Chiến lược can dự của Mỹ tại Trung Đông - Kỳ 2

Kiểm soát tài nguyên

Trong khi việc xây dựng các căn cứ quân sự ở Trung Đông được bắt đầu một cách nghiêm túc vào năm 1980, thì Washington từ lâu đã tìm cách sử dụng lực lượng quân sự để kiểm soát khu vực tiếp giáp giữa châu Á và châu Âu giàu tài nguyên này, và cùng với đó là kiểm soát nền kinh tế toàn cầu.

Như Chalmers Johnson, một chuyên gia phân tích chiến lược người Mỹ, đã chỉ ra: "Mỹ luôn tìm cách để có được những căn cứ quân sự với mục đích duy nhất là thống trị một trong những khu vực chiến lược quan trọng nhất của thế giới”.

Năm 1945, chính giới Mỹ đã chú ý thúc đẩy hoàn thiện một căn cứ đã xây dựng một phần ở Dharan, Saudi Arabia, bất chấp việc quân đội Mỹ khăng khăng rằng đó là điều không cần thiết cho cuộc chiến chống lại Nhật Bản. Họ lập luận: "Việc xây dựng (căn cứ không quân) này ngay lập tức sẽ thể hiện một sự quan tâm mạnh mẽ của Mỹ đối với Saudi Arabia và do đó giúp tăng cường tính toàn vẹn chính trị của quốc gia đó, nơi có trữ lượng dầu lớn hiện đang nằm trong tay người Mỹ".

Bản đồ khu vực Đại Trung Đông.


Đến năm 1949, Lầu Năm Góc thành lập một lực lượng nhỏ hải quân thường trực Trung Đông (MIDEASTFOR) ở Bahrain. Trong đầu những năm 1960, chính quyền Tổng thống John F. Kennedy bắt đầu tăng cường lực lượng hải quân, trước tiên là ở Ấn Độ Dương ngoài khơi Vịnh Ba Tư. Trong vòng một thập kỷ, lực lượng hải quân đã tạo ra các nền tảng cho những gì sẽ trở thành một căn cứ quân sự lớn đầu tiên của Mỹ trong khu vực trên hòn đảo Diego Garcia do Anh kiểm soát.

Tuy nhiên, trong những năm đầu của cuộc Chiến tranh Lạnh, Washington thường tìm cách gia tăng ảnh hưởng của mình ở Trung Đông bằng cách hậu thuẫn và cung cấp vũ khí cho các cường quốc khu vực như Saudi Arabia, Iran và Israel. Nhưng đến năm 1979, khi Liên Xô can dự vào Afghanistan và diễn ra cuộc cách mạng lật đổ chính quyền của Iran, phương pháp tiếp cận theo chủ trương không can thiệp tại Trung Đông này không còn nữa.

Vào tháng 1/1980, Tổng thống Jimmy Carter đã công bố một sự thay đổi “tai hại” trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Nó có lẽ được biết đến dưới cái tên Học thuyết Carter. Trong thông điệp liên bang, Tổng thống Carter cảnh báo về nguy cơ mất đi một khu vực "chiếm hơn 2/3 lượng dầu xuất khẩu của thế giới" và "hiện bị đe dọa bởi quân đội Xô Viết" ở Afghanistan, lực lượng đã đặt ra "một mối đe dọa nghiêm trọng đối với dòng chảy tự do của dầu ở Trung Đông". Ông Carter quả quyết rằng "bất kỳ thế lực bên ngoài nào tiến hành một nỗ lực nhằm giành quyền kiểm soát vùng Vịnh Ba Tư sẽ được coi là một cuộc tấn công vào các lợi ích sống còn của Mỹ, và một cuộc tấn công như vậy sẽ bị đẩy lùi bởi bất kỳ phương tiện cần thiết nào, bao gồm cả lực lượng quân sự".

Sau những lời tuyên bố này, Tổng thống Carter đã có những nỗ lực xây nhằm dựng các căn cứ quân sự với quy mô lớn nhất trong lịch sử tại Trung Đông. Ông và người kế nhiệm là Ronald Reagan đã chỉ huy việc mở rộng các căn cứ ở Ai Cập, Oman, Saudi Arabia và các nước khác trong khu vực để làm nơi đồn trú cho “Lực lượng Triển khai nhanh” của Mỹ, vốn nhằm bảo vệ vĩnh viễn nguồn cung dầu khí Trung Đông. Cụ thể, các căn cứ hải quân và không quân ở Diego Garcia đã được mở rộng với một tốc độ chóng mặt. Đến năm 1986, Mỹ đã đầu tư hơn 500 triệu USD cho vấn đề này.

Binh sĩ Mỹ tại Afghanistan.


Chẳng bao lâu, Lực lượng Triển khai nhanh đã phát triển thành Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, lực lượng đã và đang giám sát ba cuộc chiến tranh ở Iraq (1991-2003, 2003-2011, 2014 đến nay); cuộc chiến ở Afghanistan và Pakistan (2001); can thiệp vào Lebanon (1982-1984); một loạt các cuộc tấn công quy mô nhỏ hơn vào Libya (1981, 1986, 1989, 2011); Afghanistan (1998) và Sudan (1998); và "cuộc chiến tàu chở dầu" với Iran (1987-1988), dẫn đến việc vô tình bắn rơi một chiếc máy bay dân sự của Iran, làm 290 hành khách thiệt mạng. Trong khi đó, tại Afghanistan vào những năm 1980, CIA đã tài trợ và dàn xếp một cuộc chiến tranh bí mật lớn chống lại Liên Xô bằng cách hậu thuẫn Osama Bin Laden và lực lượng Hồi giáo cực đoan khác. Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến bằng máy bay không người lái ở Yemen (2002) và cả chiến tranh công khai cũng như bí mật tại Somalia (1992-1994, 2001).

Trong và sau chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên năm 1991, Lầu Năm Góc đã mở rộng đáng kể sự hiện diện của mình trong khu vực. Hàng trăm, hàng ngàn binh lính đã được triển khai tới Saudi Arabia để chuẩn bị cho cuộc chiến chống Iraq. Sau cuộc chiến, hàng ngàn binh lính và một cơ sở hạ tầng quân sự được mở rộng đáng kể đã được để lại ở Saudi Arabia và Kuwait. Ở những nơi khác trong vùng Vịnh, quân đội Mỹ mở rộng sự hiện diện hải quân tại một căn cứ của Anh ở Bahrain, nơi Hạm đội 5 của Mỹ ở đó. Các cơ sở không quân lớn cũng được thiết lập ở Qatar, và hoạt động của Mỹ đã được mở rộng tại Kuwait, UAE và Oman.

Cuộc xâm lược Afghanistan năm 2001 và Iraq năm 2003 cũng như các cuộc chiếm đóng tiếp theo ở cả hai nước này đã dẫn đến một sự mở rộng hơn nữa các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực. Do sự leo thang của cuộc chiến tranh, đã có hơn 1.000 trạm kiểm soát, tiền đồn và các căn cứ quân sự lớn của Mỹ được hình thành. Quân đội Mỹ cũng đã xây dựng các căn cứ mới tại Kyrgyzstan và Uzbekistan cũng như tìm cách làm như vậy ở Tajikistan và Kazakhstan, đồng thời tiếp tục sử dụng một số quốc gia Trung Á như những đường ống cung cấp hậu cần cũng như điểm rút quân một phần cho quân đội Mỹ ở Afghanistan.

Mặc dù  chính quyền Obama thất bại trong việc duy trì 58 căn cứ "vĩnh viễn" ở Iraq sau khi Mỹ rút quân năm 2011, những Washington đã ký kết một thỏa thuận với Afghanistan cho phép quân đội Mỹ ở lại cho đến năm 2024 và tiếp tục được tiếp cận căn cứ không quân Bagram và ít nhất hơn 8 cơ sở quân sự lớn khác.


Công Thuận

Đón đọc kỳ tới: Cơ sở hạ tầng cho chiến tranh

Trung Đông ngập trong vũ khí
Trung Đông ngập trong vũ khí

Chỉ tính riêng ở Vịnh Ba Tư, quân đội Mỹ có các căn cứ chính ở tất cả các nước, trừ Iran. Ở Afghanistan và Iraq, Mỹ lần lượt có khoảng 800 và 500 căn cứ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN