Những cô gái phá mật mã của làng tình báo trong Thế chiến II - Kỳ 1

Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, cả Mỹ và Anh đều duy trì một đội ngũ lớn những phụ nữ làm trong lĩnh vực phá mật mã. Công việc của họ rất quan trọng nhưng lại ít được biết tới.

Kỳ 1: Những cô gái Bletchley

Nghĩ tới thành tích của bộ phận phá mật mã nổi tiếng của tình báo Anh tại Bletchley Park trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, người ta nghĩ tới nam giới. Tuy nhiên, trên thực tế phụ nữ chiếm 3/4 lực lượng lao động trong bộ phận này.

Chú thích ảnh
Một phòng đánh máy tại trụ sở phá mật mã Bletchley Park. Ảnh: Getty Images

Đầu những năm 1940, hình ảnh một cô gái đi xe đạp đỏ rất quen thuộc với người dân ở Fenny Stratford, Buckinghamshire. Hàng ngày, lúc nào cũng vậy, cô gái đi qua những ngôi nhà trên phố, lọn tóc đen tung lên trong gió, đôi chân mảnh mai đạp xe nhanh về nhà. Quãng đường hàng ngày của cô không đơn giản, dài gần 5km và lại toàn lên dốc. Cô gái còn trẻ, mới 19 tuổi, và ai gặp cô cũng ấn tưởng bởi nụ cười cương nghị.

Cô gái sống cùng vợ chồng một lái xe tải tên là Dickenses. Tuy nhiên, cô không thuộc gia đình này. Nhiều người đồn đoán về xuất thân của cô khi cô nói giọng Italy.

Rozanne Colchester thực ra là một “Bletchleytte” (tạm dịch: cô gái làm việc ở Bletchley). Từ năm 1942 tới năm 1945, cô là một trong khoảng 8.000 phụ nữ khắp nước Anh làm việc tại Bletchley, trụ sở của những người phá mật mã nổi tiếng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai và là nơi tập huấn của Alan Turing – cha đẻ của máy tính hiện đại. 

Colchester (khi đó là Medhurst) nói tiếng Italy, làm việc trong một ngôi nhà gỗ ở Bletchley cùng một nhóm phụ nữ. Tại đây, họ giải mã các tin nhắn mà họ lấy được từ phi công lái máy bay chiến đấu của kẻ thù. Giống như mọi người ở Bletchley Park, Colchester cam kết giữ bí mật công việc. Sau này, cô nhớ lại: “Người ta nói rằng nếu bạn kể về công việc, bạn có thể bị bắn”.

Chú thích ảnh
Pamela Rose trước khi tham gia làm việc tại Bletchley Park. 

Bí mật về hoạt động tại Bletchley Park còn kéo dài nhiều năm sau. Mãi tới giữa những năm 1970, người ta mới cho phép thảo luận công khai về công việc tại đó. Mãi tới năm 2009, Chính phủ Anh mới ghi nhận công lao của những người làm việc tại đây. Những người đó trải qua chiến tranh bằng thứ vũ khí riêng đó là toán học và suy luận, không phải bom hay súng, và họ cũng ít phải đối mặt với nguy cơ thiệt mạng hơn. Do đó, quá trình công nhận công lao của họ cũng rất chậm chạp. Nhưng với những cô gái ở Bletchley, sự công nhận này gần như không tồn tại.

70 năm sau, đóng góp phi thường của những thành viên nữ trong đơn vị phá mã thời chiến ở Anh mới được biết tới. Năm 2015, tác giả Tessa Dunlop đã xuất bản cuốn sách “The Bletchley Girls” (Những cô gái Bletchley), kể về cuộc sống của những phụ nữ nổi bật làm việc tại Bletchley Park. Thời đó, họ không phải là ngôi sao mà là kiến thợ. Phần lớn xuất thân từ tầng lớp trung lưu. 

Colchester biết tới Bletchley qua người cha, Thiếu tướng Không quân Charles Medhurst – tùy viên không quân ở Rome. Tại thời điểm đó, Colchester sống ở Italy và gia nhập tầng lớp xã hội tinh hoa.

Trước chiến tranh, cô từng gặp Adolf Hitler và được Mussolini tán tỉnh tại bữa tiệc của Đại sứ quán, nhưng cô thấy triển vọng làm việc phục vụ quê hương rất tuyệt vời. Cô đã qua vòng phỏng vấn và ngay lập tức sống một cuộc sống hoàn toàn khác so với trước kia khi xa nhà.

Chú thích ảnh
Một "Bletchleyette". 

Một cô gái khác tên là Pamela Rose, nữ diễn viên ở London và khi đó 24 tuổi. Mẹ nuôi của Rose đã thúc giục cô đăng ký làm việc tại Bletchley. Sau này, bà kể lại: “Tôi vừa được đề nghị một vai dự bị trong vở kịch Water on the Rhine in the West End, và tôi rất phấn khích. Tôi đã hỏi người phỏng vấn mình, một trưởng bộ phận hải quân, xem ông ấy nghĩ tôi nên làm gì. Ông ấy nói: ‘Tôi cho rằng sân khấu có thể đợi. Chiến tranh thì không’. Chuyện là thế”.

Bà Rose cho rằng mình được chọn dựa trên nền tảng gia đình: “Tôi cho rằng họ phải cẩn thận trong lựa chọn. Họ cho rằng nếu họ chọn con cái những gia đình họ biết thì ít khả năng chọn nhầm phải gián điệp Đức”.

Công việc của họ rất khác nhau. Colchester tập trung vào giải mã, còn Rose lại làm việc ở bộ phận tình báo hải quân, ghi chú những từ ngữ cần quan tâm trong tin nhắn của Đức và Pháp, viết lên thẻ và đối chiếu. 

Các cô gái khác ở Bletchley Park lại có nhiệm vụ khác. Muriel Dindol, khi đó mới 14 tuổi và trẻ nhất nhóm, làm nhiệm vụ truyền tin. Cora Jarman lại thực sự không biết mình làm việc gì khi đó. Bà mô tả lại: “Công việc như là chơi cờ ca-rô trên giấy. Tôi chỉ tới Bletchley Park vì tôi thích đồng phục ở đó”.

Khi cả dân thường và quân nhân cùng sống trong một khu vực, Bletchley Park mang tới một trải nghiệm khác thường. Các cô gái làm việc theo ca, xuyên đêm trong những khu vực chật chội. Họ giải trí bằng chơi bài và chuyện phiếm. 

Chú thích ảnh
Pamela Rose (trái) và Rozanne Colchester (phải) khi về già.

Trong các khách sạn gần đó, có tiệc trà, biểu diễn trong căng tin, có câu lạc bộ, các hội dành cho những người chung sở thích. Tất cả thường gặp nhau trong giờ nghỉ giải lao trong căn phòng nhỏ ở tòa nhà chính. Dù có áp lực công việc nhưng họ sống như một cộng đồng đoàn kết.

Bốn năm tại Bletchley Park trôi qua. Phần lớn phụ nữ ở đây sau đó từ bỏ công việc này, kết hôn và không bao giờ nhìn lại. Rose ở lại tới cuối năm 1945, kết hôn vào tháng 1 năm sau và ổn định cuộc sống gia đình. Còn Colchester đi theo con đường phi truyền thống hơn. Sau khi mất anh trai trong chiến tranh, cô xin chuyển công tác sang Cairo, Ai Cập – nơi bố mẹ đang sống. Tại đây, cô chuyển từ thế giới phá mật mã sang ngành tình báo tại Cơ quan tình báo Anh MI6.

Tuy nhiên, với phần lớn, Bletchley Park là đỉnh cao trong sự nghiệp tình báo. Tác giả Dunlop nhận định: “Chỉ đơn giản là Bletchley Park không thể hoạt động nếu thiếu họ”. 

Cả Rose và Colchester đều có tên trong danh sách vinh danh chính thức của Bletchley Park được lập trên mạng năm 2013. Họ được ca ngợi vì đã phục vụ, hỗ trợ công việc của Bletchley Park trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tên họ có kèm dòng chữ “Chúng tôi cũng phục vụ”. Đây là sự công nhận công lao của họ, cho dù cần quá nhiều thời gian mới thành hiện thực.

Thời gian làm tại Bletchley Park đã mang lại cho Rose và Colchester một tình bạn lâu bền. Họ viết thư liên lạc với nhau sau chiến tranh, an ủi khi chồng người kia qua đời, cho con cháu kết bạn với nhau. Bà Rose nhớ lại: “Đó là một di sản đáng yêu của thời đó”.

Kỳ 2: Lịch sử bí mật của những người giúp đánh bại phát xít Đức

Thùy Dương/Báo Tin tức (Telegraph)
Marthe Cnockaert – Nữ y tá làm điệp viên hai mang thời Thế chiến 1
Marthe Cnockaert – Nữ y tá làm điệp viên hai mang thời Thế chiến 1

Marthe Cnockaert đang sống ở Westrozebeke (Bỉ) với cha mẹ và các anh năm 1914 thì cô hay tin thế giới sắp có chiến tranh. Các anh trai cô lên đường phục vụ cuộc chiến mà sau này được gọi là Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN