Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - 'tướng chính trị' và 'tướng chiến lược'

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được ghi nhận là người lãnh đạo xuất sắc của Đảng, của lực lượng vũ trang nhân dân. Ông đã có những đóng góp lớn vào việc xây dựng lực lượng vũ trang, phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam - đặc biệt trong cuộc đối đầu trực tiếp với quân viễn chinh Mỹ.

 

“Tướng chính trị”


Cũng có người đánh giá Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là Tướng chính trị. Điều đó không sai. Ông là nhà lãnh đạo chính trị xuất sắc của Đảng, của quân đội. Năm 1950, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cử vào quân đội, đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Tổng Quân ủy.


Trong việc xây dựng quân đội và chỉ đạo tác chiến, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn coi trọng yếu tố con người, yếu tố tinh thần, kế thừa tư tưởng quân sự đậm tính nhân văn Hồ Chí Minh với phương châm: “chính trị trọng hơn quân sự”; “người trước, súng sau” đã được Người căn dặn từ những ngày đầu thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (12/1944). Ông còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền nếp, chế độ công tác chính trị và phát huy sức mạnh của công tác chính trị trong lực lượng vũ trang nhân dân, làm cho công tác chính trị thực sự là linh hồn của quân đội.

 

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự chiến trường miền Nam ngày 5/7/1967. Ảnh tư liệu


Những năm đầu tiên xây dựng lại miền Bắc sau cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ và vinh quang, trên cương vị phụ trách Ban Nông nghiệp của Đảng (từ cuối năm 1960 đến năm 1964), đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã đi sát cơ sở để nghiên cứu, phát hiện, xây dựng và nhân rộng những mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp như Hợp tác xã Đại Phong (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), tạo thành phong trào thi đua Gió Đại Phong lan rộng trên miền Bắc. Những phong trào thi đua sôi nổi nhằm xây dựng, đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội như phong trào Sóng Duyên Hải trong ngành công nghiệp cơ khí, Trống Bắc Lý trong ngành giáo dục, Cờ Ba nhất trong các đơn vị quân đội... đều có sự đóng góp và chỉ đạo thiết thực của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

 

Đề xuất tư tưởng chiến lược đúng đắn, chỉ đạo chiến thuật sáng tạo

 

Khi cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam đang bước sang giai đoạn gay go ác liệt nhất, Đảng lại tin tưởng cử đồng chí Nguyễn Chí Thanh đảm trách những cương vị quan trọng: Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (1964 - 1967). Đây là thời điểm Mỹ ồ ạt đưa nhiều lực lượng quân sự, nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại vào miền Nam, tăng cường viện trợ để xây dựng ngụy quân và bộ máy chính quyền tay sai, quyết tâm biến miền nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới.

 

Câu hỏi đã được đặt ra ở thời điểm khó khăn đó là: “Ta có đánh được Mỹ ở miền Nam không? Đánh Mỹ như thế nào?” Để trả lời thấu đáo câu hỏi đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cùng các đồng chí ở Trung ương Cục miền Nam nghiên cứu kế thừa và phát triển truyền thống đánh giặc, tinh hoa nghệ thuật quân sự của ông cha, phân tích toàn diện so sánh thế và lực ta - địch trên chiến trường và trên cả bình diện quốc tế để khẳng định quyết tâm dám đánh Mỹ và tin chắc là thắng Mỹ, xây dựng cách đánh Mỹ: “tiêu diệt địch đi đôi với phát triển chiến tranh du kích”, “đánh địch đi đôi với phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng”, “tác chiến đi đôi với địch vận để làm tan rã từng mảng địch”, “chỉ đánh giặc không thì chưa đủ mà còn phải làm công tác chính trị tốt trong quần chúng”...


Trên chiến trường, đồng chí chỉ đạo bộ đội, du kích thực hiện chiến thuật “ở gần, đánh gần”, “bám thắt lưng địch mà đánh”. Thực hiện thành công cách đánh đó, lực lượng cách mạng ở miền nam nói chung và lực lượng vũ trang tập trung nói riêng đã đánh thắng ý đồ "phân tuyến" của Mỹ - ngụy, hạn chế tối đa uy lực phi pháo của địch trên chiến trường.Những chiến thắng vang dội của quân và dân miền Nam trong các trận Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài... đã chứng minh cách đánh này hoàn toàn phù hợp và đạt hiệu quả cao.

 

Chỉ trong một thời gian ngắn (1964 - 1967), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cùng Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền lãnh đạo, chỉ đạo phát động phong trào chiến tranh nhân dân rộng khắp, đánh địch bằng “hai chân, ba mũi”, trên cả ba vùng chiến lược, phát triển lực lượng chính trị của quần chúng đông đảo đồng thời xây dựng lực lượng bộ đội chủ lực ngày càng lớn mạnh, tạo thành những “quả đấm thép”, giáng những đòn chí mạng vào quân đội viễn chinh xâm lược Mỹ và quân đội Sài Gòn trong các chiến dịch mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967, tạo thế và lực cho cách mạng miền Nam phát triển lên những bước mới.

 

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh cũng đưa ra tư tưởng chiến lược: “Đánh gục ý chí xâm lược, đánh gục lòng tin vào chiến thắng của quân đội, của chính phủ Mỹ”. Đây là điểm mấu chốt để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh chống xâm lược của các nước yếu hơn về các chỉ số so sánh binh lực, hỏa lực, tiềm năng kinh tế... Các nước nhỏ yếu không thể đặt mục tiêu tiêu diệt hoàn toàn quân xâm lược mà phải đặt lên hàng đầu mục tiêu đánh thắng và chấm dứt cuộc xâm lược, đẩy quân xâm lược ra khỏi Tổ quốc thiêng liêng. Từ thực tiễn chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cùng Trung ương Cục miền Nam đưa ra những chỉ đạo ở tầm chiến lược: “Quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam trong thế bị động, thế thua, tương quan lực lượng không thể thay đổi được; ta cứ tiếp tục tiến công, chỉ có tiến công mới tiếp tục giữ thế chủ động và tiếp tục làm cho Mỹ - ngụy bị động suy yếu”...

 

Những kết luận của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã mang lại cho cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân miền Nam sự tự tin để quyết đánh và biết thắng quân viễn chinh Mỹ.

 

Những cống hiến to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về lý luận và thực tiễn chỉ đạo hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị đối với việc xây dựng quân đội ta là những bài học quý giá. Lịch sử nghệ thuật quân sự, lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận ông là vị tướng của những quyết định chiến lược ảnh hưởng tới toàn bộ cục diện cuộc đối đầu trực tiếp với quân viễn chinh hùng hậu của Mỹ trên chiến trường miền Nam.

 

 

T.S. Ngô Vương Anh

 

 

 

Vị nữ tướng huyền thoại của cách mạng miền Nam
Vị nữ tướng huyền thoại của cách mạng miền Nam

Tháng 3/1946, Nguyễn Thị Định (là phụ nữ duy nhất) cùng với đoàn cán bộ miền Nam đi một chiếc tàu đánh cá, theo đường biển từ Bến Tre đến Phú Yên rồi ra Bắc xin Trung ương chi viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN