Lý Quang Diệu - Biểu tượng của đất nước Singapore thịnh vượng - Kỳ 1

Thủ tướng đầu tiên của Singapore Lý Quang Diệu đã qua đời ở tuổi 91 sau một thời gian dài lâm bệnh nặng. Người dân Singapore sẽ mãi nhớ tới ông, người đã dùng tài năng kiệt xuất của mình để tạo ra một phép màu kỳ diệu: Biến đất nước Singapore nhỏ bé từ một đầm lầy đầy muỗi và nghèo xác xơ thành một trong những trung tâm kinh tế toàn cầu giàu có bậc nhất thế giới.

NGƯỜI BAN PHÉP MÀU KINH TẾ

Ông Lý Quang Diệu trở thành thủ tướng Singapore năm 1959, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo một đất nước hoàn toàn tay trắng: không tài nguyên, thậm chí không có nước ngọt. Singapore bấy giờ chỉ có một nhóm dân số người Hoa, người Malay và Ấn Độ, vẫn còn là thuộc địa của Anh và luôn chìm trong bạo loạn, bất ổn. Ông Lý Quang Diệu đã từng nói: “Khi bắt đầu, chúng tôi không có các thành phần cấu thành một quốc gia, không có các nhân tố cơ bản: dân số đồng nhất, ngôn ngữ chung, văn hóa chung, vận mệnh chung”. Vậy làm thế nào ông Lý Quang Diệu có thể đưa đất nước bé xíu thuộc thế giới thứ ba đó chuyển mình thành một quốc gia phát triển?

Ông Lý Quang Diệu phát biểu trước cuộc tổng tuyển cử năm 1959.

Ngay từ đầu, ông Lý Quang Diệu đã vạch ra cho mình một mục tiêu là thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích tích lũy của cải. Ông đặt lợi ích quốc gia, cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân và coi đó là tôn chỉ để hành động quyết liệt. Ông từng nói: “Tôi đã dành cả đời chiến đấu để xây dựng niềm tin ở Singapore, đó là niềm tin của người Singapore vào tương lai và niềm tin của người nước ngoài sẽ đầu tư tiền của vào Singapore”.

Nhờ xây dựng được niềm tin đó, nên mặc dù Singapore không có nền nông nghiệp hay khai mỏ, nhưng đảo quốc này trong những năm 1990 đã trở thành một trung tâm sản xuất, vận chuyển, công nghệ cao trên toàn cầu, cạnh tranh vị thế với Hong Kong của Trung Quốc. Lúc bấy giờ, Singapore đã là thành phố hiện đại nhất Đông Nam Á, tỷ lệ biết chữ gần như là 100%. Phát triển dựa trên tầm nhìn xa trông rộng của ông Lý Quang Diệu, Singapore sánh ngang hàng với những New York, London hay Thụy Sỹ. Thành tựu này khó mà tưởng tượng được khi vào đầu những năm 1960, Singapore chỉ có 1,6 triệu dân, rất nhiều người sống ở khu ổ chuột.

Từng là một cảng quan trọng của đế chế Anh, Singapore có lợi thế trong các hoạt động thương mại. Ông Lý Quang Diệu đã tận dụng điều này để bù lại điểm bất lợi là không có tài nguyên thiên nhiên để khai thác.

Để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, ông đã củng cố quyền lực và duy trì sự ổn định ở Singapore, chặn hầu như mọi con đường tham nhũng, xây dựng cho đất nước một lề lối, quy củ nghiêm ngặt. Ông đã kiểm soát chặt chẽ nền tài chính trong nước, đưa ra những chính sách kinh tế cũng như tài chính bền vững. Nhờ đó, Singapore trở thành thỏi nam châm hút đầu tư nước ngoài. Hàng tỷ USD cứ thế được các tập đoàn đa quốc gia đổ vào Singapore, làm cho nước này ngày càng giàu có. Từ năm 2004 đến nay, trong 9 năm liên tục, Singapore luôn đứng ở vị trí đầu tiên trong danh sách các nước có môi trường kinh doanh tốt nhất do Ngân hàng Thế giới xếp hạng.

Từ năm 1960 đến 1984, kinh tế Singapore phát triển với tỷ lệ tăng trưởng 9%/năm, đưa nước này gia nhập câu lạc bộ “Bốn con hổ châu Á”. Tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người ở Singapore năm 1960 chỉ là 428 USD. Nhưng con số này đã tăng vọt lên 10.000 USD trong năm 1989. Công dân đất nước Singapore giờ giàu có hơn công dân nhiều nước công nghiệp phát triển từ trước đó rất lâu. GDP đầu người trong năm 2014 là 56.000 USD, cao thứ 8 trong các nền kinh tế toàn cầu.

Một nhân tố rõ ràng góp phần vào sự trỗi dậy của Singapore là khả năng tận dụng các biến động tài chính toàn cầu của ông Lý Quang Diệu. Năm 1971, khi Mỹ chấm dứt chuyển đổi USD ra vàng, ông Lý Quang Diệu đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội này và biến Singapore thành trung tâm trao đổi ngoại tệ ở khu vực. Thực ra, từ năm 1968, chính phủ Singapore đã khuyến khích và ưu đãi thuế để phát triển thị trường USD châu Á, đưa nước này phát triển thành một trung tâm tài chính.

Người dân Singapore đặt hoa tưởng niệm ông Lý Quang Diệu.


Dưới thời của ông Lý Quang Diệu, Singapore áp dụng một chiến lược hai nhánh trong ngành tài chính. Một là để đưa Singapore thành một trung tâm tài chính quốc tế, hai là để ngành tài chính đóng vai trò hỗ trợ quan trọng cho các ngành công nghiệp trong nước như sản xuất và vận chuyển đường biển.

Thành công về mặt kinh tế của Singapore không chỉ nhờ đường lối đúng đắn, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài hay chính quyền trong sạch mà còn nhờ vào quyết định chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức ở Singapore mà ông Lý Quang Diệu đã sáng suốt đưa ra. Có thể nói quyết định này là tối ưu với điều kiện kinh tế, chính trị của Singapore bấy giờ. Từ khi giành độc lập năm 1965, người dân Singapore là một tập hợp rời rạc nhiều ngôn ngữ, nhiều tiếng địa phương khác nhau: tiếng Hoa, tiếng Malay, tiếng Ấn Độ. Dù người Hoa chiếm tới 75% dân số nhưng ông không thể lấy tiếng Hoa làm ngôn ngữ vì sẽ bị 25% còn lại phản đối. Hơn nữa, nếu dùng tiếng Hoa, Singapore sẽ bị cô lập về kinh tế với thế giới bên ngoài khi ở chơ vơ giữa biển trong khi Trung Quốc không thể giúp được gì. Với diện tích 700 km vuông, Singapore không thể sống nhờ nông nghiệp mà phải nhờ thương mại và công nghiệp. Do đó để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, Singapore phải dùng tiếng Anh - thứ ngôn ngữ ngoại giao quốc tế, ngôn ngữ khoa học và công nghệ, ngôn ngữ tài chính, thương mại toàn cầu. Từ đó, Singapore chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chung, được dạy song song với các tiếng khác. Về sau, ông Lý Quang Diệu khẳng định nếu không chọn tiếng Anh, Singapore đã bị tụt hậu từ lâu.


Thùy Dương

Đón đọc kỳ tới: Người xây nhà, trồng cây cho Singapore


Chuyện tình cảm động của ông Lý Quang Diệu
Chuyện tình cảm động của ông Lý Quang Diệu

Ngoài di sản kinh tế, ông Lý Quang Diệu còn để lại cho Singapore một câu chuyện tình đẹp, cảm động, trải dài mấy chục năm với bà Kha Ngọc Chi - người phụ nữ bên cạnh ông trong mọi biến cố thăng trầm của cuộc đời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN