Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng khá nhưng chủ yếu là do sự đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, sau quý 1/2016, hàng loạt khách hàng quen thuộc của dệt may Việt Nam đã chuyển đơn hàng sang Myanmar, Lào bởi các nước đó được hưởng ưu đãi về thuế khi xuất khẩu sang Mỹ, Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP - với Mỹ là đối tác lớn) và Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam với EU vẫn chưa có hiệu lực.
Theo các chuyên gia, điều này càng đặt ra cho DN dệt may trong nước phải quan tâm nhiều hơn nữa đến thị trường nội địa. Ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đức Giang cho rằng, nếu DN không cẩn thận thì trong khi hướng ra thị trường nước ngoài lại mất thị trường trong nước. Coi trọng thị trường nội địa chính là một yếu tố để đẩy mạnh xuất khẩu, bởi nếu làm tốt ở trong nước DN sẽ có thương hiệu của riêng mình, có giá trị thiết kế, giá trị gia tăng.
Trao đổi với phóng viên Tin Tức, bà Đặng Phương Dung, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, tùy từng DN sẽ có giải pháp riêng để chiếm lĩnh thị trường nội địa. Với những DN dệt may lớn như May 10, Đức Giang, Việt Tiến... sản phẩm có giá trung bình cao thì nên tập trung vào xây dựng thương hiệu cho các dòng sản phẩm của riêng mình. Việc này đã được các DN chú ý nhưng cần đầu tư nhiều hơn trong thời gian tới. Mặt khác, DN cần phát triển kênh phân phối rộng khắp ở các thành phố lớn bởi đó là thị trường có khách hàng thu nhập cao, phù hợp với các dòng sản phẩm này. Còn đối với các DN may nhỏ lẻ, may gia công xuất khẩu, trước mắt nên đổi mới mẫu mã và giảm giá thành để cạnh tranh với hàng giá rẻ Trung Quốc. Hàng của các DN này chủ yếu bán ở các chợ, cửa hàng thời trang nên nếu mẫu mã bắt mắt, giá cả phải chăng sẽ được người tiêu dùng thu nhập thấp lựa chọn.