Nghi án tranh giả: Bí ẩn ngón chân ‘biến mất’ trên danh họa của Rubens - Kỳ cuối

Theo bà Doxiadis, bức tranh "Samson và Delilah" treo ở London bắt nguồn từ nhóm môn đệ của danh họa Joaquín Sorolla tụ hội tại Madrid vào đầu thế kỷ 20. Việc sao chép các kiệt tác cổ điển là một phương pháp luyện tập phổ biến thời đó. Và Rubens là một trong những cái tên được các học trò yêu thích nhất.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Samson and Delilah" được trưng bày tại Phòng triển lãm Quốc gia ở London. Ảnh: El Pais

Những chi tiết tố cáo

Hãy bắt đầu với những chi tiết - theo phía cáo buộc - cho thấy đây là một tác phẩm giả. Đầu tiên, và có lẽ là chi tiết gây ấn tượng mạnh nhất, đồng thời cũng dễ thuyết phục người xem không chuyên nhất, chính là bàn chân của Samson. Trong bức tranh được trưng bày tại Phòng triển lãm Quốc gia, phần khung tranh đã “cắt cụt” các ngón chân phải của người khổng lồ. Giống như những bức ảnh nghiệp dư - bố cục lệch lạc - khiến tay hoặc chân của nhân vật bị cắt mất.

Chú thích ảnh
Cận cảnh bàn chân Samson bị khuyết trong bức tranh của Rubens.

Tuy nhiên, trong cả bản khắc của Matham lẫn bức tranh của Francken, bàn chân lại hiện rõ toàn bộ. Tay và chân là những bộ phận rất khó vẽ hoặc khắc họa, nhưng Rubens vốn nổi tiếng là bậc thầy trong việc xử lý những chi tiết đó - đến mức ông từng dành riêng một tác phẩm có tên "Nghiên cứu về bàn chân" (Study of Feet) để nghiên cứu chủ đề này. Vì vậy, thật khó hiểu khi một họa sĩ tài hoa như ông lại “tình cờ” để các ngón chân biến mất, làm mất đi sự cân đối của bố cục tranh.

Chú thích ảnh
Bàn chân của Samson xuất hiện đầy đủ trong bản khắc của Jacob Matham, mô phỏng bức tranh gốc của Rubens. Ảnh: El Pais

Bên cạnh đó, còn có những manh mối khác. Chẳng hạn, ở góc trên bên trái của bức tranh, có một bức tượng thần Vệ nữ và thần Ái tình (Venus và Cupid). Tuy nhiên, nét cọ trong phần này lại rất thô, nhòe nhoẹt, sắc độ xám và thiếu sắc sảo.

“Rubens thậm chí còn viết một cuốn sách bằng tiếng Latinh, trong đó ông trình bày toàn bộ lý thuyết của mình về cách vẽ tượng - cuốn "De Imitatione Statuarum”, nhà sử học nghệ thuật người Hy Lạp Euphrosyne Doxiadis giải thích. “Và ông luôn sử dụng các gam màu đất như màu hoàng thổ, chứ không bao giờ dùng trắng – đen.”

Ở hậu cảnh bức tranh, phía bên phải - tương tự như trong bức Las Meninas (1656) của Velázquez - có một cánh cửa. Năm người đang nhìn vào trong phòng. Một trong số họ nhìn thẳng về phía người xem, như thể đang tìm kiếm sự "đồng cảm"  - một dấu hiệu mà họa sĩ chép tranh cố ý để lại trên bức tranh sao chép. Trong bản khắc của Matham hay tranh của Francken, chỉ có ba nhân vật. Sự khác biệt này, theo nhà sử học nghệ thuật người Hy Lạp, Doxiadis, là bằng chứng bổ sung cho giả thuyết của bà về tác quyền thực sự của bức tranh. Theo bà, đây rõ ràng là một bản sao.

Theo nữ sử gia Doxiadis, bức tranh "Samson và Delilah" treo ở London bắt nguồn từ nhóm môn đệ tụ hội tại Madrid vào đầu thế kỷ 20, xung quanh danh họa Hậu Ấn tượng Joaquín Sorolla. Việc sao chép các kiệt tác cổ điển là một phương pháp luyện tập phổ biến thời đó. Và Rubens - nhờ kỹ thuật điêu luyện - là một trong những cái tên được học trò yêu thích nhất. Theo bà Doxiadis, người đã thực hiện bản sao này nhiều khả năng là Gaston Lévy, một nhà sưu tập và giám tuyển, người đã qua đời ở New York. Tuy nhiên, thời trẻ ông từng học vẽ dưới sự hướng dẫn của Sorolla.

Để bản sao không bị xem là hành vi lừa đảo, trong giới mỹ thuật tồn tại một quy ước bất thành văn: tác giả bản sao sẽ để lại một số khác biệt tinh tế so với bản gốc nhằm “đánh dấu” đó là hàng nhái. Chẳng hạn, một bàn chân bị khung tranh cắt mất, hoặc một ánh mắt “ẩn ý" nhìn thẳng về phía người xem.

Chú thích ảnh
Trong một phần cắt từ bức tranh với cảnh 5 người đứng ngoài cánh cửa, nhân vật thứ hai (từ bên phải sang) đang nhìn thẳng vào người xem với ánh mắt đầy ẩn ý. Ảnh: The National Gallery 

“Chúng tôi đã phát hiện ra tên của Lévy trong các ghi chú của Burchard [chuyên gia người Đức xác nhận bức tranh là tranh thật vào năm 1929], vào năm 2000, trong hồ sơ lưu trữ của Phòng triển lãm Quốc gia. Ông ấy viết tay: ‘Mua tại Paris từ người phục chế Gaston Lévy’”, bà Doxiadis cho biết.

Không chỉ vậy, nữ sử gia còn khẳng định rằng bức tranh được trưng bày tại National Gallery không phải là tranh sơn dầu trên gỗ sồi - như bản gốc lịch sử - mà là một bức tranh vải được dán lên tấm gỗ, sau đó lại được gia cố thêm bằng một tấm gỗ khác. Bà nhấn mạnh rằng các quan chức bảo tàng đã từ chối sử dụng công nghệ để phản bác lập luận của bà.

Cuộc chiến của Phòng triển lãm Quốc gia London

Phòng triển lãm Quốc gia London đã dành nhiều năm nỗ lực của các chuyên gia để xác nhận tính xác thực của bức tranh nổi bật nhất trong bộ sưu tập của họ, đồng thời phản bác những gì họ coi là các thuyết âm mưu vô căn cứ. Gần đây, bảo tàng đã công bố một báo cáo toàn diện do ba học giả ký tên, đứng đầu là Gregory Martin, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về Rubens.

“Bản nghiên cứu toàn diện này, được thực hiện bởi các nhóm phụ trách và khoa học của chúng tôi, sử dụng những kỹ thuật hình ảnh và phân tích tiên tiến nhất hiện nay, đã cung cấp những bằng chứng thuyết phục ủng hộ tính xác thực của bức tranh. Báo cáo này cũng thể hiện sự minh bạch trong quá trình nghiên cứu và đóng góp một cách có ý nghĩa cho lĩnh vực lịch sử mỹ thuật rộng lớn hơn”, Giám đốc bảo tàng, ông Gabriele Finaldi, viết trên tờ The Guardian cách đây vài tuần. Chính tờ báo Anh này cũng đã đưa tin về cuộc tranh cãi.

Mặc dù các đại diện của Phòng triển lãm Quốc gia từ chối trả lời phỏng vấn của EL PAÍS, họ đã gửi bản báo cáo kỹ thuật của các chuyên gia cho tờ báo.

Nhiều chuyên gia và nhà phê bình nghệ thuật đã đứng về phía phòng triển lãm danh tiếng của Anh và bảo vệ quan điểm rằng đây đúng là tác phẩm của Rubens. Trong thế giới nghệ thuật - khi bằng chứng không hoàn toàn thuyết phục - trực giác, tri thức và trí tưởng tượng sẽ đóng vai trò quyết định. Chính tại điểm này, người họa sĩ từng được nhắc tới ở đầu bài viết lại xuất hiện: Caravaggio. Có lẽ ông chính là chìa khóa cuối cùng để lý giải một bức tranh mà, xét về đường nét, cách xử lý ánh sáng tối (chiaroscuro), và kỹ thuật thể hiện, dường như không mang dáng dấp của Rubens.

“Ngay cả khi bắt chước Caravaggio, Rubens cũng không thể giấu được chính mình. Ánh sáng trong tranh là của ông - thứ ánh sáng từ nến tỏa ra một vẻ ấm áp, vàng óng như một chiếc bánh kếp trong gian bếp Antwerp. Sự pha trộn giữa vẻ gợi cảm phương Nam và không khí đầm ấm phương Bắc chính là một nét đặc trưng của Rubens", nhà phê bình mỹ thuật Jonathan Jones viết trên tờ Guardian.

“Chính sự kỳ quặc trong bức tranh này - thứ khiến một số người nổi giận, với sự pha trộn giữa chất Caravaggio và nét phóng túng đầy nhục cảm của Rubens - thực ra lại là một manh mối xác thực. Liệu có người sao chép nào đủ tinh tế để tái hiện chính xác khoảnh khắc Rubens đối thoại với Caravaggio, đặc biệt là vào đầu thế kỷ 20, khi Caravaggio chưa được đánh giá cao như ngày nay?”, ông Jones lập luận tiếp.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên những tuyên bố chống lại tính xác thực của bức "Samson và Delilah" gây xôn xao dư luận. Năm 2021, công ty khởi nghiệp công nghệ Thụy Sĩ Art Recognition đã phân tích một bản sao kỹ thuật số của bức tranh bằng trí tuệ nhân tạo (AI) mà họ đã đào tạo để nhận dạng tranh của Rubens, và kết luận rằng có 91% khả năng đó là tranh giả.

“Tôi đã rất sốc”, Carina Popovici, người đồng sáng lập Art Recognition, chia sẻ với tờ Guardian vào thời điểm đó. “Chúng tôi đã lặp lại các thí nghiệm để thực sự chắc chắn rằng chúng tôi không mắc sai lầm, và kết quả luôn giống nhau".

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc (Theo El Pais, Guardian)
Nghi án tranh giả: Bí ẩn ngón chân ‘biến mất’ trên bức danh họa của Rubens - Kỳ 1
Nghi án tranh giả: Bí ẩn ngón chân ‘biến mất’ trên bức danh họa của Rubens - Kỳ 1

Trong bức tranh được trưng bày tại Phòng triển lãm Quốc gia ở London, phần khung tranh đã “cắt cụt” các ngón chân phải của người khổng lồ Samson. Thật khó hiểu khi một họa sĩ tài hoa như Rubens lại “tình cờ” vẽ một bàn chân không đầy đủ, làm mất đi sự trọn vẹn, cân đối của tác phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN