Cuộc chiến chống gián điệp Mỹ trên đất Trung Quốc - Kỳ 3

Trước đây không lâu, Cục an ninh quốc gia Mỹ tuyên bố phát hiện trong đống hồ sơ giải mật một bản ghi chép về một sự kiện xảy ra từ 30 năm trước. Đó là việc máy bay tiêm kích J-5 của Trung Quốc bắn rơi một chiếc máy bay do thám Mỹ trên bầu trời đảo Hải Nam. Sự việc này cũng được chứng thực bởi Kỳ Đức Khởi, một phi công Trung Quốc từng tham dự trận đánh trên.

p J-5, loại máy bay do Trung Quốc sản xuất từng bắn tan xác máy bay do thám hiện đại của Mỹ năm 1970

9 giờ sáng ngày 10/2/1970, chuông cảnh báo của lực lượng phòng vệ biển Trung Quốc đột nhiên rung lên. Những chiếc máy bay tiêm kích J-5 (một loại máy bay chiến đấu do Trung Quốc sản xuất) lập tức rời đường băng vút vào không trung sục sạo tìm địch, khi lên tới độ cao khoảng 3.000 m thì phát hiện một chiếc máy bay do thám không người lái của Mỹ. Sau khi báo cáo tình hình với trung tâm chỉ huy, Kỳ Đức Khởi cùng các đồng đội được lệnh bỏ thùng dầu phụ, nhanh chóng tăng độ cao, tiếp cận máy bay địch để tấn công.

 

Tuy nhiên, khi những chiếc J-5 đạt được độ cao tối đa (16.000 m) thì chiếc máy bay do thám của Mỹ đã lượn lờ ở phía trên họ khoảng 2.000 m. Các phi công Trung Quốc không có cách nào để ra đòn đánh chặn. Đúng lúc này, một sự việc kỳ lạ đã xảy ra. Chiếc máy bay do thám của Mỹ đột ngột giảm độ cao, rơi vào tầm hỏa lực của những chiếc J-5. Theo phán đoán của phía Trung Quốc, chương trình bay của máy bay do thám không người lái của Mỹ thường được lập trình sẵn, có thể do chuẩn bị thực hiện hành trình trở về căn cứ, nên nó đã giảm độ cao. Không bỏ lỡ thời cơ, Kỳ Đức Khởi cùng các đồng đội nhấn nút. Chiếc máy bay do thám của Mỹ không có bất cứ tia hy vọng nào thoát thân, biến thành bó đuốc lao xuống cánh rừng thuộc khu Nhạc Đông trên đảo Hải Nam. Hơn 3.000 dân binh Trung Quốc đã được huy động để tìm xác máy bay Mỹ. Trong số những mảnh xác máy bay được tìm thấy, mảnh nặng nhất có trọng lượng trên 1.000 kg.

Máy bay tác chiến điện tử EA-6B của Mỹ cất cánh từ tầu sân bay.

Sau khi sự việc xảy ra, qua điều tra, phía Trung Quốc biết được rằng chiếc máy bay do thám không người lái này cất cánh từ miền Nam Việt Nam (khi đó đang bị Mỹ xâm chiếm), làm nhiệm vụ chụp ảnh đảo Hải Nam và Trung Quốc Đại lục. Ngày 16/2/1970, tại đại hội mừng công, chiến công của Kỳ Đức Khởi cùng đồng đội đã được Quân ủy Trung ương Trung Quốc ghi nhận.

 

Ngoài những điệp vụ do thám được ghi trong những trang hồ sơ giải mật của Trung Quốc, báo chí Mỹ cũng đã không ít lần tiết lộ về những vụ trinh sát đường không tuyệt mật do quân đội Mỹ tiến hành đối với Trung Quốc.

 

Tháng 3/1995, trong thời gian Trung Quốc tiến hành diễn tập ở vùng biển Đài Loan, bốn chiếc máy bay trinh sát điện tử EA-6B, sử dụng tín hiệu của F-16, giả vờ như những chiếc chiến đấu cơ, cất cánh từ tầu sân bay Kitty Hawk bay về phía lãnh thổ Trung Quốc. Mục đích của Mỹ là dụ Trung Quốc ra lệnh khởi động những đài rađa dẫn đường tên lửa để tìm hiểu cách thức tác chiến phòng không của lực lượng ra đa-tên lửa của Trung Quốc. Tuy nhiên, trò này đã bị phía Trung Quốc bóc mẽ.

 

Mùa hè năm 1996, một chiếc F-14 trên tầu sân bay Independence và một chiếc F-14 khác trên tầu sân bay Nimitz đã kiên trì theo dõi hoạt động của một chiếc tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc đang hoạt động ở vùng biển quốc tế ở Biển Đỏ. Phía Trung Quốc ra lệnh cho hai chiếc Su-27 bay lên đuổi máy bay Mỹ. Nhưng hai chiếc F-14 không có ý định bỏ mục tiêu. Các phi công Trung Quốc buộc phải “giở thủ đoạn”: bất ngờ tăng tốc vọt lên phía trước rồi quặt ngang chặn đường tiến của hai chiếc F-14. Những tên phi công Mỹ hoảng hồn kéo cần lái vọt lên trên để tránh, rồi “cúp đuôi” chuồn về căn cứ.

 

Ngày 9/5/2000, nghĩa là đúng một ngày sau khi máy bay Mỹ đánh bom trúng Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư, máy bay do thám Mỹ đã bay vào vùng trời Trung Quốc. Máy bay chiến đấu của Trung Quốc được lệnh khẩn cấp bay lên đánh chặn. Máy bay do thám của Mỹ vội vàng bỏ chạy.

 

Đầu tháng 3/2001, trong thời gian Trung Quốc triệu tập kỳ họp Lưỡng Hội (Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương chính trị toàn quốc) thì xảy ra sự kiện máy bay do thám Mỹ tiến hành hoạt động trinh sát trên Biển Đỏ và Biển Đông Trung Hoa. Máy bay Trung Quốc một lần nữa phải bay lên xua đuổi. Trưa ngày 6/3, hai chiếc máy bay do thám của Mỹ cất cánh từ Okinawa bay đến Biển Đỏ, tiến hành trinh sát cuộc diễn tập tầu ngầm của Hạm đội Bắc Hải. Bốn chiếc J-7 bay lên. Sau khi nhận đòn cảnh cáo, hai chiếc máy bay do thám của Mỹ đã phải quay đầu bay về căn cứ trên đảo Okinawa.

 

Minh Thành (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ cuối: EP-3 – Chiếc máy bay do thám từng gây sóng gió trong quan hệ Trung-Mỹ

Cuộc chiến chống gián điệp Mỹ trên đất Trung Quốc - Kỳ 2
Cuộc chiến chống gián điệp Mỹ trên đất Trung Quốc - Kỳ 2

Hạ tuần tháng 5/1951, Chiến tranh Triều Tiên bước vào giai đoạn quyết liệt chưa từng có. Sư đoàn 180 quân chí nguyện Trung Quốc bị vây khốn ở cách vĩ tuyến 38 hơn 100 km về phía nam. Trong quá trình đột vây, nhân viên báo vụ Trương Văn Vinh không may bị bắt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN