Với tuổi đời hơn 100 năm, Nhà máy dệt Nam Định từng là một cơ sở nghiên cứu về tơ lụa được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX. Đây là cái nôi của ngành dệt may Việt Nam và là một phần lịch sử của thành phố Nam Định. Tuy nhiên, hiện nay việc tồn tại của khu liên hợp dệt này ngay giữa lòng thành phố đã không còn phù hợp, cần được di dời cách xa khu dân cư để đảm bảo an toàn, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường xung quanh. Đây là cơ hội để Thành Nam cổ kính thay đổi diện mạo.
Từ cái nôi của ngành dệt
Hình ảnh một buổi làm việc tại nhà máy dệt Nam Định được in trên tờ 2.000 đồng. |
Từ năm 2003, Nhà máy Dệt Nam Định đã được Nhà nước xếp vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng và buộc phải di dời ra khỏi trung tâm thành phố. Trải qua 13 năm, việc di dời nhà máy đã được tiến hành đồng thuận, bài bản và khoa học. Trên nền đất cũ của Nhà máy, nhiều công trình gắn liền với ký ức của Dệt Nam Định đã được giữ lại.
Nhà máy Dệt Nam Định tiền thân là một cơ sở nghiên cứu về tơ lụa, do Toàn quyền Đông Dương De Lanessan lập ra. Đến năm 1898, Toàn quyền Paul Doumer đồng ý cho Dadre - phái viên nghiên cứu vấn đề tơ lụa Đông Dương - lập một nhà máy tơ chạy bằng hơi nước tại Thành phố Nam Định, nằm gần bờ con sông Đào chạy qua thành phố, như một bước cụ thể hóa chính sách khai thác thuộc địa…
Hai năm sau, vào năm năm 1900, một số tư bản Pháp trong Công ty bông, vải, sợi Bắc Kỳ, đứng đầu là Dupré, hùn vốn với một tư sản người Hoa là Bá Chính Hội cùng tổ chức sản xuất, kinh doanh…
Dưới thời Pháp thuộc, Nhà máy Dệt Nam Định được biết đến là nhà máy lớn nhất Đông Dương. Theo đó, vào năm 1924 số công nhân của Nhà máy đã lên tới 6.000 người. Đến năm 1929, Nhà máy đã có quy mô 135 máy dệt. Đến năm 1939, nhà máy phát triển lên với quy mô 3 nhà sợi, 3 nhà dệt, 1 xưởng nhuộm, 1 xưởng chăn, 1 xưởng cơ khí, 1 xưởng động lực...
Lịch sử xây dựng, phát triển của Nhà máy Dệt gắn với thời kỳ kháng chiến cứu nước của dân tộc và những trang sử của thành phố Nam Định. Những thăng trầm của Nhà máy Dệt từng làm ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định.
Không chỉ là cái nôi của ngành dệt may Việt Nam, giai đoạn 1919-1930, cùng với công nhân xưởng đóng tàu Ba Son (ở miền Nam), công nhân nhà máy Diêm Bến Thủy, xe lửa Trường Thi (Nghệ An), Nhà máy Dệt Nam Định cũng là nơi có phong trào đấu tranh mạnh mẽ của công nhân, với nhiều cuộc bãi công, đình công lớn phản đối chính sách khai thác thuộc địa, bóc lột công nhân tàn nhẫn của những nhà tư bản Pháp… Sau năm 1954, Nhà máy Dệt Nam Định được Nhà nước tiếp quản từ thực dân Pháp. Từ đây, Nhà máy bước vào một thời kỳ mới.
Bác Hồ đến thăm Nhà máy Dệt Nam Định. |
Nhà máy Dệt Nam Định đã để lại nhiều dấu ấn ở thành phố này. Tiếng còi tầm của Nhà máy Dệt Nam Định là âm thanh quen thuộc của nhiều thế hệ người dân Thành Nam. Hay hình ảnh nữ công nhân Nhà máy Dệt Nam Định đang đứng máy cũng rất quen thuộc khi được in trên tờ tiền Việt Nam mệnh giá 2.000 đồng… Đặc biệt sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng 3 lần về thăm cán bộ, công nhân Nhà máy…
Cùng với nhiều nhà máy khác trên địa bàn, quy mô to lớn của Nhà máy Dệt Nam Định đã đưa thành phố Nam Định trong một thời kỳ dài được xem là thành phố công nghiệp, thành phố lớn thứ 3 ở miền Bắc sau Hà Nội, Hải Phòng; được người dân cả nước gọi thân mật là “Thành phố Dệt”.
Nhiều công nhân của Nhà máy từng được phong danh hiệu “đôi bàn tay vàng”, Anh hùng Lao động, trong đó có Anh hùng Lao động Đào Thị Hào. Một số cán bộ, công nhân của Nhà máy cũng từng được bầu làm đại biểu quốc hội. Người gần đây nhất được bầu là đại biểu Nguyễn Thị Băng Thanh, đại biểu Quốc hội khóa 11, vốn là một thợ giỏi của Nhà máy. Một số lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Hà Nam Ninh, tỉnh Nam Hà (cũ) như Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Hà Nam Ninh Trần Văn Soạn; Bí thư Tỉnh ủy Nam Hà Trần Minh Ngọc… là những người trưởng thành, từng làm lãnh đạo Nhà máy…
Và cho đến nay, vào cuối giờ chiều, Đài phát thanh thành phố Nam Định vẫn thường phát bài hát “Mùa xuân trên thành phố Dệt”, bài hát được xem như “tỉnh ca” của tỉnh Nam Định…
Đến Khu đô thị dệt may trong thời kỳ mới
Theo quy hoạch chung phát triển thành phố Nam Định, toàn bộ diện tích khu vực sau khi di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất ra khu công nghiệp sẽ được đầu tư xây dựng thành Khu đô thị Dệt may Nam Định, thiết lập nên trung tâm hành chính mới của thành phố với khu trung tâm thương mại, dịch vụ, chung cư cao tầng tạo nên một khu đô thị “cốt lõi” hiện đại của thành phố trong tương lai. Tổng diện tích quy hoạch là 24,81 ha do Công ty CP Phát triển đô thị Dệt may Nam Định (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) làm chủ đầu tư, với tổng mức kinh phí dự kiến 412 tỷ đồng.
Các công nhân tại Công ty Cổ phần Dệt - Dệt may Nam Định hăng say lao động. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN |
Ngày 16/6/2016, Công ty CP Phát triển đô thị Dệt may Nam Định cũng đã tổ chức Lễ khởi công Dự án Khu Đô thị Dệt May Nam Định.
Theo đó, dự án được thực hiện trong khoảng 5 năm. Giai đoạn I (khoảng 2 năm) đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ khu công viên, bãi đỗ xe với tổng mức đầu tư dự kiến là 130,9 tỷ đồng. Giai đoạn II, tiến hành di dời các Nhà máy Dệt, Dệt khăn với tổng diện tích 5,9ha, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở, 1 nhà văn hóa và trường học quy mô 27 lớp học với tổng mức đầu tư 130,1 tỷ đồng. Giai đoạn III, di dời xong toàn bộ phần còn lại gồm Nhà máy May 4, Nhà máy Sợi, Nhà máy Chỉ khâu, văn phòng Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định với tổng diện tích 10,5ha, tiến hành đầu tư các hạng mục công trình còn lại theo thiết kế với tổng giá trị đầu tư dự kiến 151,9 tỷ đồng.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo ra quỹ đất đô thị sạch với 936 lô đất ở biệt thự, liền kề; 20.076m2 công viên cây xanh và thể dục thể thao, 16.314m2 đất thương mại dịch vụ và 34.748m2 đất giáo dục, y tế, với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và với tiêu chí môi trường sống xanh, sạch, văn minh, là một đô thị mới trong lòng đô thị cổ Thành Nam theo đúng quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt…