“Quý bà Al Qaeda” - Nữ khủng bố nguy hiểm

Cách đây 2 năm, các quan chức an ninh quốc gia cấp cao Mỹ đã nhận được một lời đề nghị “trêu ngươi” từ phía Pakistan: Nếu Mỹ phóng thích một người phụ nữ Pakistan đang bị giam ở nhà tù Texas, Islamabad có thể sẽ tìm cách trả tự do cho thượng sĩ Mỹ Bowe Bergdahl, người đã bị mất tích từ năm 2009 và được cho là nằm trong tay lực lượng Taliban ở Pakistan.

 

Các cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Barrack Obama đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị của Pakistan. Việc phóng thích nữ tù nhân Aafia Siddiqui, người có quan hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda và năm 2010 đã bị cáo buộc tìm cách sát hại những người Mỹ ở Afghanistan, có thể sẽ vi phạm chính sách của Washington trong việc không nhượng bộ với những nhóm khủng bố và điều này cũng không khác gì “thả hổ về rừng”.

 

Nữ khủng bố Siddiqui.


Siddiqui, 42 tuổi, người được đặt mật danh trong các chiến dịch chống khủng bố của Mỹ là “quý bà Al Qaeda”, có liên quan đến trùm khủng bố Khalid Sheikh Mohammed trong vụ tấn công ngày 11/9 và từng nằm trong danh sách những kẻ khủng bố bị truy nã gắt gao nhất của FBI. Được giáo dục ở Mỹ - nữ khủng bố trên học tại Viện công nghệ Massachusetts (MIT) và nhận bằng Tiến sĩ tại Brandeis - Siddiqui bị bắt năm 2008 ở Afghanistan khi đang mang theo chất natri xyanua cùng với những tài liệu nói về cách thức chế tạo các loại vũ khí hóa học và bom bẩn cũng như cách thức biến virus Ebola thành một loại vũ khí. Trong khi FBI và các quan chức quân sự thẩm vấn Siddiqui, nữ khủng bố này đã tìm cách kích nổ một loại vũ khí được giấu dưới bàn trong phòng tra khảo.


Mặc dù các quan chức Mỹ chưa bao giờ xem xét việc trao đổi Siddiqui một cách nghiêm túc, nhưng nữ khủng bố này luôn được đưa ra mặc cả đối với những kẻ khủng bố và các tay súng Hồi giáo. Nhà Trắng coi việc phóng thích Siddiqui là điều kiện để đổi lấy tự do cho các tù nhân người Mỹ và châu Âu bị bắt cóc trong những năm qua. Lực lượng phiến quân liên tục đe dọa sẽ hành quyết Bergdahl nếu Siddiqui không được thả tự do. Và những kẻ khủng bố Hồi giáo mới đây sát hại nhà báo Mỹ James Foley cũng yêu cầu phóng thích “quý bà Al Qaeda”.


Ngày 26/8 vừa qua, phiến quân thuộc Nhà nước Hồi giáo Iraq (IS) một lần nữa yêu cầu phóng thích Siddiqui để đổi lấy tự do cho một phụ nữ 26 tuổi người Mỹ, bị bắt cóc năm ngoái tại Syria trong khi đang làm việc với các nhóm viện trợ nhân đạo. Giới chức Mỹ tin rằng IS hiện đang giam giữ ít nhất 4 người Mỹ, trong đó có nhà báo Steven Sotloff. IS cũng đòi khoản tiền chuộc 6,6 triệu USD cho vụ trao đổi trên.


Trong khi Nhà Trắng kiên quyết từ chối phóng thích Siddiqui để đổi lấy các tù nhân Mỹ, một số quan chức thuộc Lầu Năm Góc đã đề nghị đổi nữ khủng bố trên lấy những tù nhân Mỹ bị các nhóm phiến quân bắt cóc. “Chúng tôi biết rằng có ít nhất một quan chức thuộc Lầu Năm Góc đã đưa ra những lựa chọn để trao đổi Siddiqui. Và chúng tôi chắc chắn rằng có lựa chọn thiên về Bergdahl và một số người khác đang bị giam giữ”, ông Joe Kasper, người phát ngôn của Thượng nghị sĩ bang California Duncan Hunter, đồng thời là một thành viên cao cấp thuộc Ủy ban Vũ trang Hạ viện Mỹ, cho biết.


Đã có một cuộc tranh cãi nảy lửa về việc liệu chính phủ Mỹ nên trả tiền chuộc hay tiến hành trao đổi tù binh để đổi lấy tự do cho những người Mỹ bị bắt cóc sau vụ sát hại nhà báo Foley. Không giống như các nước châu Âu, Mỹ không trả tiền chuộc. Một vài chuyên gia về khủng bố cho rằng người Mỹ ít có khả năng bị bắt cóc. Nhưng một số cựu tù nhân và gia đình họ muốn chính phủ trả tiền nếu điều đó mang lại tự do cho người Mỹ.


Ông Kasper cho biết lựa chọn Siddiqui trong trường hợp Bergdahl không bao giờ được chấp thuận bởi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố: "Đó là một sự xấu hổ thực sự, bởi vì dù đúng hay sai trong việc trao đổi Siddiqui, thì tất cả sự lựa chọn có giá trị cần được nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng”.


Các quan chức cấp cao khác của Mỹ cũng nói thêm họ không biết có bất cứ lời đề nghị nào được Lầu Năm Góc đưa ra nhằm trả tự do cho Siddiqui như một phần của các cuộc đàm phán con tin. Nhưng theo giới chuyên gia, đây là vấn đề pháp lý phức tạp bởi vì giữa Mỹ và Pakistan không có một thỏa thuận nào cho phép người Pakistan bị giam giữ ở Mỹ được dẫn độ.


Tuy nhiên, Bergdahl cuối cùng đã được trả tự do thông qua việc đổi lấy 5 tù nhân là thủ lĩnh của Taliban vào tháng 5 vừa qua tại vịnh Guantanamo, Cuba. Vụ trao đổi tù binh này đã bị chỉ trích như là một thỏa hiệp với các nhóm chiến binh và là một nguy cơ an ninh tiềm năng. Cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận rằng các tù nhân được phóng thích cuối cùng sẽ quay trở lại chống Mỹ. Nhưng việc đổi Bergdahl lấy 5 tù nhân Taliban là phù hợp với truyền thống trao đổi tù nhân trong thời chiến và là một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban để chấm dứt quá trình tham chiến của Mỹ ở Afghanistan. Theo đó, các quan chức đã lập luận rằng việc lấy lại tự do cho Bergdahl về cơ bản là khác so với bất kỳ vụ trao đổi được đề xuất với Siddiqui.


Trả lời phỏng vấn tờ Foreign Policy, Người phát ngôn Nhà Trắng Caitlin Hayden cho hay: "Siddiqui đang thụ án 86 năm tù vì âm mưu giết người và tấn công các công dân, nhân viên cũng như các sĩ quan Mỹ tại Afghanistan. Về lâu dài, chính phủ Mỹ không nhân nhượng đối với những kẻ bắt cóc con tin. Làm như vậy sẽ chỉ khiến nhiều người Mỹ có nguy cơ bị bắt làm tù binh".


Siddiqui khá “nổi tiếng” ở Pakistan vì trong năm 2010, việc Mỹ kết án nữ khủng bố này đã gây ra nhiều cuộc biểu tình. WikiLeaks tiết lộ nguồn tin ngoại giao Mỹ nói rằng phản ứng với phán quyết về Siddiqui là tin tức được đăng tải trên trang nhất của tất cả các tờ báo lớn. Một số bài báo lên án Mỹ và đổ lỗi các phán quyết này là định kiến chống Hồi giáo, đồng thời cho rằng Siddiqui bị các cơ quan tình báo Pakistan và FBI bắt cóc, giam giữ trái phép ở Afghanistan, bị "lính Mỹ lạm dụng về thể chất và tinh thần".


Một số người Pakistan cũng phản đối chính phủ của họ "vì đã không làm nhiều hơn để bảo đảm trả tự do cho Siddiqui và không có phản ứng với phán quyết” của toàn án Mỹ. Những người ủng hộ Siddiqui cũng chỉ trích chính phủ Pakistan là quá gần gũi với Washington với việc cho phép phát động các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trên lãnh thổ nước này.


Tại Pakistan, một nhóm các chiến binh tự xưng là Lữ đoàn Aafia Siddiqui đã tấn công các tòa nhà của chính phủ để trả thù cho những gì họ cho là phiên toà bất công và giam giữ sai trái nữ khủng bố trên. Năm 2012, một vụ đánh bom nhằm vào một chiếc xe cảnh sát ở Peshawar đã khiến 2 nhân viên an ninh thiệt mạng. Sau đó, một cuộc tấn công năm 2013 tại một tòa nhà tư pháp giết chết 4 người và làm bị thương hơn 50 người, được cho là do nhóm ủng hộ Siddiqui trên tiến hành.


Công Thuận (F.P)

Điều chưa biết về ‘Quý bà Al Qaeda’ - Nữ khủng bố nguy hiểm
Điều chưa biết về ‘Quý bà Al Qaeda’ - Nữ khủng bố nguy hiểm

Siddiqui, 42 tuổi, người được đặt mật danh trong các chiến dịch chống khủng bố của Mỹ là “quý bà Al Qaeda”, có liên quan đến trùm khủng bố Khalid Sheikh Mohammed trong vụ tấn công ngày 11/9 và từng nằm trong danh sách những kẻ khủng bố bị truy nã gắt gao nhất của FBI.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN