'Nhà nước chìm' - thế lực ngăn cản cựu Tổng thống Carter rút quân khỏi Hàn Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump có lần đã bày tỏ mong muốn rút 28.500 binh sĩ Mỹ khỏi Hàn Quốc. Ông không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên có ý định này. Cựu Tổng thống Jimmy Carter từng nỗ lực rút lực lượng Mỹ khỏi Bán đảo Triều Tiên nhưng thất bại vì bị một “thế lực” lớn ngăn cản.

Phản đối dữ dội

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1976, đúng vào năm hai binh sĩ Mỹ bị lính Triều Tiên sát hại tại khu vực phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, ông Jimmy Carter liên tục nói về nguyện vọng rút 40.000 binh sỹ Mỹ khỏi Hàn Quốc. Trong số đó, có 15.000 binh sĩ chiến đấu và nhiệm vụ của họ là ngăn chặn Triều Tiên tấn công. Lý do chính mà ông đưa ra là chính phủ Hàn Quốc lúc bấy giờ lạm dụng quyền con người, đàn áp đối thủ chính trị và không được lòng Washington. Lý do nữa là để giảm bớt chi tiêu quân sự (ước tính tiết kiệm 2 tỷ USD) cũng như xoa dịu cử tri Mỹ vốn lo sợ Mỹ có cam kết quân sự ở nước ngoài sau khi mới thất bại ở Việt Nam.

Chú thích ảnh
Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee (phải) và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ngày 29/6/1979. Ảnh: AP

Khi ông Carter nhậm chức vào tháng 1/1977, ông ngay lập tức ra lệnh thực hiện kế hoạch rút toàn bộ lực lượng bộ binh Mỹ từ Hàn Quốc về nước cùng với khoảng 700 vũ khí hạt nhân được triển khai ở đây. Ông Carter đã ra một bản ghi nhớ của tổng thống mà không tham vấn phía Hàn Quốc, nhưng lại phái Phó Tổng thống Walter Mondale tới Nhật Bản tháng 1/1977 để tham vấn chính phủ nước này về vấn đề rút quân. Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda hoài nghi kế hoạch của Mỹ vì cho rằng nó sẽ ảnh hưởng tới an ninh của Nhật Bản.

Vào giữa tháng 2/1977, Chính phủ Hàn Quốc được thông báo về kế hoạch Mỹ rút quân khỏi Bán đảo Triều Tiên. Kế hoạch bị chính quyền của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee phản đối dữ dội, cho dù Hàn Quốc sẽ được Mỹ hứa tăng cường viện trợ quân sự và tín dụng. Cựu Tổng thống Park Chung-hee đặc biệt giận dữ vì ông coi đó là hành động Mỹ bỏ rơi đồng minh trong khi Hàn Quốc đã cử hàng nghìn binh sỹ giúp Mỹ ở Việt Nam.

Không chỉ Hàn Quốc phản đối kế hoạch của cựu Tổng thống Carter, mà đa số giới chức ngoại giao Mỹ, quốc phòng, tình báo (ngày nay giới này được gọi là “nhà nước chìm” – deep state) cũng như Quốc hội Mỹ (đặc biệt là các thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Ủy ban Quân lực) phản đối. Phần lớn những người phản đối lo ngại về tình trạng răn đe truyền thống của Mỹ ở Đông Á và việc Mỹ mất uy tín với đồng minh.

Quân đội Mỹ đặc biệt phản đối kế hoạch của cựu Tổng thống Carter. Tháng 5/1977, Thiếu tướng John K. Singlaub, Tham mưu trưởng Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, đã chỉ trích chính sách của ông Carter nặng nề khi trả lời phỏng vấn báo chí. Ông dự báo khi bộ binh Mỹ rút khỏi Hàn Quốc theo kế hoạch đề ra thì sẽ xảy ra chiến tranh. Ông Carter ngay lập tức phân công Thiếu tướng Singlaub làm nhiệm vụ khác.

Tuy nhiên, ông Singlaub không phải là người duy nhất phản đối. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã tìm cách trì hoãn tổng thống ra quyết định cuối cùng bằng cách đề xuất lộ trình rút quân theo giai đoạn từ 4 đến 5 năm.

Bản phân tích của CIA

Đáng lưu ý, người khiến kế hoạch của cựu Tổng thống Carter đổ bể chính là một nhà phân tích tình báo: John Armstrong, một sĩ quân lục quân làm việc tại Cơ quan Nghiên cứu đặc biệt của Lục quân Mỹ thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia. Với nghiên cứu của mình, ông đã buộc cộng đồng tình báo Mỹ phải đánh giá lại về năng lực quân sự truyền thống của Triều Tiên.

 

Chú thích ảnh
Tổng thống Jimmy Carter thất bại với kế hoạch rút quân khỏi Hàn Quốc.

John Armstrong tính toán rằng lực lượng xe tăng của Triều Tiên lớn hơn 80% ước tính trước đó. Từ đó, cộng đồng tình báo dần nhất trí là Triều Tiên mạnh hơn Hàn Quốc về mặt quân sự nên cần thiết duy trì bộ binh Mỹ ở Hàn Quốc.

Những tính toán của John Armstrong đã tác động tới các tướng lĩnh lục quân, thành viên chính quyền của cựu Tổng thống Carter và Quốc hội. Cựu Tổng thống Carter sau đó đã bị gây áp lực, buộc phải xem xét lại kế hoạch rút quân.

Lẽ tự nhiên là cựu Tổng thống Carter không giật mình và cũng không bị thuyết phục trước kết luận của cộng đồng tình báo. Ông tuyên bố: “Kết luận này mơ hồ” sau khi đọc phân tích của Cục Tình báo Trung ương Mỹ. Dù vậy, đa số giới chức ngoại giao dần chấp nhận đánh giá là Triều Tiên mạnh hơn Hàn Quốc về mặt quân sự truyền thống. Họ cho rằng rút binh sỹ khỏi Hàn Quốc sẽ làm mất đi mục tiêu chiến lược.

Với những quan chức phụ trách chính sách Đông Á, họ không cho rằng mối đe dọa quân sự của Triều Tiên đã mạnh lên đáng kể trong 8 năm qua như phân tích của Armstrong, nhưng bản phân tích đó đã được sử dụng làm công cụ thể ngăn chặn, ít nhất là trì hoãn Tổng thống thực hiện chính sách rút quân. Họ coi phân tích của Armstrong là vũ khí lợi hại nhất để thực hiện điều này.

Bản phân tích trên cũng khiến Thượng viện Mỹ từ chối ủng hộ chính sách rút quân và đề nghị Tổng thống tìm kiếm sự ủng hộ của Quốc hội đối với chính sách Hàn Quốc.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Liên Xô và quan hệ với Trung Quốc bấp bênh, lý lẽ để Mỹ rút khỏi Hàn Quốc ngày càng yếu dần. Kế hoạch của cựu Tổng thống Carter cuối cùng bị khai tử vì không thể lay chuyển quan điểm của giới “nhà nước chìm”.

Cuối cùng, cựu Tổng thống Carter là người duy nhất muốn đưa quân Mỹ về nước. Bản phân tích của Armstrong chính là chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài chứa kế hoạch rút quân của Tổng thống Carter.

Ngày 10/7/1979, Cố vấn An ninh Quốc gia Zbigniew Brzezinski đọc tuyên bố của Tổng thống cho phóng viên: “Việc rút khỏi Hàn Quốc của các binh sĩ chiến đấu Sư đoàn số 2 sẽ bị tạm ngừng. Thời gian và lộ trình rút quân sẽ được xem xét lại vào năm 1981”.

Ông Carter thất bại khi tái tranh cử năm 1980 và kế hoạch xem xét lại việc rút binh sĩ Mỹ khỏi Hàn Quốc chưa bao giờ diễn ra. “Nhà nước chìm” đã câu giờ và thắng thế. Cuối cùng, ông Carter cũng chỉ giảm được 3.000 binh sĩ ở Hàn Quốc nhờ không gửi quân thay thế luân phiên khi đến hạn.

Tới tận ngày nay, ông Carter vẫn hoài nghi về bản phân tích của CIA. Cách đây vài năm, ông viết: “Có mối quan hệ rất mật thiết giữa lãnh đạo quân đội ở hai nước Mỹ và Hàn Quốc, vì thế có rất nhiều áp lực về quy trình lập pháp tới từ Lầu Năm góc và CIA. Tôi hoài nghi báo cáo tình báo rằng Triều Tiên đã tăng gấp đôi số lượng binh sĩ trong vòng vài năm nhưng không có cách nào để phản bác báo cáo”. Theo tạp chí Diplomat, dường như ông Carter vẫn giận dữ vì bản đánh giá của CIA đã khiến kế hoạch của ông đổ bể.

Giờ đây, khi mà một tổng thống Mỹ nữa đang cân nhắc rút quân khỏi Hàn Quốc, thế lực phản đối kế hoạch này chắc chắn đã và đang hình thành.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Lật lại vụ chiến hạm Mỹ bắn rơi máy bay dân sự Iran
Lật lại vụ chiến hạm Mỹ bắn rơi máy bay dân sự Iran

Cách đây 30 năm, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Vincennes của quân đội Mỹ đã bắn hạ máy bay dân sự Iran khiến toàn bộ 290 hành khách tử nạn. Đây được coi là một trong những thảm họa hàng không tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN