THAM VỌNG LẦM ĐƯỜNG
Cái kim trong bọc
Mọi chuyện “bắt rễ” vào khoảng năm 2007, không lâu sau khi ông Martin Winterkorn đặt chân vào vị trí tổng giám đốc điều hành của Volkswagen. Ngành công nghệ ô tô lúc ấy vừa mới bắt đầu bước chuyển mình sâu rộng nhất, rời khỏi thời kỳ của động cơ đốt trong và tiến tới những khái niệm mới như xe điện, xe hydro và tự động hóa. Làn sóng mới này đặt ra áp lực nặng nề đối với các hãng sản xuất ô tô trong việc dự đoán nhu cầu người tiêu dùng và giới lập pháp để đưa ra những quyết sách phù hợp về sản phẩm và công nghệ. Trong bối cảnh mông lung này, ông Winterkorn đã thiết kế ra một chương trình phát triển đầy tham vọng.
Chủ tịch Volkswagen, ông Martin Winterkorn. |
Mang tên “Chiến lược 2018”, mục tiêu chính của kế hoạch này là đưa Volkswagen, vốn đã thống lĩnh thị trường xe hơi châu Âu, vượt qua General Motors và Toyota để thẳng tiến vào vị trí dẫn đầu toàn cầu vào năm 2018. Chìa khóa cho chiến dịch này là Volkswagen sẽ chọn một hướng đi khác hẳn so với các nhà sản xuất khác đang bận rộn thử nghiệm xe lai và các cải tiến thân thiện với môi trường cho động cơ đốt trong. Thay vào đó, Volkswagen đặt cược vào “động cơ diesel sạch” mà theo lời quảng cáo của hãng là tiết kiệm nhiên liệu hơn và phát ít khí thải hơn trong khi vẫn đảm bảo hiệu năng hoạt động.
Đây là chiến lược hợp lý cho thị trường châu Âu, nơi động cơ diesel phổ biến và tiêu chuẩn phí thải khá “dễ thở”. Nhưng khi vào thị trường Mỹ, các động cơ của Volkswagen ngay lập tức vấp phải rào cản. Năm 2007, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) ban hành các giới hạn ô nhiễm nghiêm khắc đối với động cơ diesel. Và ngay sau khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức, ông đã ban hành các quy tắc chặt chẽ hơn về mức tiêu hao nhiên liệu của ô tô. Theo ông Aaron Robinson, biên tập viên của tạp chí “Car and Driver”, người đã có thời gian dài theo dõi sát sao vụ việc, để trở thành thương hiệu xe hơi hàng đầu và thu hồi lại khoản đầu tư khổng lồ hãng này đã đổ vào nghiên cứu và phát triển động cơ diesel, Volkswagen cần thành công ở Mỹ. Đáng tiếc, động cơ diesel của Volkswagen không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này.
Trước tình thế bế tắc, ông Winterkorn và đội ngũ tiếp thị đã xây dựng một chương trình quảng cáo tham vọng tại Mỹ, quảng bá rầm rộ về những lợi ích môi trường và hiệu năng vượt trội của động cơ diesel. Trong khi trên thực tế, Volkswagen cần ít nhất vài năm nữa mới có thể phát triển được các thiết bị đáp ứng được các điều kiện của EPA. Các kỹ sư của hãng đã cầu cứu tới một phương án mà họ học được từ cộng đồng động cơ diesel ở châu Âu, một phần mềm được phát triển dành cho các trường hợp cần dùng các phương tiện tải trọng lớn khẩn cấp như cần cẩu và xe ủi và được giới lập pháp châu Âu cho phép sử dụng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, các kỹ sư của Volkswagen lại đẩy câu chuyện đi xa hơn một bậc. Họ điều chỉnh phần mềm để cho ra kết quả là lượng khí thải ra ít hơn so với thực tế. Với kế hoạch khôn khéo này, Volkswagen đã thuận lợi qua cửa EPA và tăng lượng xe bán ra toàn cầu của mình thêm 12 triệu xe, bao gồm gần 500.000 chiếc tiêu thụ tại thị trường Mỹ.
Tình huống không ngờ
Đầu năm 2014, hai nhà hoạt động trong lĩnh vực giao thông Peter Mock và John German đã thử nghiệm lượng khí thải từ các xe ô tô của Mỹ nhằm chứng tỏ với châu Âu rằng việc tạo ra động cơ diesel thân thiện với môi trường hoàn toàn là trong tầm tay. Với sự giúp đỡ của Đại học Virginia Tây, ông Mock và German quyết định lái một số dòng xe từ San Diego tới Seattle để chứng tỏ rằng công nghệ sạch có thể không ảnh hưởng tới hiệu suất xe hơi. Nhưng những chiếc xe đã vượt qua kiểm tra khí thải của Mỹ khi đi trên đường lại cho thấy mức khí thải nguy hiểm thậm chí gấp 35 lần so với giới hạn cho phép.
Họ lập tức liên lạc với Ủy ban Tài nguyên Không khí California (CARB) và EPA, kéo theo đó là một cuộc điều tra vào tháng 5/2014. Những tháng sau đó là hàng loạt những phản đối từ Volkswagen. Công ty này khăng khăng đòi tự mình tiến hành thử nghiệm và lập luận rằng đây chỉ là một lỗi nhỏ về phần mềm, có thể thu hồi để khắc phục. Phải đến khi EPA và CARB đe dọa thu lại giấy phép năm 2016 của các xe động cơ diesel, Volkswagen mới chính thức nhận lỗi vào đầu tháng 9/2015.
Ngay lập tức, khoảng 482.000 xe được thu hồi tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, vụ bê bối tiếp tục lan rộng khi Volkswagen thừa nhận phần mềm gian lận đã được cài vào tổng cộng 11 triệu xe bán ra toàn cầu từ năm 2009. Từ một nhà sản xuất ô tô lớn hàng nhất nhì toàn cầu, Volkswagen giờ đối mặt với khoản tiền phạt hàng tỷ USD và nguy cơ tù giam dành cho hội đồng quản trị sau khi Bộ Tư pháp Mỹ mở một cuộc điều tra hình sự.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng thực sự đối với Volkswagen lại nằm trên chính đất châu Âu. Bê bối của Volkswagen là một đòn giáng mạnh vào lòng tự hào của Đức đối với sức mạnh công nghiệp và danh tiếng “phát triển xanh”. Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, thương hiệu “Made in Germany” bị mất giá thê thảm. Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel cho rằng danh tiếng của toàn ngành công nghiệp ô tô đang đứng trên bờ vực. Giá cổ phiếu của các công ty Đức như BMW tụt 5,4%, Daimler AG, nhà sản xuất của thương hiệu Mercedes - Benz cũng mất 6,5%.
Nước Đức ngay lập tức mở một cuộc điều tra diện rộng. Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi “minh bạch toàn diện” từ phía Volkswagen. Giới phân tích thậm chí còn dự đoán cuộc khủng hoảng có thể đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên động cơ diesel. Theo chuyên gia Max Warburton, làn sóng phản đối Volkswagen sẽ trở thành chất xúc tác đẩy nhanh sự thu hẹp của thị phần động cơ diesel tại châu Âu và thậm chí hủy hoại nó tại Mỹ.
Kỳ cuối: Thỏa thuận 15 tỷ USD