Kế hoạch ngày tận thế của Mỹ - Kỳ 2: Sở chỉ huy “tàn nhẫn”

Ban Giám đốc của Ngân hàng Dự trữ liên bang (Fed) cũng có nơi sơ tán riêng. Đó là một cơ sở ngầm chống phóng xạ rộng gần 4.000 m2 ở ngoại vi Culpeper, Virginia. Nơi đây được tích trữ nguồn lương thực đủ dùng cho 30 ngày và có một đường hầm lạnh để bảo quản thi thể cho đến khi được chôn cất.


Mount Weather là địa điểm sơ tán chính cho Tổng thống, toàn bộ nội các và những quan chức khác. Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công, cả bộ máy chính quyền sẽ được chuyển đến boongke này bằng đường không vận. Sau khi đã di chuyển qua “Tháp Cỏ xanh” (mật danh của tháp điều khiển bãi đậu trực thăng) và vào bên trong, “hành khách” sẽ được yêu cầu xuất trình thẻ căn cước trước khi được phép bước qua cánh cửa an toàn bằng thép dày gần 2 m.

 

Cơ sở Mount Weather nhìn từ trên cao.


Cơ sở này được trang bị một loạt cảm biến phóng xạ. Nếu các quan chức chính phủ đến sau một cuộc tấn công hạt nhân thì từng người một sẽ được kiểm tra mức độ nhiễm xạ nếu có. Bất cứ người nào bị nhiễm xạ cũng sẽ khiến chuông reo lên trong khi đèn hiệu sẽ nhấp nháy màu vàng hoặc màu đỏ tùy thuộc vào mức độ phóng xạ phát hiện được.

Những người bị phơi nhiễm sẽ được tắm dưới vòi hoa sen bằng xà bông y tế để khử xạ. Nếu tử vong, họ sẽ được thiêu trong những chiếc lò hỏa táng cùng với quần áo và tư trang. Tất cả những người ở trong boongke này đều được cấp những bộ quần áo bảo hộ chuyên dụng của quân đội. Bên trong boongke cũng xây dựng một bệnh viện ngầm nơi bệnh nhân được vận chuyển bằng những chiếc xe chơi golf chạy điện.

 

Đám mây hình nấm của quả bom hydro (Bom Sa Hoàng).


Với việc Tổng thống chủ trương điều hành đất nước như một doanh trại khổng lồ thì Mount Weather sẽ là một nơi “tàn nhẫn”. Ngoại trừ Tổng thống và người kế nhiệm ông ra, không một ai khác được coi là thiết yếu. Những bệnh nhân bị thương và được đánh giá là phải mất nhiều thời gian và nguồn lực để chữa trị sẽ bị đánh dấu bằng ký hiệu ngón chân cái màu xanh và bỏ mặc đến khi chết rồi đưa đi hỏa táng. Bên trong boongke này cũng có một kho vũ khí tích trữ súng trường tự động. Lực lượng an ninh trong boongke được ra lệnh bắn chết để ngăn chặn những người xâm nhập trái phép, kể cả các thành viên gia đình những quan chức và nhân viên đã ở trong boongke. Những nghi can phá hoại và kẻ gây rối sẽ bị tống cổ ra bên ngoài bất kể mức độ phóng xạ đo được là bao nhiêu.


Boongke có thể chứa vài nghìn người, nhưng chỉ Tổng thống, bộ trưởng Nội các và các thẩm phán Tòa án Tối cao là có những khu ở riêng. Một điều thú vị là Phó Tổng thống, trên thực tế là người kế nhiệm theo hiến định, lại không được đề cập. Phòng trường hợp thảm kịch của một vụ tấn công hạt nhân gây ra những chấn động về tâm lý, Mount Weather còn trang bị một phòng cách ly có tường lót đệm mà người ta vẫn gọi là “phòng cao su”, cùng với thuốc an thần và những bộ đồ dành cho người thương điên.


Mount Weather cũng được trang bị một mạng lưới theo dõi thời tiết và ra các bản tin hàng ngày về hướng gió và vận tốc gió, cố gắng dự báo về những kiểu phát tán phóng xạ. Cũng tại boongke này, Tổng thống sở hữu một xưởng truyền hình sẵn sàng cung cấp cho Tổng thống hay người kế nhiệm mà ông mới lựa chọn khả năng tiếp cận quốc dân bằng hệ thống phát thanh và truyền hình khẩn cấp.


Hàng năm, chính phủ tiến hành những cuộc diễn tập thử nghiệm công phu với sự tham gia của hàng nghìn quan chức nhằm tập dượt khả năng ứng phó với những cuộc tấn công hạt nhân. Một vài kế hoạch đã được phác thảo để sơ tán Tổng thống và gia đình khỏi Nhà Trắng một cách hiệu quả nhất. Edward Beach, một sĩ quan hải quân được giao nhiệm vụ vạch ra lối thoát cho Tổng thống Eisenhower, đã sớm nhận ra những hậu quả nếu Washington bị Liên Xô tấn công bằng một quả bom khinh khí. Viên sĩ quan này nói: “Vụ tấn công sẽ xóa sổ Sông Potomac, tạo ra một hố sâu ở Washington. Chúng ta sẽ có một cái hồ sâu ở đó, bởi vậy những nơi trú ẩn ở Washington sẽ trở nên phản tác dụng. Cho dù có sống sót sau vụ nổ thì bạn cũng sẽ bị chết đuối”.


Theo lập luận này, cơ quan của ông Beach đã mua một chiếc tàu ngư lôi được tân trang và neo đậu tại Xưởng hải quân của Washington bên bờ Sông Potomac. Khi thảm họa hạt nhân xảy ra, Tổng thống Eisenhower sẽ mau chóng rời khỏi Nhà Trắng trong một chuyên xa limosine màu đen nhãn hiệu Cadillac được trang bị động cơ xe tăng để đến chỗ tàu ngư lôi đang neo đậu tại một điểm hẹn trước bên dòng sông. Sau khi rời khỏi khu vực vụ nổ một cách an toàn, vị tổng thống thứ 34 của Mỹ sẽ được các đặc vụ đón và đưa đến một trong 3 sở chỉ huy dưới lòng đất. Chiếc tàu ngư lôi này, cũng như sở chỉ huy bí mật nằm bên dưới Trại David, được bí mật duy trì bởi một đội biệt kích tinh nhuệ có cái tên nghe khá vô hại là Đơn vị hành chính hải quân.

Cũng có một ý tưởng từng được cân nhắc trong một thời gian ngắn nhưng đã bị gạt bỏ, đó là việc tân trang một chiếc tàu ngầm địa cực, bằng cách gỡ bỏ các ống phóng tên lửa, để hoạt động như một sở chỉ huy di động của Tổng thống ở dưới biển. Đương nhiên là các nhà hoạch định đã gạt phăng đề xuất này khi họ nhận ra rằng chiếc tàu ngầm đó sẽ trở nên vô dụng trong bất cứ trường hợp nào Tổng thống phát động một cuộc tấn công trả đũa tối mật nhằm vào Liên Xô từ bên dưới những lớp băng địa cực.


Huy Lê

Đón đọc kỳ tới: Bên bờ vực chiến tranh hạt nhân

Kế hoạch ngày tận thế của Mỹ
Kế hoạch ngày tận thế của Mỹ

Thập niên 50 của thế kỷ trước, chính phủ Mỹ từng tính đến khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 bất ngờ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN