Kỳ 1: Hồi tưởng của những người sống sót
Đó là vào tháng 7/1974 tại khu vực mà ngày nay là Tajikistan, gần dãy Himalaya dưới chân đỉnh núi Lenin. Có một cuộc gặp diễn ra giữa một người Mỹ và một người Liên Xô.
Theo kênh CNN, Molly Higgins, hiện là nhà khoa học phòng thí nghiệm lâm sàng ở Montana, Mỹ, kể lại: Khi đó, cô là người hướng dẫn leo núi, lần đầu tiên gặp Elvira Shatayeva người Liên Xô khi ở dãy núi High Pamirs – nóc nhà thế giới. Higgins đã được mời tới cuộc họp về leo núi quốc tế kéo dài một tháng do Liên Xô tổ chức. 19 người Mỹ, trong đó có 2 phụ nữ, đã tham gia cuộc thám hiểm do Mỹ và Liên Xô phối hợp tổ chức vào năm 1974. Khi đó, Higgins mới 24 tuổi và được mời vào phút chót khi các nhà tổ chức nhận ra có quá ít phụ nữ tham gia.
Khoảng 170 nhà leo núi từ 10 nước phương Tây đã tập trung ở chân núi cùng với 60 nhà leo núi Liên Xô và Đông Âu. Đây là chuyến thám hiểm lớn đầu tiên của người Mỹ được phép tổ chức ở Liên Xô – nơi có những ngọn núi lẻo lánh nhất, cao nhất thế giới. Cuộc tụ họp được tổ chức để giới thiệu về khu vực và thể hiện kỹ năng leo núi của nước chủ nhà. Sự kiện dường như đã giúp các đối thủ trong Chiến tranh Lạnh gần gũi hơn và nuôi dưỡng quan hệ giữa những người leo núi ở các nước.
Có lần, Higgins đang cùng một nhóm vận chuyển đồ lên Trại II, tức Trại Crevasse, hướng tới đèo Krylenko trên núi Lenin – đỉnh núi cao thứ hai Liên Xô, thì đột nhiên một trận động đất xảy ra làm rung chuyển sườn núi. Higgins nghe thấy tiếng nứt và một trận lở tuyết đổ ập xuống. Một người là Allan Steck bị vùi lấp tới tận cổ, ít nhất hai người đã nhảy vào kẽ nứt để chạy thoát.
Trước đó, bốn trong số những người vận chuyển đã xuống núi trước để mang tiếp đồ lên. Trong nhiều giờ liền, nhóm này sợ người ở nhóm kia đã thiệt mạng. Nhưng may thay, toàn bộ đều sống sót. Hai nhóm vui mừng gặp lại nhau ở Trại I và co cụm ở trại đóng trên một cánh đồng thông.
Sau đó, cả nhóm lần xuống qua những tảng đá lớn. Khi nhìn thấy một người Mỹ tên Mike Yokell đi khập khiễng sau khi nhảy xuống khe nứt cạnh Trại II để tránh tuyết lở, Shatayeva nói to: “Anh ấy bị thương rồi. Cầm ba lô cho anh ấy!”. Sau đó, Shatayeva đi xung quanh, nhìn Higgins và nói thận trọng: “Tôi là Elvira Shatayeva. Tôi là nhà vô địch quốc gia. Cô là ai?”
Mặc dù không muốn thấy thái độ như vậy nhưng Higgins thấy Shatayeva là một phụ nữ thực sự có năng lực, mạnh mẽ, giàu kinh nghiệm. Thời đó, ít phụ nữ có thể leo núi và Higgins chưa gặp người nào có thể làm hình mẫu cho cô, cho tới khi gặp Shatayeva.
Trong khi đó, Arlene Blum, một nhà hóa học lý sinh kiêm nhà môi trường học tới từ California, Mỹ, đã đăng ký tham gia cùng nhóm nhà leo núi Mỹ những bị từ chối. Tuy nhiên, thông qua một câu lạc bộ leo núi nữ quốc tế, một số nhà leo núi Thụy Sĩ đã mời Blum tham gia.
Sau này, Blum kể lại trải nghiệm: “Khi tôi gặp những người đã từ chối cho mình tham gia tại khu trại, bầu không khí gượng gạo bao trùm. Những người Mỹ đã phớt lờ khi tôi tỏ ý muốn ngồi ăn cùng bàn. Tôi cảm giác như muốn biến mất khỏi chỗ đó khi bê trên tay đồ ăn mà không biết ngồi đâu. May thay, một phụ nữ Liên Xô tóc vàng tên Shatayeva đã vẫy tôi về bàn mình”.
Shatayeva giới thiệu bản thân và chào đón Blum. Shatayeva cho biết đa số đàn ông Liên Xô nghĩ một đội leo núi nữ sẽ không bao giờ lên được đỉnh Lenin. Tuy nhiên, Shatayeva muốn nhóm mình trở thành nhóm nữ đầu tiên thực hiện được thành tích này.
Shatayeva nói với Blum kế hoạch lớn hơn: 8 nhà leo núi nữ sẽ leo đỉnh Lenin thông qua dãy Lipkin ở phía Đông Bắc và xuống dãy phía Tây Bắc, hướng về đỉnh Razdelny nhỏ hơn. Con đường của họ sẽ là con đường tắt đầu tiên lên đỉnh Lenin. Họ định đóng trại tạm trên đỉnh núi. Shatayeva quả quyết với Blum: “Chúng tôi sẽ thành công. Phụ nữ Liên Xô rất mạnh mẽ. Chúng tôi phải có tinh thần tập thể và làm việc cùng nhau”.
Trước đó, năm 1972, Shatayeva đã tổ chức cho nhóm nhà leo núi đầu tiên toàn nữ độ tuổi từ 22 đến 35 leo lên đỉnh Korzhenevskaya cao 7.105m ở Tajikistan. Năm sau đó, cô cùng đội đã đi đường tắt qua đỉnh Ushba cao 4.710m ở Georgia.
Hai đêm trước khi nhóm nhà leo núi nữ khởi hành, hai nhà leo núi Mỹ Jed Williamason và Peter Lev đã ghé qua trại của họ để chào và chúc may mắn. Williamason cho biết đó là lần đầu tiên các nhà leo núi Liên Xô được đi mà không có đàn ông đi cùng.
Tuy nhiên, không ai có thể điều khiển thời tiết hay địa chất. Đoàn leo núi liên tiếp bị cản trở bởi tuyết rơi, lở tuyết, động đất và trận bão kinh khủng nhất khu vực trong 25 năm.
Lúc 1 giờ sáng 26/7, hơn một ngày sau khi nhóm leo núi trở về từ đèo Krylenko, 4 nhà leo núi đi theo tuyến đường mới trên mặt phía Bắc của đỉnh núi 19 thì gặp lở tuyết khi họ đang ngủ. Craig, phó trưởng nhóm leo núi người Mỹ và người ở cùng lều Jon Gary Ullin bị chôn vùi.
Hai người là John Roskelley và John Marts đã đào tuyết để cứu cả hai lên nhưng khi họ cố gắng làm Ullin hồi tỉnh thì xảy ra một trận lở tuyết nữa, chôn vùi Craig và cuốn phăng lều trại, thiết bị. Roskelley, Marts và Craig sau đó dạt vào một hang tuyết trong hai ngày và được trực thăng cứu hộ Liên Xô thả đồ tiếp tế.
Năm nhà leo núi không thuộc nhóm trên đã mất tích ở mặt Đông của đỉnh Lenin. Tất cả đều thiệt mạng, trong đó ba người chết do lở tuyết, hai người được tìm thấy đã chết.
Với phần lớn người trong nhóm leo núi, họ đã thay đổi mục tiêu theo tình hình. Họ đã đi theo các tuyến đường tiêu chuẩn dù Roskelley và Jeff Lowe quyết định trở lại và hoàn thành con đường lên đỉnh 19.
Về phần Higgins, cô cảm thấy cô độc và bị cô lập giữa nhóm leo núi đa số là đàn ông nên đã tham gia nhóm gồm bốn người cùng trưởng nhóm Pete Schoening, Chris Kopczynski; và Frank Sarnquist để leo đỉnh Lenin qua đỉnh Razdelny ngày 3/8.
Nhà leo núi nữ người Mỹ Marty Hoey cũng leo ở phía đỉnh Razdelny cùng Lev, Bruce Carson và John Evans ngày 4/8.
Trong khi núi Razdelny không được coi là dốc hay khó leo về mặt kỹ thuật nhưng núi này to, cao và nhóm leo núi bị cản trở do thời tiết xấu. Nhiều đoạn có băng, dốc, và đặc biệt cao ở mặt Lipkin.
Ngày 3/8, Steck di chuyển lên phía Lipkin cùng Wren và Jock Glidden. Họ gặp thời tiết nhiều mây, khó khăn trong tìm đường lên Trại III. Do radio của nhóm người Mỹ bị hải quan giữ lại nên họ chỉ có một cái radio yếu mượn của người Liên Xô. Mỗi nước lại có một tần số radio khác nhau. Ngày hôm đó, dự báo có bão lớn. Vitaly Abalakov, nhà vô địch quốc gia leo núi ở Liên Xô, đã khuyến nghị tất cả nhà leo núi xuống chân núi. Nhóm của Steck không nhận được tin nhắn đó.
Từ ngày 31/7 tới 3/8, North – một nhà khoa học y sinh – và người cùng nhóm đã đi theo tuyến đường mới để nối với tuyến đường phía Lipkin. Ngày 4/8, khi đang leo một mình, North đã tự đào lối đi để lên tới đỉnh núi và khi đi xuống, tại chân của một khu vực dốc, khoảng 400 mét dưới đỉnh, anh đã gặp nhóm phụ nữ leo núi người Liên Xô đang đi theo hàng. North không biết rằng anh chính là người cuối cùng nhìn thấy họ còn sống.
Đón đọc kỳ cuối: Thảm kịch giữa bão tuyết