Cuộc vây hãm thành Vienna - Kỳ 2:

Chỉ huy chiến trường Ernst Rudiger von Starhemberg, người được bổ nhiệm đứng đầu quân đội của Vienna, giờ đây là điều báo ứng chính của Mustafa. Nhiều người đã thất vọng về tính cách của nhà chỉ huy và cáo buộc ông là “nóng tính hơn là biết suy nghĩ”. Tuy nhiên, rất ít người nghi ngờ lòng dũng cảm của ông.


Mustafa, tể tướng của Ottoman.


Starhemberg điều khiển cuộc phòng thủ thành Vienna năm 1683 đầy kỷ luật. Ông ra lệnh dựng giá treo cổ ở những nơi công cộng và dùng chúng để xử những kẻ phạm tội. Ông vội vàng lao đến chỗ đặt súng và xây công sự ngay trước những cuộc công kích đầu tiên của quân Thổ vào ngày 14/7. Starhemberg cũng ra lệnh tất cả các ngôi nhà phải tháo dỡ mái gỗ để giảm thiểu nguy cơ cháy, tự làm gương trước bằng chính nhà mình.


Vienna đã sống sót qua 58 ngày chống lại những đợt sóng tấn công liên tiếp từ 130.000 người Hồi giáo ra sao?


Nhà quân sự George Rimpler đã thiết kế một mạng lưới phòng thủ hết sức khéo léo bao quanh thành phố và tạo cho người Áo một phương tiện để chống lại các đợt tấn công. Ông sử dụng các pháo đài, tức các tháp hình mũi tên trên tường thành, thay thế các chòi canh kiểu Trung cổ. Binh sĩ tập trung ở các tháp này có thể chứng kiến hàng ngũ di chuyển của địch theo 3 hướng cùng lúc và ngăn chặn họ tiếp cận. Hai tháp liền kề cho phép quân Vienna đánh chặn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từ 3 phía.


Rimpler cho dựng một hàng phòng ngự bằng đất phức tạp quanh Vienna. Nhưng tuyến bảo vệ chính lại là Canal, một phần của sông Danube, chảy qua bức tường phía đông bắc thành phố và có thể dâng lên bất kỳ lúc nào.


Chuỗi bảo vệ đầu tiên ở phía bờ ngoài con hào là dốc thoải, một mảnh đất trống khiến quân địch dễ bị lĩnh hỏa lực từ tuyến phòng thủ tiếp theo, một khu vực có cọc rào nhọn chôn chìm gọi là “con đường bao phủ”. Nó nằm trên mép ngoài con hào. Phía sau nó là một loạt đồn lũy hình tam giác. Đây là những nơi được dùng để cô lập bất kỳ cuộc đột phá nào của quân Thổ và bắt họ phải tìm mọi không gian để né tránh. Các đồn lũy này đánh yểm trợ cho quân lính ở “con đường bao phủ”.


Quân phòng thủ ở các đồn lũy tam giác và tường ngoài hào nhận được thêm sự hỗ trợ từ pháo và các tay thiện xạ trên tường thành đằng sau họ. Rimpler củng cố mạng lưới phòng thủ theo vòng này bằng cách kết nối chúng với những con đường ngầm đi tắt, vốn là các công sự gỗ trong lòng đất để bảo vệ quân lính. Mỗi đường tắt này có hình chữ V để dẫn những kẻ tấn công vào một khu vực chật chội, nơi chúng sẽ lĩnh hỏa lực tàn khốc của các tay súng ở hai bên.


Quang cảnh trận chiến.


Một nguyên nhân nữa khiến những người phòng thủ thành Vienna thành công là họ đã gây ra rất nhiều sự tiêu hao sinh lực cho quân Thổ. Những người bảo vệ thành tổ chức các cuộc phản công đẫm máu, trong đó có phóng lửa, đấu kiếm giáp láp cà. Thương vong nặng nề đã khiến quân của Mustafa phải trì hoãn, và tạo ra thời gian nghỉ ngơi quý báu cho quân hoàng gia.


Người Áo cũng phá hoại hàng ngũ quân Ottoman bằng những loại thuốc nổ kinh hoàng. Một trong số đó là Mordschlage (cú đánh chết người). Đó là một loại mìn dễ cháy gồm những ống chứa chì và thuốc súng để bắn về phía quân địch. Khi dính đạn, việc dập lửa gặp rất nhiều khó khăn. Quân phòng thủ chất đầy mìn Mordschlage lên một chiếc xe rồi kết hợp với các chất nổ khác, đẩy nó về phía đối phương.


Người Vienna còn lợi thế nữa là tận dụng vũ khí cầm tay có thể vươn xa hơn kiếm của quân địch và ngăn họ tới gần mình. Một vũ khí như vậy đã được cải tiến bằng cách buộc chặt lưỡi hái vào một cây gậy dài, cho phép người Vienna chém đối phương từ khoảng cách xa. Janissarry, quân đội tinh hoa của Ottoman, đã tỏ ra khinh thường những cây giáo vốn chỉ dành để “chiến đấu như những cỗ máy hơn là chiến binh”. Nhưng khi được người Vienna sử dụng ở đằng sau những chiếc cọc nhọn, chúng tạo thành một bức tường giáo cao, gây trở ngại rất lớn cho quân Thổ đang tiến đến. Trên thực tế, quân Thổ không thể tiến gần và phải chịu hàng loạt hỏa lực từ Vienna.


Tuy nhiên, lợi thế lớn nhất của quân Habsburg lại là những khẩu pháo vượt trội của họ. Quân Vienna đã khởi động một chương trình hiện đại hóa trước khi bị vây hãm bằng cách tiêu chuẩn hóa kích cỡ nòng pháo. Không giống pháo của Ottoman, pháo của Áo có độ chệch gió thấp hơn. Nếu nó quá nhỏ, đạn có thể va chạm với nòng, nhưng nếu quá lớn lại không đảm bảo tính chính xác. Hỏa pháo của Áo có độ chính xác và sát thương cao hơn của người Thổ.



Trần Anh

 

Đón đọc kỳ cuối: Thất bại của Ottoman

Cuộc vây hãm thành Vienna: Kỳ 1
Cuộc vây hãm thành Vienna: Kỳ 1

Khi người Ottoman âm mưu xâm chiếm Đế quốc La Mã Thần thánh vào năm 1683, người ta đã lo sợ mọi chuyện sẽ lặp lại hình ảnh của 230 năm trước. Khi đó, năm 1453, quân Ottoman tràn vào Constaninople, kinh đô của Đông La Mã, giết người, cướp của, hãm hiếp và tàn phá thành phố này.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN