Điệp viên kỳ lạ trong Thế chiến thứ Hai(Kỳ I)

Tháng 7/1943, quân đội Đức dốc toàn lực cho chiến dịch "Zitadelle" (Pháo đài) với 900.000 binh lính, 1.800 máy bay, 10.000 khẩu pháo và trên 2.000 xe tăng với hy vọng chọc thủng Vòng cung Kursk để giành lại các vị trí chiến lược đã bị mất vào tay Hồng quân Liên Xô, nhưng bị Hồng quân Liên Xô chặn đứng. Trong khi đó, ở mặt trận phía Tây, quân đội Đồng minh đã đổ bộ lên đảo Sicilia làm quân Đức trở tay không kịp. Để đánh lạc hướng quân đội Đức, cơ quan tình báo Anh đã nghĩ ra một kế hoạch kỳ lạ, có một không hai là sử dụng một xác chết để cung cấp tin... giả cho quân đội Đức. Xác chết đó đã trở thành một điệp viên kỳ lạ và thành công.

Kỳ I: Xác chết trở thành "Thiếu tá Martin"


Ewen Montagu, chuyên viên tình báo Anh, người chịu trách
nhiệm tổ chức thực hiện "Chiến dịch thịt băm".

Từ mùa thu 1942, Ewen Montagu đã tiến hành một sứ mạng tuyệt mật trong cơ quan tình báo Anh. Sứ mạng này kỳ lạ chẳng khác gì một kịch bản phim của Hollywood, đó là sử dụng một xác chết được cho là của một sĩ quan Anh để đánh lừa quân đội Đức về mục tiêu đổ bộ thực sự của quân đội Đồng minh, góp phần quan trọng thay đổi cục diện chiến tranh.

Theo kế hoạch nghe rất điên rồ này, xác chết sẽ được trang bị giấy tờ giả về nhân thân, mang theo bên mình một cặp đựng những tài liệu hết sức nhạy cảm. Tàu ngầm Anh sẽ thả xác chết này ở ngoài khơi bờ biển Tây Ban Nha với hy vọng sóng sẽ đưa xác chết vào đất liền và những giấy tờ giả mạo sẽ "lọt vào tay" quân đội Đức. Nếu kế hoạch này thành công, Wehrmacht (quân đội Đức Quốc xã) sẽ không chờ đợi quân Đồng minh đổ bộ lên đảo Sicilia, mà ở Hy Lạp, cách đó hàng trăm cây số.

Nhưng kế hoạch này ẩn chứa nhiều nguy cơ rủi ro, không lường trước được và những vấn đề khó khăn trong thực tế: Làm sao mà người ta chắc chắn được rằng người chết trông giống như một nạn nhân của tai nạn máy bay, mặc dù trên thực tế đã chết trước đó vài tháng. Ai bảo đảm được rằng xác chết sẽ được sóng đưa vào bờ, cùng với cặp tài liệu? Và làm sao mà người ta có thể "thuyết phục" người Đức tin rằng, tình báo Anh lại cử một sĩ quan tham mưu mang theo những tài liệu quan trọng như vậy từ Luân Đôn sang Bắc Phi trong lúc đang có chiến tranh?

Ewen Montagu và các đồng đội trong cơ quan tình báo Anh đã tính tới những vấn đề này, nhưng không tính tới việc kế hoạch suýt đổ bể ngay từ khi tìm kiếm một xác chết thích hợp: Khi thì nguyên nhân gây tử vong không thích hợp, khi thì lứa tuổi không phù hợp, khi thì gia đình người chết có vẻ lắm lời, có thể tiết lộ sự việc. Theo kế hoạch, Ewen Montagu cần một xác chết trạc 30 tuổi, chết một cái chết tự nhiên, nhưng anh không được phép tiết lộ kế hoạch sử dụng xác chết này làm gì.

Đúng lúc bí quá, khi Ewen Montagu đã phải nghĩ tới việc ăn cắp một xác chết thì anh nghe nói về một người chết, mà gia đình anh ta sẽ không nói gì. Mặc dù Montagu không bao giờ tiết lộ tên tuổi của người đó, nhưng vài chục năm sau, các nhà sử học đã tìm ra, đó là Glyndwr Michael, một kẻ lang thang là người miền nam xứ Wales, khi đó đang sống ở Luân Đôn. Y đã chết lúc 34 tuổi, sau khi uống thuốc bả chuột. Đối với cơ quan mật vụ thì đây là một "người chết hoàn hảo" - một người cô đơn, không tiền bạc, gia đình và bạn bè. "Chiến dịch thịt băm" bắt đầu, như các sĩ quan tình báo Anh với lối "hài hước đen" đặt tên cho kế hoạch dự kiến với xác chết.

Montagu tích cực soạn ra "lý lịch" của người chết. Ban đầu, anh đặt tên cho người chết là Thiếu tá William Martin, một cái tên rất thịnh hành để điệp viên Đức khó có thể kiểm tra lại được. Anh cho làm chứng minh thư giả và xoa giấy tờ vào quần cho tới khi có vết như giấy tờ cũ. Và trong túi của "Thiếu tá Martin" có ảnh của một người tình xinh xắn tên là "Pam", mặc áo bơi và viết cho anh những bức thư nồng nàn yêu đương. Những câu chuyện tình cảm đời thường như thế sẽ khiến cho quân Đức dễ dàng tin vào "Thiếu tá Martin".


Sau chiến tranh, Montagu kể lại: "Chúng tôi nói chuyện nhiều về Martin, cho tới khi chúng tôi có cảm giác đây là một người bạn cũ mà chúng tôi quen biết từ nhiều năm nay". Với những giấy tờ cá nhân để trong túi "Thiếu tá Martin", các sĩ quan tình báo muốn dựng lên một hình ảnh đáng tin cậy đối với quân Đức, đó là một sĩ quan xuất sắc, nhưng có một vài nhược điểm nhỏ như thích vui thú, chậm trả tiền thanh toán và thỉnh thoảng lạm chi trong tài khoản.

Nhưng giấy tờ quan trọng nhất trong sứ mạng này là những bức thư giả, do cấp cao nhất soạn thảo. Trong bức thư quan trọng nhất, Tướng Archibald Nye, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh viết về kế hoạch của quân Đồng minh đổ bộ lên các đảo Peloponnes và Sardinien của Hy Lạp. Nye khéo léo ám chỉ rằng Sicilia chỉ là một mục tiêu giả của "Chiến dịch Husky" mà thôi: "Chúng tôi có triển vọng tốt trong việc thuyết phục kẻ thù là chúng ta sẽ tới Sicilia, bởi vì đó là một mục tiêu tấn công gần và một mục tiêu mà kẻ thù phải lo ngại".

Vũ Long(Tổng hợp theo báo chí Đức)

Điệp viên kỳ lạ trong Thế chiến thứ Hai (Kỳ cuối)
Điệp viên kỳ lạ trong Thế chiến thứ Hai (Kỳ cuối)

Trên thực tế, Sicilia là địa điểm thuận lợi nhất cho việc đổ bộ lên một khu vực trong Địa Trung Hải. Bởi vì sau khi đánh bại Tướng Rommel của Đức ở Bắc Phi, quân đội Đồng minh chỉ cách Sicilia vài trăm cây số đường không.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN