Chính tư tưởng ấy của Người đã soi đường, chỉ lối cho dân tộc ta vượt qua muôn vàn gian khó, giành những thắng lợi vẻ vang, từ những ngày đấu tranh giành chính quyền cho đến công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.
Lễ chào cờ và cử Quốc thiều được tổ chức thiêng liêng và đặc biệt tại Quảng trường Ba Đình lịch sử nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025). Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, tự do, hạnh phúc: kết tinh từ thực tiễn cách mạng và khát vọng dân tộc
- Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết
Tư tưởng về độc lập dân tộc là trụ cột nền tảng trong toàn bộ hệ thống tư tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người quan niệm rằng, độc lập không chỉ là quyền thiêng liêng của mỗi quốc gia, mà còn là yếu tố sống còn quyết định sự tồn vong của dân tộc. Không có độc lập dân tộc thì không thể nói đến tự do hay hạnh phúc. Do đó, ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, Người đã nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là: đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến, làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập.
Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5/1941), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm sau cũng không đòi lại được” (1). Đây là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam, khi mà mâu thuẫn dân tộc giữa nhân dân ta với thực dân, phát xít là mâu thuẫn chủ yếu, đòi hỏi phải đặt nhiệm vụ cứu nước, giành độc lập dân tộc lên trên hết, trước hết.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc không chỉ là việc giành lại chính quyền, mà sâu xa hơn, là quyền được lựa chọn con đường phát triển của chính mình. Đó là nền độc lập toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại…; là nền độc lập gắn với tự chủ, tự lực, tự cường, không bị lệ thuộc, áp đặt bởi bất cứ thế lực nào. Tư tưởng ấy đã trở thành kim chỉ nam cho cả dân tộc đứng lên làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.
- Tự do gắn với quyền làm chủ của Nhân dân
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự do là giá trị cốt lõi, đồng hành chặt chẽ và không thể tách rời với độc lập dân tộc. Người từng nhấn mạnh: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (2). Tư tưởng này thể hiện một bước tiến lớn trong nhận thức cách mạng, vượt ra ngoài khuôn khổ của các cuộc khởi nghĩa dân tộc mang tính hình thức, để hướng tới một mục tiêu cách mạng toàn diện: giải phóng dân tộc phải đi đôi với giải phóng con người.
Tự do, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ là quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc mà còn là quyền được làm chủ vận mệnh đất nước. Người luôn phản đối tư duy hẹp hòi, coi tự do chỉ là đặc quyền của một số giai cấp hoặc nhóm người nhất định. Thay vào đó, Người đề cao những quyền phổ quát và thiết thực, như tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, tự do hội họp... nhưng cao nhất là tự do khỏi đói nghèo, ngu dốt, áp bức và bất công.
Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt Nhân dân ở vị trí trung tâm của mọi thiết chế quyền lực. Người khẳng định: “Dân là gốc.” Theo đó, Nhà nước cách mạng phải là “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”; “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”… Đây không chỉ là một triết lý quản trị nhà nước, mà còn là một định hướng phát triển xã hội - nơi mọi chính sách, pháp luật, bộ máy phải phục vụ cho lợi ích thiết thân của người dân.
- Hạnh phúc là đích đến của cách mạng
Nếu độc lập là điều kiện tiên quyết, tự do là nền tảng, thì hạnh phúc là mục tiêu cuối cùng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới trong sự nghiệp cách mạng.
Ngay từ năm 1941, trong Chương trình của Mặt trận Việt Minh do Người trực tiếp soạn thảo, mục tiêu của cách mạng đã được xác định một cách ngắn gọn, rõ ràng và đầy tính nhân văn: “Mục đích của Việt Nam Độc lập Đồng minh là muốn đem lại cho đồng bào được tự do và hạnh phúc”.
Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. (3)
Sau Cách mạng Tháng Tám, khi đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục khẳng định tư tưởng ấy trong mọi phát ngôn và hành động. Trong lần tiếp một nhà báo nước ngoài năm 1946, Người phát biểu: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. (4)
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hạnh phúc không phải là một khẩu hiệu hình thức mà là một lý tưởng cụ thể, có thể cảm nhận được trong đời sống hằng ngày của mỗi người dân, khi họ được sống yên bình, có cái ăn, cái mặc, được học hành, chữa bệnh và được đối xử công bằng.
Có thể thấy, ba giá trị cốt lõi: độc lập, tự do, hạnh phúc đã trở thành lý tưởng xuyên suốt sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời trở thành sợi chỉ đỏ gắn kết toàn thể Nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc năm 1945 cũng như trong các cuộc kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược sau này.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Người là Hồ Chí Minh" kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đến hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả tất yếu của một quá trình chuẩn bị lâu dài và của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng độc lập, tự do, hạnh phúc đã không chỉ soi đường về mặt lý luận mà còn trở thành kim chỉ nam cho hành động thực tiễn trong suốt tiến trình cách mạng.
Ngay từ những năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn rõ thời cơ lịch sử, kiên định xây dựng lực lượng cách mạng, phát triển các tổ chức quần chúng, mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất. Việc thành lập Mặt trận Việt Minh năm 1941 với mục tiêu “làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, dân tộc Việt Nam được hoàn toàn tự do” chính là bước cụ thể hóa tư tưởng ấy vào thực tiễn. Người kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh đuổi phát xít Nhật và thực dân Pháp, hướng tới một chính quyền “của dân, do dân, vì dân”, nơi mọi người dân đều có quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc.
Kết quả là, chỉ trong vòng 15 ngày từ 14 đến 28/8/1945, chính quyền cách mạng đã giành thắng lợi trên cả nước. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 khẳng định tính đúng đắn và sức mạnh to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, tự do, hạnh phúc.
Mẫu biểu trưng (logo) Kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của tác giả Tô Minh Trang (Hà Nội). Ảnh: TTXVN phát
Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tư tưởng độc lập, tự do, hạnh phúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục là ngọn đuốc soi đường cho toàn dân tộc. Không chỉ xác định mục tiêu đấu tranh là giành lại và bảo vệ nền độc lập dân tộc, tư tưởng ấy còn thể hiện rõ trong các chính sách chăm lo đời sống Nhân dân ngay giữa chiến tranh: từ cải cách ruộng đất, mở lớp học, tổ chức y tế kháng chiến đến xây dựng chính quyền của dân trong vùng giải phóng. Đặc biệt, trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã trở thành lời hiệu triệu thiêng liêng, cổ vũ tinh thần cả nước vượt qua gian khổ, đi đến thắng lợi mùa Xuân năm 1975, thống nhất Tổ quốc và hiện thực hóa khát vọng tự do, hạnh phúc cho toàn dân.
80 năm sau Cách mạng Tháng Tám thành công, tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, tự do, hạnh phúc vẫn là kim chỉ nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vào năm 2045 - đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây không chỉ là một đích đến mang tầm vóc thế kỷ, mà còn là sự tiếp nối nhất quán tư tưởng Hồ Chí Minh.
Có thể khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, tự do, hạnh phúc không chỉ là cội nguồn tinh thần cho thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mà còn là kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong mọi thời đại. Giá trị cốt lõi ấy đã, đang và sẽ tiếp tục soi sáng con đường phát triển bền vững, toàn diện của đất nước.
***
(1) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 2, tr. 138
(2) Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 64
(3) Hồ Chí Minh - Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 1
(4) Hồ Chí Minh - Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 187