”.

Trung sĩ King thuộc Tiểu đoàn số 7, Green Howards, đơn vị được trao nhiệm vụ khó khăn và cũng là quan trọng nhất trong cuộc tấn công trong đêm nhằm vào phòng tuyến Mareth của Sư đoàn 50 (Northumbrian), đó là đột kích Bastion, một công sự được bố phòng cẩn mật do chính các kỹ sư Đức xây dựng ở phía trước hệ thống phòng thủ Mareth. Nằm trên một gò cao với nhiều chốt quan sát và vô số súng máy cũng như được bảo vệ bởi một hào chống tăng dốc đứng, Bastion là một pháo đài kiên cố và có thể bao quát tất cả các hướng tiếp cận đến sông cạn Zigzaou.


Sự thành bại của đợt tấn công vỗ mặt trong “Chiến dịch võ sĩ quyền anh”, do Lữ đoàn khinh bộ binh 151 thực hiện, lại phụ thuộc vào việc tiểu đoàn Green Howards có triệt tiêu được mối đe dọa bắt nguồn từ pháo đài Bastion hay không. Một sứ mệnh nặng nề nhưng lại do một sĩ quan 39 tuổi, mang thân hình gầy gò, lên kế hoạch và thực hiện.


Cho đến thời điểm hiện tại, thời gian phục vụ quân ngũ của trung tá Derek Seagrim (1903 - 1943) không có gì nổi bật. Sau 16 năm phục vụ quân ngũ không biết tới mùi thuốc súng ở Trung Quốc, Palextin và Đông Phi, ông lại được phân làm sĩ quan trực máy liên lạc trong chiến dịch Abyssinian (ở Đông Phi từ tháng 6/1940 đến tháng 11/1941) và sĩ quan tham mưu ở Hy Lạp và Bắc Phi, nơi ông phối hợp trợ giúp các đơn vị Anh bị cô lập sau các chiến tuyến của đối phương do cuộc tấn công của Nguyên soái Đức Erwin Rommel vào Cairô mùa hè trước đó.


Khi Tập đoàn quân số 8 của Anh rút về El Alamein sau trận thua tan tác ở Tobruk (Libi), sĩ quan Seagrim “Thỏ” (mang biệt danh này vì có hàng răng cửa quá khổ nhô ra phía trước) được điều động trở lại trung đoàn của cha, tạm thời mang hàm trung tá và được giao nhiệm vụ tổ chức lại tiểu đoàn Green Howards số 7 sau khi đơn vị này gần như bị xóa sổ trong cuộc rút quân toán loạn khỏi Tobruk.


Seagrim đã hăng hái bắt tay vào nhiệm vụ, xốc lại nhuệ khí và lấy mình làm gương để khôi phục tinh thần binh sĩ, điển hình là phản ứng của ông trước những cuộc bắn phá bằng pháo và súng cối hàng ngày nhằm vào đơn vị ông khi bám trụ chiến tuyến ở Alamein. Mỗi khi đạn pháo nổ quanh các chiến hào của tiểu đoàn Green Howards, ông lại đến thăm lần lượt các đại đội tiền tiêu với dáng vẻ hết sức “thản nhiên” trước bom đạn của đối phương. “Thật không thể tin vào mắt mình khi thấy ông ấy như vậy. Ông ấy đi trong chiến hào cứ như thể đang tản bộ trong một buổi chiều thứ bảy thanh bình”, Eric “Nobby” Browman, một trung sĩ thuộc bộ phận tình báo, nhận xét.


Huy Lê


Đón đọc kỳ 2: Người hùng “răng thỏ”

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN