Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 5/8, Ngoại trưởng Palestine Riad al-Maliki đã đến thăm trụ sở Tòa án hình sự quốc tế (ICC) ở Hà Lan để kêu gọi mở phiên tòa xét xử Israel về tội ác chiến tranh trong gần một tháng xung đột tại Dải Gaza.
Em bé Palestin bị thương trong cuộc không kích của Israel tại bệnh viện ở Gaza ngày 4/8. Ảnh: AFP-TTXVN |
Chuyến thăm của ông al-Maliki diễn ra vài giờ sau khi Israel và nhóm vũ trang Hamas của Palestine đạt được thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 72 giờ do Ai Cập làm trung gian, mở đường cho việc đàm phán một lệnh ngừng bắn lâu dài. Tuy nhiên, do Israel không phải là thành viên của ICC nên tòa án này không có quyền điều tra về các cáo buộc nói trên. ICC chỉ có thẩm quyền trong trường hợp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra nghị quyết, song chắc chắn một nghị quyết như vậy sẽ bị Mỹ - đồng minh chiến lược của Israel - phủ quyết.
Trước đó một ngày, Tổ chức ân xá quốc tế cho biết đã có các bằng chứng về tội ác chiến tranh của cả Israel và Palestine, đồng thời khẳng định một cuộc điều tra của ICC là rất cần thiết để ngăn chặn các tội ác này. Tuần trước, LHQ cũng đã mở một cuộc điều tra liên quan đến các hoạt động vi phạm nhân quyền và tội ác chiến tranh xảy ra trong cuộc xung đột ở Gaza. Theo số liệu của Palestine, 1.834 người Palestine đã thiệt mạng trong gần 4 tuần diễn ra xung đột. Israel tuyên bố một nửa trong số này là các phần tử vũ trang. Phía Israel cũng có 64 binh sỹ và 3 dân thường thiệt mạng.
Trong diễn biến khác, truyền thông Israel dẫn thông tin trên nhật báo "El Pais" của Tây Ban Nha cho biết chính quyền Madrid đã quyết định tạm ngừng xuất khẩu vũ khí và công nghệ quân sự cho Israel để phản đối chiến dịch quân sự tại Dải Gaza. Tây Ban Nha là quốc gia thứ hai thông báo các biện pháp trừng phạt Israel trong 24 giờ qua, sau khi Anh cho biết đang xem xét lại toàn bộ giấy phép xuất khẩu vũ khí cho Israel.
Tây Ban Nha chủ yếu xuất sang Israel phụ tùng tên lửa, súng cối, thiết bị điện quang và hệ thống kiểm soát cháy. Năm 2013, giá trị xuất khẩu các mặt hàng này sang Israel chỉ đạt 5 triệu Euro, tương đương 1% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Tây Ban Nha. Giới chức Tây Ban Nha cho biết mục đích của động thái này nhằm gửi tín hiệu ngoại giao tới Israel và Tây Ban Nha sẽ xem xét lại quyết định vào tháng 9 tới.
Trong khi đó, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, Washington sẽ không ngừng cung cấp vũ khí cho Israel bất chấp làn sóng phản đối của dư luận về những tổn thất đối với dân thường ở Dải Gaza do chiến dịch quân sự của Israel. Mỹ có kế hoạch viện trợ quân sự cho Israel tổng trị giá 30 tỷ USD trong giai đoạn 2009-2018. Năm 2014, Israel sẽ nhận được khoản viện trợ trị giá 3,1 tỷ USD.
TTXVN/ Tin Tức