Kế hoạch ngày tận thế của Mỹ

Thập niên 50 của thế kỷ trước, chính phủ Mỹ từng tính đến khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 bất ngờ. Trẻ em phải tập chui xuống gầm bàn, cha mẹ xây hầm trú bom và trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân từ Liên Xô, Mỹ hy vọng có thể bảo đảm an toàn cho các nhà lãnh đạo, đặc biệt là tổng thống, để có thể tiếp tục điều hành đất nước. Tất cả đều được thực hiện dựa trên “Kế hoạch ngày tận thế”.

 

Kỳ 1: Đống tro tàn trong lòng nước Mỹ

 

Theo các tài liệu mãi về sau mới được tiết lộ khi Chiến tranh Lạnh đã lùi vào dĩ vãng, các nhà hoạch định chính sách cho ngày tận thế đã xây dựng kịch bản về một nước Mỹ sau thảm họa khi các đô thị chìm trong hoang tàn và u ám, các dịch vụ công và tư bị tê liệt, chính quyền áp đặt thiết quân luật, chế độ khẩu phần, kiểm soát giá cả, kiểm duyệt và hạn chế quyền tự do cá nhân. Họ cũng tính đến cả việc thiết lập một chế độ độc tài liên bang.

 

Tổng thống Dwight D. Eisenhower .

 

Trong một bản ghi nhớ tối mật gửi các cố vấn năm 1955, Tổng thống Mỹ khi đó là Dwight David Eisenhower viết: “Chúng ta phải điều hành đất nước này như một doanh trại khổng lồ được hệ thống hóa một cách nghiêm ngặt... Ai sẽ mai táng người chết? Người ta sẽ tìm các dụng cụ ở đâu? Tổ chức nào đứng ra lo việc đó? Chúng ta không được giả thiết rằng chúng ta sẽ giải quyết những vấn đề này trong sự bình yên... Chúng ta sẽ mở các quán cơm từ thiện, chăm lo cho dân chúng đang hoảng loạn. Chính phủ muốn duy trì điều hành đất nước sẽ phải đóng vai trò như một thằng chuột làm vua xứ mù”. Như vậy, chính phủ Mỹ khi đó đã có ý định tiếp quản mọi hoạt động quan trọng trong xã hội sau một cuộc thảm sát hạt nhân.

 

Số người chết được ước tính sẽ vào khoảng hàng chục triệu với các thành phố lớn ở Mỹ biến thành những đống tro tàn đổ nát. Tuy nhiên, ngoài những con số thương vong đơn thuần đó, còn có một yếu tố khác được tính toán kỹ lưỡng hơn, đó là sự an nguy của chính phủ lập hiến. Kế hoạch ngày tận thế được phát triển vào đầu những năm 1950 dưới thời chính quyền Tổng thống Eisenhower và các chuyên gia chính sách cấp trung ương được giao nhiệm vụ đề ra một kế hoạch khổng lồ, bí mật và toàn diện với một nhiệm vụ chủ chốt là bảo vệ chính phủ liên bang - cơ quan sẽ duy trì và khôi phục luật pháp, trật tự cũng như hồi sinh nền kinh tế bị tàn phá.

 

Tổ hợp Raven Rock của Bộ Quốc phòng Mỹ.

 

Tuy nhiên, trong kế hoạch về ngày tận thế này dường như không có bất cứ điểm nào đề cập đến chính quyền bang và chính quyền địa phương. Có lẽ các chính quyền này sẽ bị Nhà Trắng chi phối nhằm áp đặt chế độ độc tài thời chiến lên những đống tro tàn của xã hội Mỹ.
Kế hoạch ngày tận thế, trong đó nêu chi tiết một chương trình toàn diện bảo đảm sự sinh tồn của dân tộc, được phát triển bởi tổng thống, Cơ quan an ninh quốc gia và nhiều cơ quan xử lý khủng hoảng khác nhau, trong đó có Cơ quan quản lý khủng hoảng liên bang. Kế hoạch này được xây dựng dưới dạng hàng loạt quy định dài hàng trăm trang được gọi là Bộ quy tắc tình trạng khẩn cấp liên bang. Các kế hoạch hành động dựa trên bộ quy tắc này do tất cả các cơ quan nắm giữ và các bản sao được lưu giữ tại từng địa điểm sơ tán. Nếu một địa điểm này bị phá hủy thì những địa điểm khác sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch. Đội ngũ quan chức được chia thành 3 nhóm là Alpha, Bravo và Charlie. Một nhóm sẽ ở lại tổng hành dinh còn 2 nhóm kia được điều đến những địa điểm khác.

 

Để theo đuổi kế hoạch này, chính phủ Mỹ đã phát hành gần 55 triệu thẻ cỡ bằng chiếc ví tiền để hướng dẫn những việc phải làm khi xảy ra một cuộc tấn công. Các quan chức chính phủ cấp cao được cung cấp một số điện thoại khẩn cấp đặc biệt để gọi mà không chịu sự quản lý của các mạng điện thoại thương mại và kết nối trực tiếp tới những nhà cung cấp dịch vụ thời khủng hoảng. Những người dùng này có một mật mã là FLASH, ngụ ý với các nhà cung cấp dịch vụ rằng cuộc gọi này “là thiết yếu đối với sự tồn vong của dân tộc”. Trong khi đó, tổng thống luôn giữ bên mình cuốn Tài liệu hành động khẩn cấp và Kế hoạch D. Đây là bản tổng hợp các phương án ứng phó với một cuộc tấn công bất ngờ mà, đương nhiên, không cần quốc hội phải tuyên bố chiến tranh.

 

Bộ máy bí mật phụ trách xây dựng kịch bản về ngày tận thế đã lên kế hoạch và thiết lập một mạng lưới các địa điểm sơ tán cho chính phủ liên bang. Đây là một chuỗi các cơ sở nằm xung quanh thủ đô Washington hay còn gọi là Vòng cung Liên bang. Trong số những địa điểm này có Raven Rock, mật danh “Địa điểm R” hay còn được gọi bằng tên phổ biến hơn là “Lầu Năm Góc dưới lòng đất”. Đây là một tổ hợp rộng hơn 7.500 m2 tại Gettysburg, bang Pennsylvania. Ngoài ra còn có Mount Weather, mật danh “Điểm cao” - là một boongke trên núi rộng hơn 5.600 m2 gần Berryville, bang Virginia, nơi tổng thống và nội các sẽ đến làm việc.


Trong khi đó, địa điểm di tản của quốc hội Mỹ được xây dựng bên dưới khu nghỉ dưỡng 5 sao Greenbrier ở thành phố White Sulphur Springs, Tây Virginia. Cơ sở này mang mật danh Casper, gồm các hội trường tương tự như ở Hạ viện và Thượng viện cũng như một hội trường lớn cho phiên họp lưỡng viện. Chỉ chưa đầy 10 nghị sĩ Mỹ biết đến sự tồn tại của công trình này.


Huy Lê

 

Đón đọc kỳ tới: Sở chỉ huy tàn nhẫn

Chiến tranh phi nghĩa và hậu quả nặng nề từ chất độc da cam/điôxin
Chiến tranh phi nghĩa và hậu quả nặng nề từ chất độc da cam/điôxin

Cách đây 53 năm, ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ đã rải những chất độc hóa học đầu tiên xuống miền Nam Việt Nam, mở đầu cuộc chiến tranh hoá học tàn bạo kéo dài ngày nhất, tàn bạo nhất, gây nên một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN