Những bước ngoặt khó quên mùa bầu cử Mỹ 2016

Chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 khiến các cử tri trải qua đầy đủ các cung bậc cảm xúc, từ hào hứng, hy vọng, cho tới sững sờ, hay thậm chí là cả thất vọng và bối rối. Sau đây là một số sự kiện khiến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 trở thành cuộc bầu cử được đánh giá là đặc biệt và khó quên nhất trong lịch sử nước Mỹ.

FBI nối lại điều tra về bà Clinton 

Bà Clinton đã làm dấy lên hàng loạt tranh cãi về việc bà sử dụng máy chủ cá nhân để gửi các thư điện tử trong giai đoạn còn làm ngoại trưởng Mỹ. Tháng 7/2016, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã kết luận bà không phạm tội hình sự và chỉ “bất cẩn”. Tuy nhiên, mọi chuyện lại thay đổi vào cuối tháng 10/2016, chỉ 11 ngày trước Ngày Bầu cử, khi FBI khiến người dân hết sức bất ngờ bằng việc tuyên bố tìm thấy loạt thư điện tử mới, có thể liên quan đến bê bối nói trên của bà Clinton. 

Ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa đã nhanh chóng hoan nghênh quyết định nối lại các cuộc điều tra, đồng thời gọi vụ việc là “bê bối chính trị lớn nhất từ vụ Watergate”. Nhiều cuộc thăm dò dư luận được tiến hành sau đó cho thấy tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho ứng cử viên này đã tăng lên nhanh chóng. Vụ việc này bị nhiều thành viên đảng Dân chủ chỉ trích là nhằm đem lại lợi thế cho ứng cử viên đảng Cộng hòa.

Bà Clinton và ông Trump đã trải qua nhiều bê bối trong mùa bầu cử 2016.

Cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ một lần nữa lại phải lên tiếng xin lỗi vì sự bất cẩn khi sử dụng máy chủ cá nhân, điều mà đảng Cộng hòa chỉ trích là hành động có nguy cơ làm lộ các thông tin mật. Bà Clinton khẳng định đó là “một sai lầm và tôi vô cùng hối hận”. 
Ngày 6/11, Giám đốc FBI James Comey tuyên bố cơ quan này đã kết thúc việc xem xét các bức thư điện tử mới liên quan đến ứng cử viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ và không thấy bằng chứng nào để thay đổi quan điểm trước đó. Bức thư ông Comey gửi cho Quốc hội Mỹ có đoạn: “Sau khi xem xét kỹ lưỡng, chúng tôi không thay đổi kết luận đã đưa ra hồi tháng 7/2016 liên quan tới cựu Ngoại trưởng Clinton”. Hiện vẫn chưa rõ tuyên bố này sẽ tác động thế nào tới chiến dịch tranh cử khi chiến dịch này đang dần khép lại. Tuy nhiên, đảng Dân chủ đã nhanh chóng hoan nghênh tuyên bố mới của FBI. 

Trong khi đó, ông Trump tuy chưa có bình luận trực tiếp nào liên quan tới công bố mới của FBI song trong cuộc vận động tranh cử tại Minnesota, bang từng thuộc về đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2012, ông đã tiếp tục chĩa "mũi dùi" chỉ trích giới chóp bu Washington bằng tuyên bố: “Hillary Clinton sẽ phải đối mặt với các cuộc điều tra kéo dài vì những tội ác bà ta đã gây ra cho đất nước, cho nhân dân và cho nền dân chủ của chúng ta”, đồng thời cảnh báo các cử tri của mình rằng “các bạn cần phải hiểu, đây là một chế độ gian lận và bà ta được bảo vệ”. 

Đoạn băng ghi âm bê bối của ông Trump

Ứng cử viên của đảng Cộng hòa từng nhiều lần vấp phải phản ứng gay gắt khi có các phát biểu hạ thấp phẩm giá của phụ nữ. Không chỉ vậy, một đoạn băng ghi âm bị tiết lộ ngày 7/10 đã khiến nhà tỷ phú này phải đối mặt với những cáo buộc tấn công tình dục và sự chỉ trích nặng nề của dư luận. 

Trong đoạn băng ghi âm từ năm 2005, ông Trump dường như quên mất việc mình vẫn đang đeo micro khi dùng những lời lẽ tục tĩu nói về phụ nữ. Sau khi đoạn băng được tiết lộ, hơn một chục phụ nữ đã tố cáo tỷ phú 70 tuổi này từng có những hành vi thiếu đứng đắn đối với mình. Trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình ngày 9/10, bà Clinton nói: “Ông ấy nói rằng đoạn băng ghi hình không thể hiện con người ông ấy. Song tôi thấy rõ ràng là bất cứ ai xem và nghe nó đều thấy rằng đó chính là con người ông ấy, là những gì chúng ta đã nhìn thấy trong suốt chiến dịch tranh cử”. 

Ông Trump phủ nhận các cáo buộc và chỉ trích, cho rằng đó chỉ là câu chuyện phiếm “trong phòng thay đồ”, đồng thời đe dọa sẽ kiện những người buộc tội ông sau khi cuộc bầu cử kết thúc.  

Bê bối trốn thuế của ông Trump

Ông Donald Trump đã từ chối công bố chi tiết các khoản hoàn thuế thu nhập của mình, một hành động đi ngược lại truyền thống đã có từ hơn bốn thập kỷ của các ứng cử viên tổng thống Mỹ. 

Trong cuộc tranh luận trực tiếp ngày 26/9, bà Clinton đã đưa ra một số giả thuyết về lý do đối thủ của mình không muốn công khai điều này, cho rằng “có thể ông ấy không muốn người dân Mỹ, tất cả những người đang chứng kiến tối nay, biết được rằng ông ấy đã không trả bất kỳ một khoản thuế liên bang nào”. Trước cáo buộc của bà Clinton, ông Trump chỉ đáp lại rằng: “Điều đó chứng tỏ là tôi thông minh”. 

Vấn đề sức khỏe của bà Clinton

Bà Clinton đã bị ông Trump chế giễu về tình trạng sức khỏe của bà khi bà đột ngột phải rời khỏi buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân của sự kiện 11/9. Một người đi đường đã quay được cảnh bà phải nhờ đến sự trợ giúp của hai mật vụ Mỹ để bước vào xe. Bác sỹ riêng của bà Clinton sau đó cho biết bà bị viêm phổi và cần một thời gian để nghỉ ngơi. Điều này đã làm dấy lên không ít sự hoài nghi của dư luận về việc ứng cử viên của đảng Dân chủ có đủ thể chất và trí lực để đảm đương cương vị lèo lái cường quốc số 1 thế giới hay không. 

“Những kẻ đáng chê trách”

Bà Clinton đã vấp phải làn sóng chỉ trích gay gắt sau khi bà gọi các cử tri ủng hộ ông Trump là “những kẻ đáng chê trách” trong một buổi gây quỹ ngày 9/9 tại New York. Đảng Cộng hòa đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội này để chia rẽ bà Clinton với các cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động. Bà Clinton sau đó đã bày tỏ sự hối tiếc về phát biểu của mình.  

Gia đình binh sỹ Hồi giáo

Ông Trump đã vướng vào một cuộc khẩu chiến hồi tháng 7 với gia đình một binh sỹ Mỹ Hồi giáo, người thiệt mạng trong một vụ đánh bom cảm tử của quân thánh chiến tại Iraq năm 2004. Trong một bài phát biểu tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ, cha của binh sỹ này - ông Khizr Khan, một người nhập cư từ Pakistan - đã chỉ trích ông Trump “không hề hy sinh bất kỳ điều gì” cho đất nước này. 

Ứng cử viên đảng Cộng hòa đã nhanh chóng đáp trả trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình ABC, nhấn mạnh ông “đã hy sinh rất nhiều”, sau đó viết trên trang mạng cá nhân Twitter rằng: “Ông Khan, người không hề quen biết tôi, đã hằn học tấn công tôi tại Đại hội của đảng Dân chủ”. 

Những phát biểu này, cùng việc ông Trump từ chối xin lỗi khi nói rằng vợ của ông Khan đứng im cạnh ông trong sự kiện của đảng Dân chủ là vì bà ấy không có quyền phát biểu, đã vấp phải sự phản ứng mạnh của ngay chính các thành viên đảng Cộng hòa.

TTK
Bạn bè "trở mặt" với nhau trên mạng xã hội vì bầu cử Mỹ
Bạn bè "trở mặt" với nhau trên mạng xã hội vì bầu cử Mỹ

Nếu như trước đây, một người có thể không biết tư tưởng chính trị của người thân, bạn bè, đồng nghiệp thì giờ với sự phổ biến của các trang mạng xã hội, điều đó chỉ còn là quá khứ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN