Cuộc chiến chống gián điệp Mỹ trên đất Trung Quốc - Kỳ 1

Gần đây, báo chí Mỹ không ít lần đăng tải tin các nhà chức trách Mỹ hốt trọn một ổ "gián điệp Trung Quốc". Với họ, dường như cuộc chiến gián điệp giữa Mỹ và Trung Quốc đang có một cuộc đổi ngôi. Bởi trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thế giới từng chứng kiến quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc thông qua hàng loạt vụ án gián điệp, nhưng là do Mỹ tiến hành nhằm vào Trung Quốc. Ngược lại, hiện nay người Mỹ lại phải căng ra đối phó với "gián điệp Trung Quốc". Sự thể ra sao có lẽ chỉ những người trong cuộc mới biết rõ chân tướng. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng với những hồ sơ đã giải mật, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, người Mỹ đã không ít lần chuốc phải thất bại khi tiến hành các điệp vụ trên đất Trung Quốc.


Kỳ 1: Vụ đặt bẫy hoàn hảo năm 1952.


John Downey (trái) trong một lần nhận giải thưởng của Đại học Yale.


Tháng 6/1952, phân khu quân sự Diên Biên nhận được tin báo từ lực lượng dân binh địa phương rằng họ phát hiện thấy hai luồng ánh sáng, một từ mặt đất chiếu lên và một từ trên không rọi xuống, ở khu vực phía bắc hồ Trường Bạch Sơn Thiên (Cát Lâm, Trung Quốc). Ít lâu sau, người dân gần đó còn nhặt được mảnh vải dù trên in chữ tiếng Anh và ký hiệu quân đội Mỹ. Sau khi phân tích, bộ chỉ huy phân khu nhận định: Cơ quan tình báo Mỹ đã phái gián điệp nhảy dù xuống khu vực hồ Trường Bạch Sơn Thiên. Lực lượng an ninh lập tức được phái tới mai phục ở những điểm nghi ngờ phía Mỹ chọn làm bãi đáp cho bọn gián điệp. Đêm 19/10/1952, như kế hoạch đã định, 5 tên gián điệp Mỹ lao ra khỏi máy bay, bật dù lái về hướng bãi đáp. Ngoài 1 tên bị chết, 4 tên còn lại đã phải tra tay vào còng ngay khi vừa chạm mặt đất. Một kế hoạch tương kế tựu kế được vạch ra.

 

Dưới sự chỉ đạo của ban chuyên án, nhân viên điện đài trong ổ gián điệp Mỹ vẫn tiếp tục thực thi nhiệm vụ bình thường. Khi thời cơ chín muồi, ban chuyên án quyết định kéo lưới. Ngày nọ, trung tâm chỉ huy toán gián điệp Mỹ đánh vào lãnh thổ Trung Quốc ở Nhật Bản nhận được bức điện mật có nội dung: "Mọi nhiệm vụ đã được hoàn thành. Đề nghị cử máy bay đón trở về Tôkyô vào lúc 23 giờ ngày 29/11".


Máy bay C-47 của Mỹ.


Đúng hẹn, một chiếc C-47 mang theo 4 nhân viên thuộc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA): Norman Schwartz, Robert Snoddy, John Downey và Richard Fecteau lặng lẽ bay tới Diên Biên đón người. Đang lượn vòng ở phía trên bãi đáp, chiếc C-47 bất chợt lảo đảo, chúi đầu rơi xuống đất. Lưới lửa phòng không ngụy trang tiềm phục dưới mặt đất của phân khu Diên Biên đã không để nó có cơ hội trở về cố quốc. Schwartz và Snoddy chết tại chỗ. Fecteau và Downey nhanh chân bật cửa lao ra ngoài bung dù nhưng vẫn không thoát khỏi thiên la địa võng.

 

Sự việc vẫn chưa kết thúc. Gần 2 năm sau, một phiên tòa đặc biệt đã được mở để xét xử vụ gián điệp Mỹ, trong đó có Fecteau và Downey. Với tội danh huấn luyện, tổ chức cho đặc vụ thu thập tin tức tình báo liên quan đến khí tượng cũng như các thiết bị quốc phòng, mục tiêu khu công nghiệp của Trung Quốc, cứu hộ gián điệp…, Downey lĩnh án tù chung thân, Fecteau chịu khung hình phạt 20 năm tù giam, còn những tên gián điệp còn lại đều phải nhận sự trừng phạt thích đáng của pháp luật.

 

Tin vừa loan, cả nước Mỹ chấn động. Ngày 28/11/1954, Mỹ đưa ra kháng nghị qua đường ngoại giao, nhưng bị phía Trung Quốc bác bỏ. Ngày 21/1/1955, Tân Hoa xã tuyên bố: Trong khi hội đàm với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Dag Hammarskjold, Thủ tướng Chu Ân Lai biểu thị cho phép gia quyến của những tên tội phạm Mỹ tới Trung Quốc thăm thân. Không lâu sau, đích thân Tổng Thư ký Liên hợp quốc Dag Hammarskjold đã tới Bắc Kinh làm trung gian hòa giải giữa Trung Quốc và Mỹ xung quanh vụ án gián điệp. Kết quả thương thảo giữa hai bên được đề cập chi tiết trong những trang hồ sơ của chính phủ Trung Quốc vừa được giải mật như sau: "Ngày 24/5/1955, Tòa Quân sự thuộc Tòa án nhân dân tối cao tuyên án: Lập tức trục xuất 4 nhân viên không quân Mỹ, gồm Parks, Cameron, Heller và Fischer, phạm tội điều khiển máy bay quân dụng Mỹ xâm phạm vùng trời Trung Quốc từ tháng 9/1952 đến tháng 4/1953 để tiến hành các hoạt động gây rối loạn, làm nguy hại tới an ninh của Trung Quốc và cuộc sống hòa bình của nhân dân Trung Quốc. Văn kiện mật này không đề cập tới Fecteau và Downey. Trên thực tế Fecteau đã được thả tự do vào năm 1971 và Downey là 1973 sau khi Oasinhtơn thừa nhận họ là nhân viên tình báo CIA và có tham gia vào điệp vụ do thám (trước đó, sau khi không thấy chiếc C-47 quay trở lại, CIA đã bịa ra câu chuyện Fecteau và Downey là những nhân viên dân sự làm thuê cho Bộ Quốc phòng, gặp nạn tại vùng biển phía tây Nhật Bản trong một chuyến bay ra nước ngoài).


Minh Thành (Tổng hợp)


Đón đọc kỳ sau: Những chiếc máy bay do thám bị bắn rơi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN