Những bức tường chia cắt nổi tiếng thế giới (Tiếp theo)

Trên thế giới, ngoài Bức tường Berlin nổi tiếng chia cắt Đông Đức và Tây Đức, có hơn 50 bức tường được xây dựng nhằm chia cắt vùng lãnh thổ. Phần lớn các bức tường đều gây ra tranh cãi khi được hình thành, tuy nhiên, sự xuất hiện của chúng dường như chưa lúc nào chấm dứt.

Hàng rào biên giới Thái Lan - Malaysia

Biên giới Thái Lan - Malaysia trải dài 505km từ Eo biển Malacca đến Vịnh Thái Lan. Nó phân chia lãnh thổ giữa các bang của Malaysia dưới thời thuộc Anh và Vương quốc Xiêm, được ghi lại trong hiệp ước biên giới năm 1909.

Biên giới Malaysia - Thái Lan.


Năm 1965, hai nước đã thành lập Ủy ban Biên giới Khu vực, một ủy ban chung nhằm giám sát an ninh dọc biên giới. Trong những năm 1970, cả hai nước đã xây dựng các hàng rào dọc biên giới để bảo vệ an ninh. Năm 1991, Malaysia tuyên bố sẽ dựng một bức tường bê tông dài 96km, chia tách bang Kelantan với Thái Lan.

Trong khi mục đích được tuyên bố chính thức là để ngăn chặn hoạt động tội phạm dọc biên giới, các nhà phân tích chỉ ra rằng quan hệ giữa hai nước đã xấu đi vì các vấn đề khủng bố, tranh chấp quyền đánh bắt cá cũng như các phong trào ly khai Hồi giáo bạo lực. Tuy nhiên, Malaysia bác bỏ chính trị bất đồng giữa hai nước là lý do của việc dựng hàng rào.

Năm 2007, Thủ tướng Thái Lan Surayud Chulanont đã ủng hộ kế hoạch xây dựng một hàng rào nữa dọc một phần biên giới; và trong năm 2013, Malaysia tuyên bố nước này đang xây thêm một bức tường (được sự cho phép của Thái Lan) dọc sông Sungai Golok, chia cắt Kelantan với tỉnh Narathiwat của Thái Lan. Gần đây, hàng rào cũ đã được thay thế bằng hàng rào hiện đại với các biện pháp an ninh nâng cấp trong cuộc chiến chống nạn buôn người và tình trạng bạo lực ở khu vực.

Hàng rào Saudi Arabia - Yemen


Từ năm 1990 (thời điểm Yemen thống nhất đất nước) cho đến năm 2000, căng thẳng giữa Yemen và Saudi Arabia luôn ở mức cao. Nhiều cuộc giao chiến đã diễn ra. Đến năm 2000, hai nước cuối cùng đã ký kết một hiệp ước hòa bình.

Hàng rào dọc biên giới Saudi Arabia và Yemen.


Tuy nhiên, năm 2004, Saudi Arabia - một trong những nước lên án mạnh mẽ bức tường an ninh của Israel - lại bắt đầu xây dựng rào chắn của chính mình với Yemen. Nó bao gồm các hàng rào nhồi bê tông và thiết bị cảm biến điện tử (và cũng là một phần của dự án giám sát trị giá 9 tỷ USD). Saudi Arabia tìm cách ngăn chặn việc buôn lậu vũ khí, chất nổ, ma túy và cả nạn buôn người từ biên giới Yemen, nhưng đó vẫn là một cuộc chiến khó khăn.

Việc xây dựng bắt đầu khi 36 lính biên phòng bị sát hại tại một thị trấn biên giới của Saudi Arabia cùng một loạt cuộc tấn công khủng bố trong năm 2003 của những phần tử Hồi giáo cực đoan, làm 50 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Nhưng năm 2004, công việc bị tạm dừng vì hai chính phủ tổ chức đàm phán về tương lai của hàng rào này. Yemen nhanh chóng ví nó như bức tường an ninh của Israel và tuyên bố nó vi phạm hiệp ước của hai nước (có điều khoản rằng các lực lượng quân sự không được đồn trú hai bên vùng đệm rộng 20 km dọc biên giới) và hàng rào ảnh hưởng đến cuộc sống của những người chăn cừu.

Tới năm 2008, việc xây dựng được nối lại. Năm 2013, thêm 74km nữa được dựng lên để giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp, chủ yếu của người Somalia hay Ethiopia, hay thậm chí cả người Yemen. Các quan chức Saudi Arabia cho rằng hàng rào mới, do các công ty Pháp lắp đặt, rất thành công khi ngăn chặn nạn buôn lậu và những kẻ xâm phạm. Khi được hoàn thành, tổng chiều dài của nó sẽ lên đến 1.799km.

Bức tường vĩ đại của Morocco


Bức tường Morocco dài 2.575km, cao 3m, gồm những đoạn bằng cát, tường, rào, dây thép gai, boongke và bãi mìn có quy mô gần bằng một nửa Vạn lý trường thành của Trung Quốc. Nhìn trên cao, nó trông như một đường vẽ nguệch ngoạc trên khắp Sa mạc Sahara.

Bức tường chia cắt Morocco.


Nó được xây dựng vào năm 1980 bởi Quân đội Hoàng gia Morocco để ngăn cách các tỉnh miền nam do Morocco kiểm soát và các vùng do Mặt trận Polisario (một phong trào nổi dậy của người Sahrawi) nắm giữ và để ngăn những người Sahrawi tị nạn trở về quê hương của họ. Từ năm 1980 đến 1987, 5 bức tường nữa đã được xây.

Sau lệnh ngừng bắn năm 1991, cả hai bên đều thực hiện tuần tra hai phía bức tường. Quân Morocco có lúc lên đến 160.000 lính và cứ 11km dọc bức tường họ lại đặt một cơ sở quân sự. Phía Polisario thì từ chối đưa ra con số cụ thể.

Những người chỉ trích gọi đây là "bức tường tủi hổ" vì nó ngăn các chiến binh và người tị nạn Sahrawi đoàn tụ với gia đình ở Algiers, đồng thời gây khó cho người Sahrawi du cư trong khu vực. Dù không được chú ý như bức tường an ninh của Israel, nó cũng trở thành tâm điểm của các cuộc biểu tình nhân danh người tị nạn Sahrawi.

Trong khi đó, cuộc xung đột ở Tây Sahara này là một trong những cuộc xung đột kéo dài nhất trên thế giới, bắt đầu vào năm 1976 khi thực dân Tây Ban Nha chia cắt khu vực giữa Morocco và Mauritania, nơi người Sahrawi đấu tranh để giành độc lập.  

(Còn tiếp)


Trần Anh

Những bức tường chia cắt  nổi tiếng thế giới
Những bức tường chia cắt nổi tiếng thế giới

Trên thế giới, ngoài Bức tường Berlin nổi tiếng chia cắt Đông Đức và Tây Đức, có hơn 50 bức tường được xây dựng nhằm chia cắt vùng lãnh thổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN