Ông Lý Quang Diệu năm 2011. |
Trong những bài phát biểu những năm 1960 và 1970, khi đó ông Lý Quang Diệu đã muốn biến Singapore thành một trong những địa điểm du lịch hút khách nhất thế giới. Tại một sự kiện nọ, khi một nhà báo hỏi tại sao người ta lại muốn đến Singapore khi mà không có gì để thăm thú, không thắng cảnh, không văn hóa, không hoạt động, không khách sạn, không cơ sở hạ tầng. Ông Lý Quang Diệu không ngần ngại một giây mà trả lời luôn rằng: “Nhận thức. Người ta đến không phải vì ở đây có gì, mà vì những gì người ta nghĩ có ở đây. Tất cả đều nhờ tiếp thị”.
Cụ thể hơn, ông Lý Quang Diệu nói với tờ Strait Times năm 1993: “Tại sao người ta đến Singapore? Chúng ta có những gì? Chúng ta chỉ có một cái tên, một vài thói quen, phong tục là lạ, vài ông đồng bà cốt, vài ngôi đền, mấy người Ấn có tài đi trên than đỏ… Đó không phải là thứ sẽ hút khách du lịch. Thay vào đó, chúng ta tạo ra sức hút. Chúng ta tạo ra mối quan tâm cho du khách. Chúng ta phát triển chiến lược tiếp thị và khiến chúng ta trở nên hữu ích với thế giới”.
Ông Lý Quang Diệu đã thực hiện một loạt sáng kiến thân thiện với khách du lịch: Night Safari (sở thú đêm đầu tiên trên thế giới), Flyer (vòng quay khổng lồ), nhà hát Esplanade (trung tâm biểu diễn nghệ thuật), Marina Bay Sands (khu nghỉ dưỡng ở vịnh Marina). Với những sáng kiến đó, ông tiếp thị những địa điểm này của đất nước Singapore ra toàn thế giới.
Ông Lý Quang Diệu thậm chí còn cho xây dựng cả một hãng hàng không riêng của Singapore, điều mà chỉ các nước dư dả đất đai mới có thể làm được. Nhưng ông đã làm và khiến hãng hàng không này có lợi nhuận ngay từ đầu. Với một hãng hàng không toàn cầu, ông Lý Quang Diệu không chỉ có thể đưa khách du lịch tới Singapore trên đường tới các nơi khác mà còn có thể sử dụng hãng hàng không để quảng bá cho Singapore. Chiến dịch tiếp thị này được ông thực hiện bài bản với quy mô toàn cầu. Ông còn sử dụng Singapore Girl – tên gọi các nữ tiếp viên hàng không Singapore để quảng bá cho du lịch Singapore. Singapore Girl đã trở thành một thương hiệu, một tên thương mại nổi tiếng của hãng Singapore Airlines.
Với Lý Quang Diệu, ông tin tưởng vào sức mạnh của du lịch từ lâu, trước khi các nghiên cứu kinh tế trên thế giới chứng minh quan điểm của ông là đúng đắn. Ở một nước không có tài nguyên thiên nhiên, Singapore đã sáng tạo và đổi mới mạnh mẽ trong tạo ra công ăn việc làm và gây dựng thương hiệu du lịch, mang về cho nước này một nguồn thu nhập lớn. Khi đã trở thành một trung tâm tài chính lớn hàng đầu thế giới, sức hấp dẫn của Singapore với các nhà đầu tư cũng chính là thứ hấp dẫn khách du lịch.
Du lịch là một ngành quan trọng ở Singapore. |
Một trong những thứ đó là môi trường xanh sạch. Trong một bài phỏng vấn với New York Times, ông Lý Quang Diệu cho biết ông muốn biến Singapore thành “ốc đảo thế giới thứ nhất trong khu vực thuộc thế giới thứ ba”. Ông nói: “Chúng tôi đã xây dựng cơ sở hạ tầng. Phần khó nhất là làm sao để người dân thay đổi thói quen để họ cư xử như công dân thế giới thứ nhất, không phải như công dân thế giới thứ ba khạc nhổ và xả rác bừa bãi khắp nơi”. Ông đã biến Singapore thành một nơi mà người dân không nhai kẹo cao su, không ném rác ra đường, nói tiếng Anh chuẩn, luôn mỉm cười, hòa nhã, tốt bụng để tiếp thị hình ảnh Singapore.
Một “chiêu” tiếp thị du lịch thành công nữa của Singapore là giải đua ô tô công thức 1 Singapore (Singapore F1). Giải này không chỉ là một cuộc đua thể thao, nó còn là một công cụ tiếp thị du lịch. Singapore đã đổ hàng chục triệu USD vào đường đua này. Về ngắn hạn, số du khách tới Singapore sẽ tăng nhờ có thêm người đến xem Singapore F1. Về lâu dài, khi giải đua được truyền hình phát trên toàn thế giới vào giờ vàng sẽ góp phần tiếp thị cho du lịch Singapore thông qua TV, máy tính, điện thoại, truyền thông… Đường đua của giải chính là đường phố Singapore, chạy qua các địa điểm du lịch nổi tiếng ở đây và diễn ra vào ban đêm – khi mà Singapore còn đẹp và lung linh hơn. Trên thế giới chỉ có Singapore tổ chức đua ô tô vào ban đêm.
Năm 2014, lượt du khách quốc tế tới Singapore là 15,1 triệu người trong khi quốc đảo này chỉ có dân số khoảng 5,5 triệu người. Năm 2015, nước này đặt mục tiêu 17 triệu du khách và dự kiến thu về 30 tỷ đôla Singapore.
Với những con số ấn tượng đó, hòn đảo nhỏ bé này đứng thứ 15 trên thế giới về doanh thu du lịch. Có thể nói các chiến lược du lịch mà ông Lý Quang Diệu đặt ra đã hiện thực hóa tầm nhìn của ông ngày nào.
(còn tiếp)
Thùy Dương