Lật lại bê bối gian lận khí thải của Volkswagen - Kỳ cuối

Giới hành pháp Mỹ vào cuộc với tâm trạng cáu bẳn vì Volkswagen “lần khần” cả năm trời trước khi thừa nhận con số 500.000 xe bị lắp phần mềm gian lận khí thải.

THỎA THUẬN 15 TỶ USD

Là vụ kiện tập thể giá trị nhất trong lịch sử và một trong những vụ dàn xếp dân sự nhanh gọn nhất, nhưng hành trình để các bên đạt được tiếng nói chung cũng không phải dễ dàng. Và đối với Volkswagen, tất cả mới chỉ là khởi đầu.

Theo thông báo chính thức của thẩm phán Mỹ Charles Breyer, Volkswagen đã đạt được thỏa thuận cơ bản về giải quyết bê bối gian lận khí thải. Thỏa thuận này bao gồm các bên liên quan là giới chức bang California và liên bang, bao gồm cả Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại Liên bang, cùng chủ của các xe bị lắp phần mềm gian lận khí thải. Đây là một diễn biến nhanh đến giật mình. Luật sư chính của Volkswagen, Robert Giuffra, cho biết ông chưa từng thấy một vụ kiện nhiều bên như vậy lại có thể giải quyết nhanh đến thế. Thẩm phán Breyer nhận trọng trách vào giữa tháng 12/2015. Ông chỉ định luật sư chính vào giữa tháng 1/2016. Bên nguyên đệ đơn kiện vào tháng 2/2016 và chỉ hai tháng sau đó, các bên đạt được thỏa thuận.

Thẩm phán Charles Breyer.

Tuy nhiên, chóng vánh không có nghĩa là đơn giản. Giới hành pháp Mỹ vào cuộc với tâm trạng cáu bẳn vì Volkswagen “lần khần” cả năm trời trước khi thừa nhận con số 500.000 xe bị lắp phần mềm gian lận khí thải. Trong khi đó, các điều tra viên không mấy hài lòng khi hãng viện dẫn luật bảo vệ quyền riêng tư của Đức để từ chối cung cấp thư điện tử nội bộ cùng nhiều tài liệu quan trọng khác. Bầu không khí chỉ được cải thiện sau khi hai quản lý cao cấp của Volkswagen, Manfred Döss và Garcia Sanz, tiếp xúc với quan chức Bộ Tư pháp Mỹ và cam kết có thái độ hợp tác hơn.

Hai quan chức này sau đó đã thuyết phục các nhân viên người Đức đồng ý chuyển giao tài liệu cho phía Mỹ. Một số trường hợp, họ được phép xóa các thông tin cá nhân không liên quan tới vụ điều tra nhưng dưới sự giám sát của một luật sư công ty. Việc làm này đã giúp khôi phục thiện chí giữa hai bên.

Người biểu tình phản đối Volkswagen trước trụ sở tại Đức.

Tuy nhiên, cuộc thương lượng vẫn đứng trước nguy cơ tan vỡ chỉ hai tháng sau khi khởi động. Sửa chữa nửa triệu xe theo đúng tiêu chuẩn khí thải của Mỹ là một nhiệm vụ bất khả thi đối với Volkswagen, song hãng phản đối quyết liệt phương án mua lại và tiêu hủy các xe vi phạm. Đối mặt với bế tắc, một nhóm các lãnh đạo và luật sư của Volkswagen đã đến Washington để gặp gỡ các quan chức Bộ Tư pháp. Hãng đề xuất sửa chữa xe trong phạm vi có thể, bù lại sẽ triển khai nhiều biện pháp giúp giảm khí thải. Giới chức Mỹ đồng ý với đề xuất trên song yêu cầu Volkswagen bổ sung phương án mua lại xe nếu các chủ sở hữu muốn bán.

Mấu chốt để hai bên thương lượng thành công là sự quyết liệt của nhân vật thụ lý vụ việc. Ngay từ các phiên thảo luận đầu tiên, thẩm phán Charles Breyer đã chỉ rõ ông không cho phép vụ xét xử này trở thành “một rạp xiếc”. Ông đặt ra hai ưu tiên rõ ràng cho các bên: Chấm dứt tình trạng phát thải quá mức của các xe vi phạm và bồi thường cho người mua xe. Ông cũng vạch ra một lịch trình nghiêm ngặt cho các luật sư. Bà Elizabeth Cabraser, người đứng đầu nhóm luật sư của bên nguyên, cho biết tất cả làm việc liên tục và không có ngày nghỉ. Tuy nhiên, ông Breyer không phải người hùng duy nhất trong kỳ tích này.

Tháng 1/2016, thẩm phán Breyer khiến mọi người ngạc nhiên khi lựa chọn Robert Mueller, cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ và hiện làm việc tại công ty luật Wilmer Cutler Pickering Hale & Dorr, cho vai trò đặc phái viên hòa giải. Các luật sư của Volkswagen và bên nguyên đã đưa ra nhiều gợi ý khác, trong đó có những cái tên dày dạn kinh nghiệm trong các án kiện tương tự. Còn ông Mueller vốn chỉ là một chuyên gia về quản lý khủng hoảng, an ninh mạng và nhận các vụ bào chữa cho tầng lớp trí thức. Dẫu vậy, thẩm phán Breyer khẳng định ông Mueller là người “phù hợp có một không hai”.

Chỉ vỏn vẹn vài tuần sau quyết định bổ nhiệm, vị cựu giám đốc FBI bắt đầu “thúc” Volkswagen. Ông Mueller đã tiếp xúc với các quan chức cấp cao của công ty và những kỹ sư tham gia vào công tác sửa chữa. Volkswagen cũng đã thông báo với ông về chi tiết tiến trình thương lượng của hãng với giới chức liên bang và các bang. Tuy nhiên, thẩm phán Breyer cho rằng ông Mueller cần có quyền tiếp cận lớn hơn nữa. Ông yêu cầu giới lãnh đạo “chóp bu” của Volkswagen phải mở rộng cửa đối với đặc phái viên này. Đến tháng 3/2016, thẩm phán Breyer chấp nhận đề nghị kéo dài thêm một tháng thời hạn chót đạt thỏa thuận theo đề nghị của ông Mueller bởi ông tin rằng “một thỏa thuận đang nằm trong tầm với”.

Những rắc rối mà Volkswagen phải đối mặt sẽ không đơn giản kết thúc với con số 15 tỷ USD. Theo thẩm phán Breyer, thỏa thuận vẫn có nhiều lỗ hổng. Đơn cử như các bên chưa đả động gì đến giải pháp cho khoảng 85.000 xe cỡ lớn của các thương hiệu Volkswagen, Audi và Porsche. 

Chưa kể đến cuộc điều tra hình sự của Bộ Tư pháp Mỹ đối với Volkswagen cũng như của các tổng công tố của hơn 40 bang và Quận Columbia, cùng với các cuộc điều tra tại nhiều nước khác bao gồm Anh, Pháp, Đức và Hàn Quốc. Trong bối cảnh đó, những người mua xe tại châu Âu, chiếm phần lớn trong tổng số 11 triệu xe vi phạm, đang giận dữ và muốn được đền bù. Trong khi đó, Volkswagen từ chối đền bù cho người mua tại châu Âu và chỉ thu hồi xe để lập trình lại phần mềm và khắc phục vấn đề khí thải. 

Cũng cần phải lưu ý rằng thỏa thuận mới đạt được sẽ được đưa ra lấy ý kiến dư luận trong một thời gian và trong thời gian này, mọi thứ đều có thể thay đổi. 
Ngọc Minh
Lật lại bê bối gian lận khí thải của Volkswagen - Kỳ 1
Lật lại bê bối gian lận khí thải của Volkswagen - Kỳ 1

Tháng 6 vừa rồi, tập đoàn ô tô Volkswagen của Đức đã chấp nhận chi gần 15 tỷ USD để khắc phục hậu quả vụ bê bối gian lận khí thải khiến thế giới rúng động. Đặt mục tiêu trở thành hãng sản xuất ô tô hàng đầu thế giới, song sự liều lĩnh, gian lận đã đẩy Volkswagen vào một vụ bê bối khó có thể sữa chữa ngày một ngày hai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN