Người biểu tình tập trung quanh Hồ phản chiếu ngày 21/10/1967. Ảnh: Getty Images |
Cuộc tuần hành ngày 21/10/1967 có ít nhất 100.000 người tham gia. Tờ Washington Post (Mỹ) khi đó đưa tin: “Tại đài tưởng niệm Lincoln, đám đông tập trung và họ đứng dọc bờ Hồ phản chiếu (trước toà nhà Quốc hội Mỹ). Có những người hippie, các bà nội trợ, cựu chiến binh nhưng phần đông là sinh viên và học sinh”.
Khoảng 50.000 người biểu tình sau đó hướng về phía Lầu Năm Góc. Những người biểu tình tham gia không có kế hoạch định sẵn. Nhiều người đã dỡ hàng rào trong khi cảnh sát ra mặt cản họ. Cảnh sát dùng hơi cay và báng súng để đẩy lui đám đông.
Đến cuối chiều hôm đó, người biểu tình vượt qua hàng rào và đẩy lực lượng hành pháp trang bị súng trường vào sâu bên trong, chỉ cách tòa nhà chính 18m.
Người biểu tình kháng cự trước sự trấn áp của lực lượng chức năng. Ảnh: The Washington Post |
Hàng nghìn người biểu tình ngồi lên cỏ hoặc vỉa hè ngay đối diện lực lượng cảnh sát. Bill Zimmerman, một trong những người tham gia cuộc biểu tình năm 1967, kể lại với tờ Guardian (Anh) rằng ông đã đứng ở hàng đầu và nói với các binh sĩ về cuộc chiến tranh tại Việt Nam cũng như lý do ông phản đối điều này.
Cách đó không xa, cảnh sát cầm các khẩu súng trường ngắm ở góc 45 độ thẳng vào đầu những người biểu tình, trong đó có một nam thanh niên mặc áo len đang cầm theo bó hoa.
Ông Zimmerman nhớ lại: “Đột nhiên, người hùng này đặt bông hoa vào nòng khẩu súng trường đang nhắm vào đầu mình và tất cả mọi người ở hai phía đều bỏ vũ khí”.
Ông Zimmerman cho biết nam thanh niên mặc áo len còn cắm 8 đến 10 bông khoa vào các nòng súng khác. Rồi đám đông dâng trào và ông Zimmerman không còn nhìn thấy người thanh niên đó nữa. Khoảnh khắc đặt bông hoa lên họng súng đó đã được ghi lại và lan truyền trên truyền thông, nhưng đến nay danh tính của người thanh niên này vẫn là một ẩn số.
Đến khoảng giữa đêm, nhiều người biểu tình bị đánh đập, bắt giữ và bị xua đuổi. Đến sáng sớm hôm sau, đám đông người biểu tình giảm xuống còn vài trăm người. Đến khi trật tự được duy trì trở lại, đã có 683 người bị bắt giữ.
Hình ảnh biểu tượng trong sự kiện năm 1967. Ảnh: The Washington Post
|
Zimmerman vào thời điểm đó mới 26 tuổi và làm việc tại trường Cao đẳng Brooklyn. Ông đã theo dõi hầu hết các chương trình chiếu hàng ngày với cảnh máy bay Mỹ thả bom xuống các làng mạc, giết hàng nghìn người cũng như hình ảnh thi thể binh sĩ Mỹ được đưa về nước.
"Khi bạn tin rằng chính phủ đang phạm lỗi lầm hoặc không đáp ứng đúng nhu cầu của người dân thì bạn phải đứng lên và nói điều gì đó. Nếu họ vẫn không lắng nghe, bạn phải thực hiện điều gì đó kịch tính hơn. Bài học của ngày hôm đó là với đủ số lượng người, bạn có thể vượt qua cảnh sát, kháng cự đã có tác dụng", ông Zimmerman nói.
Người biểu tình cùng đổ về phía Lầu Năm Góc. Ảnh: The Washington Post |
Tờ Guardian (Anh) đánh giá vụ việc xảy ra tại cơ quan đầu não quân đội Mỹ năm 1967 đã trở thành dấu mốc cho sự thay đổi từ những cuộc biểu tình phản chiến đơn thuần trở thành kháng cự số đông. Nửa triệu người đã diễu hành tại Washington trong năm 1969 phản đối chiến tranh. Bốn triệu học sinh trung học và sinh viên đã tham gia đình công trong năm 1970 phản đối việc mở rộng chiến tranh sang Campuchia.
Cuộc biểu tình trước Lầu Năm Góc cũng là sự phản ánh sinh động về chia rẽ tại Mỹ. Theo sau đó là những năm không bình yên với vụ bắn súng vào các sinh viên không mang vũ khí tại Đại học Kent ở Ohio tham gia biểu tình phản đối chiến tranh năm 1970.
Ông Zimmerman nhận định về cuộc biểu tình trước Lầu Năm Góc năm 1967: "Nó trở thành cuộc đối đầu giữa hai bên mà bên này đều coi bên kia là không yêu nước và phản bội".