Daniel Ellsberg: Người nguy hiểm nhất nước Mỹ

Daniel Ellsberg: Người nguy hiểm nhất nước Mỹ - Kỳ 2: Phục vụ cỗ máy chiến tranh

Năm 1959, Ellsberg đến làm việc tại RAND - viết tắt của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển – ra đời năm 1946 do quân đội Mỹ thành lập nhằm nghiên cứu tình hình thế giới sau sự xuất hiện của vũ khí nguyên tử. Đầu những năm 1950, tổ chức này đóng vai trò chủ yếu trong việc nghiên cứu chính sách quân sự cho chính phủ Mỹ.

Khi bắt đầu đến RAND làm việc, Ellsberg mới 28 tuổi. Đến năm 1960, ông đã được coi là một trong những chiến lược gia phân tích chiến tranh trẻ tuổi hàng đầu của Mỹ. Quá trình nghiên cứu luận án tiến sỹ tại Đại học Havard với đề tài “Ra quyết định trong những tình huống thông tin không rõ ràng” đã được Ellsberg mang ra áp dụng khi làm việc cho RAND, trong đó ông nghiên cứu các tình huống chính phủ Mỹ với những thông tin mơ hồ sẽ phải lựa chọn có sử dụng vũ khí hạt nhân hay không, và nếu lựa chọn thì sẽ phải tiến hành như thế nào.

D.Ellsberg phát biểu trong một cuộc gặp gỡ với các cựu chiến binh tại Oasinhtơn.


Sáng ngày 4/8/1964, Ellsberg bắt đầu nhận công việc chính thức tại Lầu Năm Góc, trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ, với tư cách là thành viên một nhóm nghiên cứu hoạch định chính sách đối với Việt Nam, trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara. Cũng trong ngày làm việc đầu tiên này, Ellsberg đã trực tiếp nhận những tin tức liên quan đến vụ thứ hai trong “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”.

Những bức điện khẩn được chuyển về từ hạm đội tàu chiến của Mỹ thông báo chúng liên tiếp bị các tàu phóng ngư lôi của Bắc Việt tấn công khi đang làm nhiệm vụ tuần tra trên hải phận quốc tế thuộc Vịnh Bắc Bộ. Qua tay Ellsberg, các bức điện được báo cáo lên McNamara rồi Tổng thống Johnson.

Vin vào “vụ tấn công” này, chính quyền của Tổng thống Johnson đã đệ trình lên Quốc hội Mỹ xin tăng cường nguồn nhân lực và tài lực để mở rộng kế hoạch tham chiến tại Việt Nam.

Trong một buổi họp báo được truyền hình rộng rãi tới mọi người dân Mỹ ngay sau đó, Tổng thống Johnson khẳng định miền Bắc Việt Nam đã có “những hành động thù địch mới nhằm vào Mỹ” trên Vịnh Bắc Bộ và buộc Mỹ phải điều động các lực lượng quân sự tiến hành các biện pháp đáp trả. “Tôi sẽ ngay lập tức đề nghị Quốc hội thông qua một nghị quyết”, Johnson nói. Và ngay ngày hôm sau (5/8/1964), không quân Mỹ đã mở một loạt cuộc ném bom bắn phá nhiều mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam.

Nghị quyết mà Johnson nhắc đến chính là “Nghị quyết Đông Nam Á” (hay vẫn được biết nhiều hơn dưới cái tên “Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ”) mà Quốc hội Mỹ chính thức thông qua ngày 7/8/1964, theo đó cho phép chính quyền Mỹ hỗ trợ bất cứ quốc gia Đông Nam Á nào được xem là bị đe dọa bởi “sự hiếu chiến của Cộng sản”. Đây là cái cớ để Mỹ tiến hành leo thang cuộc chiến tranh tại Việt Nam, mặc dù trước đó Johnson khẳng định: “Chúng tôi vẫn không tìm cách mở rộng chiến tranh”.

Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, cái cớ để Mỹ leo thang chiến tranh ở Việt Nam.


Một diễn biến quan trọng nữa về cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam có sự tham gia trực tiếp của Ellsberg xảy ra đầu năm 1965. Chính phủ Mỹ đang có kế hoạch mở rộng cuộc chiến tại Việt Nam và Ellsberg là một trong những người tham gia xây dựng kế hoạch này: Ngày 10/2/1965, “Quân đội Bắc Việt” đã mở một cuộc tấn công vào khu nhà của cố vấn Mỹ ở Quy Nhơn.

Ngay sau khi trở về từ Văn phòng Bộ trưởng, sếp của Ellsberg đã lập tức gọi ông lên truyền đạt mệnh lệnh từ Bộ trưởng McNamara yêu cầu tìm kiếm bằng chứng về “những hành động tàn sát” của Việt Cộng trong các vụ tấn công mới nhất, đặc biệt là vụ ở Quy Nhơn. McNamara hy vọng những thông tin như vậy sẽ thuyết phục Tổng thống Johnson thay vì thực hiện các cuộc tấn công “ăn miếng trả miếng” như vụ 5/8/1964, Mỹ sẽ tiến hành ném bom hàng loạt vào miền Bắc. Trước đó, Ellsberg đã kiến nghị phản đối ném bom miền Bắc, nhưng trước mệnh lệnh của McNamara, ông không thể chối từ.

Ellsberg đến Phòng Tác chiến Tổng hợp của Bộ Quốc phòng và được giao một chiếc máy điện thoại kết nối trực tiếp tới Sở chỉ huy của quân đội Mỹ tại Sài Gòn. Phía đầu dây bên kia là một viên đại tá. Ellsberg đề nghị ông ta cung cấp mọi thông tin chi tiết về “các hành vi tàn ác của Việt cộng”, bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào. Quan trọng hơn, phải có những thông tin về thương vong của lính Mỹ, để các thông tin này phải có mặt trên bàn làm việc của Tổng thống trước 7 giờ sáng hôm sau. “Tôi cần máu”, Ellsberg nói.

Cả đêm hôm đó Ellsberg thức trắng chờ đợi. Khoảng 4 giờ sáng hôm sau ông nhận được thông tin mình muốn. Viên đại tá thông báo: “Chúng tôi nhận được thông tin 2 chuyên gia Mỹ đã bị bắt và giết hại”. Có những dấu hiệu cho thấy họ đã bị trói bằng xích và lôi trên mặt đất. Sau khi hỏi thêm các thông tin chi tiết để khẳng định “sự thật” và tính chất bạo lực của sự việc, Ellsberg lập tức báo cáo lên thượng cấp. Lúc đó là 6 rưỡi sáng.

Thông tin trên chính là thứ McNamara đang cần. 9 giờ sáng, ngay khi vừa trở về từ Nhà Trắng, McNamara gọi điện cho sếp của Ellsberg nói rằng ông ta cảm ơn về thông tin Ellsberg cung cấp, Tổng thống Johnson đã bị thuyết phục. Ngay sau đó, Nhà Trắng công bố báo cáo về các vụ tấn công và hành động bạo lực của Việt Cộng, cho rằng Mỹ cần phải có phản ứng trước “những hành động khiêu khích trực tiếp cao hơn của chính quyền Hà Nội”.

Kết quả là một chiến dịch ném bom của Mỹ mang tên “Sấm rền” bắt đầu vào ngày 2/3/1965 với hơn 100 máy bay ném bom tấn công vào nhiều địa điểm ở miền Bắc. Thay vì diễn ra 8 tuần như dự kiến ban đầu, chiến dịch “Sấm rền” đã kéo dài trong 3 năm sau đó.

Vũ Hội (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ 3: Thay đổi từ chuyến đi tới Việt Nam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN