Kỳ 2: Những chiếc máy bay do thám bị bắn rơi
1. Chiến công của một tù binh Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên
Hạ tuần tháng 5/1951, Chiến tranh Triều Tiên bước vào giai đoạn quyết liệt chưa từng có. Sư đoàn 180 quân chí nguyện Trung Quốc bị vây khốn ở cách vĩ tuyến 38 hơn 100 km về phía nam. Trong quá trình đột vây, nhân viên báo vụ Trương Văn Vinh không may bị bắt. Đầu năm 1952, Trương Văn Vinh được tình báo Mỹ tuyển dụng, huấn luyện nghiệp vụ với hy vọng sau khi đánh về sẽ trở thành một đầu mối cung cấp tin tức quan trọng.
Máy bay vận tải C-46 của Mỹ |
Đêm 19/2/1952, sau khi khoác lên mình bộ quân phục quân chí nguyện do tình báo Mỹ cung cấp, kiểm tra súng ống, lựu đạn, bản đồ, đặc biệt là chiếc máy thu phát tín hiệu mini nguỵ trang trong áo trấn thủ, mang theo lời hứa sẽ được trọng thưởng sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Trương Văn Vinh cùng tổ tình báo của mình bước lên chiếc máy bay vận tải quân dụng C-46. Hai giờ sáng, máy bay cất cánh. Đang bay, đột nhiên máy bay xuất hiện tín hiệu cảnh báo. Viên chỉ huy người Mỹ vội vàng ra lệnh cho cả tổ tình báo của Trương Văn Vinh nhảy dù. Đến lượt mình, Trương Văn Vinh kín đáo rút chốt một quả lựu đạn tung vào trong máy bay, rồi lao ra ngoài không trung. Chiếc C-46 bùng lên như một ngọn đuốc còn Trương Văn Vinh tiếp đất an toàn.
Máy bay do thám P4M-1Q của Mỹ |
Hành động anh hùng của Trương Văn Vinh đã được chính viên phi công lái chiếc C-46, Harrison, chứng thực trong lời khai trước cơ quan an ninh Trung Quốc sau khi bị bắt (Harrison may mắn nhảy dù được trước khi máy bay nổ). Đáng tiếc là lúc đó người ta lại cho rằng hành động của Trương Văn Vinh quá lắm chỉ diễn ra trên màn ảnh. Do vậy, Trương Văn Vinh vẫn bị bắt giam để điều tra. Mãi tới ngày 29/3/1958, Phòng bảo vệ chính trị nội bộ Quân khu Bắc Kinh mới xác nhận tính chân thực của câu chuyện đánh máy bay C-46 do Trương Văn Vinh kể. Trong bức thư xác minh gửi Trương Văn Vinh, cơ quan này cho biết: Sau khi bị quân Mỹ bắt làm tù binh trên chiến trường Triều Tiên, Trương Văn Vinh đã bị ép buộc làm gián điệp cho tình báo Mỹ. Thừa cơ chuẩn bị nhảy dù, Trương Văn Vinh đã ném lựu đạn làm tan xác chiếc máy bay chở gián điệp của Mỹ, sau đó đến cơ quan chức năng đầu thú. Trương Văn Vinh đã có biểu hiện lập công, đề nghị khen thưởng.
2. Và sự thất bại của Mỹ trong chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay do thám P4M-1Q bị Trung Quốc bắn rơi
Đêm 22/8/1956, một chiếc máy bay do thám P4M-1Q của Mỹ cất cánh từ căn cứ quân sự Iwakuni (Nhật Bản), bay về hướng biển Đông Trung Hoa. Ba giờ sau, trên màn hình ra đa của lực lượng phòng không Trung Quốc xuất hiện một chấm nhỏ. Khi chiếc máy bay này xâm phạm vùng trời khu vực duyên hải phía đông Trung Quốc, các đài ra đa của lực lượng phòng không Trung Quốc được lệnh bám chắc mục tiêu. 45 phút trôi qua, chiếc P4M-1Q vẫn không chịu quay đầu trở về. Một chiếc Mig-17 vút lên không trung thực thi nhiệm vụ đánh chặn. Chiếc P4M-1Q nhanh chóng bị bắn hạ. Nhưng trước khi rơi xuống biển, viên phi công đã kịp cấp báo về trung tâm chỉ huy rằng chiếc P4M-1Q đã bị máy bay chiến đấu của Trung Quốc tấn công khi còn cách Trung Quốc Đại lục 50 km.
Tầu sân bay USS Boxer tham gia chiến dịch tìm kiếm cứu hộ chiếc máy bay do thám P4M-1. |
Nhằm ứng cứu viên phi công có khả năng còn sống sót và tránh trường hợp các thiết bị trinh sát hiện đại lắp đặt trên chiếc P4M-1Q rơi vào tay Trung Quốc, Tư lệnh Hạm đội 7 tức tốc ra lệnh cho tầu sân bay USS Boxer (CV-21) dẫn theo một biên đội tầu chiến tới khu vực biển xảy ra sự việc, tiến hành trinh sát, ứng cứu và mò vớt. Tuy nhiên, không ai biết vị trí chính xác chiếc P4M-1Q rơi ở đâu. Khi đội quân hùng hậu của Mỹ tới khu vực biển nghi ngờ chiếc P4M-1Q rơi thì vụ việc đã xảy ra được 24 giờ. Kết quả duy nhất người Mỹ gặt hái được trong toàn bộ chiến dịch tìm kiếm cứu nạn trên là họ đã vớt được 2 cái xác. Cộng với 2 cái xác phía Trung Quốc vớt được, tới nay người ta cũng chỉ biết rằng đã có 4 người Mỹ tử nạn trong vụ Trung Quốc bắn rơi chiếc máy bay do thám P4M-1Q năm 1956.
Minh Thành (Tổng hợp)
Đón đọc kỳ sau: Người Mỹ vẫn không nản lòng