Những nữ điệp viên tuyệt sắc tài ba của thế kỷ XX

Họ đều thuộc phái yếu, nhưng chưa bao giờ tỏ ra thua kém phái mạnh. Với sắc đẹp hoa nhường nguyệt thẹn cùng sự mưu lược tài trí, họ có lợi thế hơn nhiều so với các đấng mày râu cùng hoạt động trong lĩnh vực tình báo. Kết quả, những tin tức mà họ thu thập được thường xuyên có giá trị rất cao. Họ chính là những điệp viên tuyệt sắc tài ba của thế kỷ XX.


Kỳ 1: Mata Hari - sự bất tử của một cái chết


5 giờ 30 phút sáng 15/10/1917, một chiếc xe bịt bùng đỗ xịch tại trường bắn Vincennes (Pari, Pháp). Bước xuống cuối cùng là một phụ nữ sắc đẹp mê hồn. Đó là  Mata Hari, người bị tòa án Pháp kết tội tử hình vì làm gián điệp và liên hệ bí mật với quân thù. Hôm nay chính là ngày cô ra pháp trường. Vẫn bình tĩnh dường khi không biết đến thần Chết chuẩn bị vung lưỡi hái nhằm vào mình, Hari giơ bàn tay xinh xắn gửi tới những người có mặt tại trường bắn Vincennes một nụ hôn gió, thậm chí còn yêu cầu không phải bịt mắt để có thể nhìn thẳng cái chết.


Mata Hari trong một điệu múa thoát y.


Sau khẩu lệnh của viên chỉ huy, tiếng súng vang lên. Một viên đạn xuyên qua tim Hari. Cô gục xuống. Viên hạ sĩ quan bước tới gần, dí khẩu súng lục vào đầu Hari làm nốt bổn phận cuối cùng. Hari đã thực sự ra đi, nhưng đó chỉ là phần xác. Cái chết đầy tranh cãi đã khiến Hari trở nên bất tử. Đến nay, hàng chục tác phẩm từ sách đến kịch, rồi phim ảnh và cả âm nhạc, hội họa lấy Mata Hari và cuộc đời sóng gió của cô làm cảm hứng sáng tác đã xuất hiện trên thị trường. Trong đó, nổi bật hơn cả là cuốn "Hơi thở của Chúa" của Bernard Werber, "Vũ nữ đỏ" của Richard Skinner, phim "Sòng bạc Hoàng gia" do hãng Columbia sản xuất…


Trở lại 41 năm trước, ngày 7/8/1876, một gia đình thương nhân vùng Leeuwarden (Friesland, Hà Lan) vui mừng đón chào sự ra đời của một bé gái. Họ đặt tên cho con là Margaretha Zelle. Cô bé lớn lên trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của gia đình. Nhưng tất cả sớm trở thành dĩ vãng sau việc cha mẹ cô ly hôn. Zelle cũng sẽ trở thành một giáo viên mầm non nếu như không gặp phải ông hiệu trưởng dê già. Cuộc hôn nhân đầu tiên đến bất ngờ với Zelle khi cô vừa tròn 18. Zelle lênh đênh cùng chàng sĩ quan hải quân Hà Lan, Rudolf John MacLeod, tới Inđônêxia. Họ cũng kịp có với nhau hai mặt con, trước khi Zelle không thể chịu đựng thêm nữa thói vũ phu, tính lăng nhăng và sự bệ rạc rượu chè của chồng. Sau khi li thân, Zelle đi theo tiếng gọi tình yêu với một sĩ quan Hà Lan khác có tên là Van Rheedes, chuyên tâm học vũ đạo.


Quang cảnh pháp trường Vincennes, nơi xử bắn Mata Hari.


Năm 1903, Zelle trở về Hà Lan, chính thức chia tay với MacLeod. Hai năm sau, Zelle đã lột xác hoàn toàn trên sân khấu thoát y nơi thủ đô hoa lệ của nước Pháp với nghệ danh Mata Hari (con mắt bình minh), trong các vũ điệu của Inđônêxia và Malaixia. Sắc đẹp và sự nổi danh của Hari đã khiến những con thiêu thân khác giới, trong đó có không ít bậc tai to mặt lớn lao đến cung phụng. Và thế là Hari nằm trong tầm ngắm của các cơ quan tình báo của cả Pháp lẫn Đức. Đã có lúc, Hari muốn làm nghệ thuật thực sự. Bằng chứng là sau mấy năm ở Pháp, Hari sang Đức với hy vọng nhận được sự giúp đỡ của một tình nhân cũ để có thể được biểu diễn khiêu vũ. Sự việc không thành, Hari lại phải phơi mình ra trước ánh mắt hau háu của cánh đàn ông. Những cuộc tình trăng gió đến rồi đi.


Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất nổ ra, Hari tham gia cơ quan mật vụ Đức trong khi vẫn tung hoành khắp các sàn diễn Luân Đôn, Pari, Brúcxen. Tình báo Italia "đánh tiếng", chính quyền Pháp theo sát nhưng vẫn không có đủ bằng chứng để buộc tội người vũ nữ nổi tiếng khắp châu Âu này. Tình báo Pháp giao cho Hari một vài nhiệm vụ ở Brúcxen. Trong khi thu thập tin tức cho đồng minh, Hari vẫn thực hiện chỉ thị từ tình báo Đức và nhận tiền của cả 2 bên. Đến khi người Đức ngao ngán Hari, nhất là những khoản phí công tác khổng lồ mà nàng đòi hỏi, họ buộc nàng phải trở lại Pháp. Tại Pari, một cái bẫy đã giăng sẵn. Hari bị bắt, bị kết án tử hình. Nhưng dân chúng Pari khi đó lại truyền tụng với nhau rằng Hari vô tội. Nàng chỉ là vật hy sinh để trấn an dư luận. Vì năm 1917, người Pháp đã quá mệt mỏi. Ngoài chiến trường bất kỳ chuyện không đâu nào cũng khiến binh lính nổi loạn. Ở hậu phương, nạn đói và tang tóc khiến mọi người như phát điên. Màn kịch về những kẻ phản bội, những kẻ khiến chiến thắng đến chậm đã được dựng lên. Với sự nổi tiếng của mình, Hari vô tình trở thành tên tội phạm lý tưởng.



Minh Thành (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN