Khi ảnh hưởng của Hambali đối với tổ chức JI lớn mạnh, hắn ta đã thể hiện rõ tư tưởng của mình về một “siêu nhà nước” Hồi giáo. Trong khi tôn trọng những giáo lý cơ bản của Hồi giáo Darul, kế hoạch của hắn ta là kêu gọi việc lật đổ chính quyền hiện tại, kêu gọi sự ủng hộ của các quốc gia Hồi giáo và hợp nhất các tổ chức khủng bố ở Indonesia, Malaysia, Singapore, Brunei, Philippines, Campuchia và Thái Lan. Một trong những tổ chức như vậy là Abu Sayyaf ở Philippines với sự hỗ trợ của Bin Laden. CIA sau đó ước tính rằng, nếu thành công, một tổ chức như vậy sẽ có số lượng thành viên lên tới hơn 400 triệu người, trong đó có 75 triệu đàn ông - những người phù hợp và sẵn sàng tham gia các hoạt động quân sự. Xét về mối liên kết với al-Qaeda, tổ chức này có khả năng tiếp cận được với các tuyến đường biển trong khu vực Biển Đông và gần như bảo đảm quyền đi lại không giới hạn từ châu Á qua Ấn Độ Dương sang Ấn Độ, châu Phi và Australia.
Năm 1994, sử dụng kinh phí và nguồn hỗ trợ của Bin Laden và al-Qaeda, Hambali thành lập một công ty bảo trợ có tên Konsojaya. Bề ngoài là một công ty xuất nhập khẩu nhưng thực chất Konsojaya cung cấp vỏ bọc hoàn hảo cho các hoạt động khủng bố và là kênh hợp pháp để chuyển tiền trong khu vực Đông Nam Á.
Một trong những giám đốc của công ty là Wali Khan Amin Shah, một cựu chiến binh đã từng tham gia cuộc thánh chiến Hồi giáo và có nhiều kinh nghiệm về hoạt động của al-Qaeda tại Philippines cùng mối liên hệ mật thiết với Abu Sayyaf. Người ta cho rằng, nhân vật này đã đóng một phần quan trọng trong vụ khủng bố 11/9.
Nguồn tài chính hỗ trợ Abu Sayyaf được cho là mang tới Philippines bởi Mohammed Jamal Khalifa, em vợ của Bin Laden. Tổ chức này cũng thành lập một công ty xuất nhập khẩu có tên gọi Benevolence International Corp. và một vài tổ chức từ thiện Hồi giáo khác mà chức năng chính là phân bổ nguồn tài trợ cho các nhóm khủng bố nhỏ lẻ nhằm phục vụ cho các cuộc tấn công của chúng.
Năm 1994, Osama Bin Laden đã gửi một nhóm chuyên gia khủng bố người Arập để tổ chức và tham gia các cuộc tấn công chống lại lợi ích của Mỹ ở Philippines. Khalifa đã thay mặt anh rể của mình để chỉ đạo các hoạt động khủng bố. Tầm ảnh hưởng của nhóm này không thể bị xem nhẹ khi Bin Laden đã gửi tới những thuộc hạ thân tín của mình, trong đó có Ramzi Yousef, Khalid Shaikh Mohammed và Wali Khan.
Theo một cuộc điều tra sau này, chính công ty của Hambali đã cung cấp tài chính và hỗ trợ hoạt động cho nhóm khủng bố này tại Manila. Theo báo cáo, một số kế hoạch đầy tham vọng đã được giao cho tổ chức này, trong đó có kế hoạch ám sát Tổng thống Clinton và Giáo hoàng John Paul II. Âm mưu đối với Tổng thống Clinton sớm bị loại bỏ vì quá khó khăn, trong khi đó trường hợp của Giáo hoàng John Paul II được xem xét và đánh giá cao. Trong khi các kế hoạch đang được tiến hành thuận lợi thì tổ chức này bị cảnh sát địa phương phát hiện vào tháng 1/1995.
Trong các cuộc đột kích sau đó, cảnh sát tìm thấy nhiều giấy tờ, tài liệu và tập tin trên máy tính thể hiện kế hoạch chi tiết về một cuộc khủng bố quy mô lớn nhằm vào lợi ích của Mỹ. Được biết đến là âm mưu “Bojinka”, kế hoạch này dự kiến đặt bom trên 11 chuyến bay thương mại đến Mỹ và kích hoạt các thiết bị nổ đồng thời. Giai đoạn thứ hai sẽ là một kịch bản quá đỗi quen thuộc, đó là cướp máy bay phản lực thương mại và đâm vào trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ.
Các vụ bắt giữ của cảnh sát cũng đã tóm được một vài thành viên của tổ chức khủng bố, Yousef và Khalid trốn thoát và sau đó rời khỏi Philippines. Wali Khan bị bắt nhưng trốn thoát ngay sau đó. Hắn ta bị bắt lại ở Malaysia vào tháng 12/1995 và bị dẫn độ sang Mỹ. Tên này ra trước tòa với đồng phạm Ramzi Yousef và cả hai bị kết án tù chung thân vì đã xây dựng kế hoạch “Bojinka”.
Cuộc điều tra không phát hiện thấy sự tham gia của Hambali, vì vậy hắn ta tiếp tục có điều kiện để tái tập hợp lực lượng và dành thời gian cho hoạt động tuyển lựa, gây quỹ để tiến hành cuộc tấn công tiếp theo.
Năm 2000, JI bước sang một giai đoạn phát triển mới trong thế giới khủng bố với một loạt các vụ đánh bom nhà thờ Cơ đốc giáo trên khắp Indonesia khiến 18 người chết và nhiều người bị thương. Chẳng bao lâu, những tòa nhà khác cũng đặt trong sự đe dọa tấn công, trong đó có các trung tâm mua sắm, khu văn phòng và các tòa nhà chính phủ. Đây là những mục tiêu ưu tiên của JI. Trong cùng năm đó, JI cũng đã tổ chức các cuộc tấn công tại Singapore và Indonesia.
Sau đó, Hambali và JI đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ những kẻ khủng bố vụ 11/9, tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc. Các cuộc điều tra phát hiện một vài trong số những tên không tặc đã tới Mỹ qua Malaysia, nơi Hambali và các thành viên JI đã cho chúng nơi trú ngụ cũng như các điều kiện hỗ trợ khác, trong đó có tiền và thủ tục để được cấp hộ chiếu.
Mặc dù có bằng chứng quan trọng về mối liên hệ của JI với al-Qaeda trong vụ khủng bố ngày 11/9 nhưng việc theo vết thủ phạm gặp nhiều khó khăn do cuộc điều tra của Mỹ đã bị cản trở, theo cách mà một số nhà bình luận thấy được, đó là “mối quan hệ phối hợp” chẳng mấy tốt đẹp với chính phủ Malaysia và Indonesia. Thực tế, do cả hai đều là chính phủ Hồi giáo với lịch sử chống khủng bố hết sức nghèo nàn, đặc biệt là với JI. Ngoài ra, cả hai quốc gia này đều công khai phản đối cuộc chiến tranh vùng Vịnh. Hơn nữa, Indonesia đã luôn phủ nhận kịch liệt về việc có phần tử khủng bố al-Qaeda xuất hiện trên đất nước mình.
Nguyễn Bình (còn tiếp)