Churchill và Roosevelt từng lên kế hoạch ám sát Tưởng Giới Thạch

Cùng ngồi chung chiếc ghế liên minh chống Nhật, nhưng Churchill và Roosevelt chỉ bằng mặt với Tưởng Giới Thạch mà không thể bằng lòng. Sự chia rẽ ngày càng lớn giữa Churchill, Roosevelt và Tưởng Giới Thạch đã làm nảy sinh những kế hoạch mưu sát chỉ được biết đến gần đây khi cơ quan lưu trữ Anh và Trung tâm nghiên cứu lịch sử Đại học Harvard (Mỹ) công bố một phần hồ sơ mật thời kỳ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

 

Kỳ 1: Mục tiêu chung của Churchill và Roosevelt

 

Từ ngày 22 đến 26/11/1943, tại Cairô (Ai Cập), các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Mỹ và Anh nhiều lần gặp gỡ thảo luận kế hoạch tác chiến chống quân Nhật và việc giải quyết vấn đề Viễn Đông. Hội nghị kết thúc, Tuyên ngôn Cairô ra đời, chỉ rõ mục đích tiến hành chiến tranh lần này của liên minh ba nước là nhằm ngăn chặn và trừng phạt hành động xâm lược của Nhật Bản, giành lại tất cả những hòn đảo ở Thái Bình Dương mà quân Nhật cướp hoặc chiếm được trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, trả lại Trung Quốc phần lãnh thổ đã bị quân Nhật lấy mất như Mãn Châu, Đài Loan, quần đảo Bành Hồ… Trong hội nghị, Thủ tướng Anh, Winston Churchill, Tổng thống Mỹ, Franklin Roosevelt và Ủy viên trưởng Ủy ban quân sự Trung Hoa Dân Quốc, Tưởng Giới Thạch đã dành cho nhau không ít lời khen ngợi. Tuy nhiên, đó chỉ là bề ngoài bởi đã mấy năm nay giữa họ xuất hiện ngày càng nhiều bất đồng.

 

Tưởng Giới Thạch (thứ nhất bên trái), Tống Mỹ Linh (thứ nhất bên phải) và Tổng thống Mỹ Roosevelt (thứ 2 bên trái), Thủ tướng Anh Churchill (thứ 2 bên phải) tại Hội nghị Cairô năm 1943.


Trước đó, ngày 20/11/1943, Tưởng Giới Thạch và Phu nhân Tống Mỹ Linh rời sân bay Ngô Gia Bá ở Côn Minh đi dự Hội nghị Cairô. Trên đường, chiếc chuyên cơ hạ cánh xuống sân bay thuộc căn cứ huấn luyện quân sự Udaipar ở bang Uttar Pradesh để Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh thị sát đội quân viễn chinh Trung Quốc đóng tại Ấn Độ, được trang bị 100% vũ khí của Mỹ. Xong việc, hai người tiếp tục lên đường đến Calcutta. Điều làm Tưởng Giới Thạch tức giận là viên toàn quyền Anh ở Ấn Độ chỉ phái cố vấn riêng đến sân bay đón. Đặc biệt, khi bước xuống cầu thang máy bay, không những vị Ủy viên trưởng này không được đi trên thảm đỏ, mà ngay cả đội quân nhạc cũng chẳng thấy đâu.

 

Kì thực, Churchill không chỉ đối xử lạnh nhạt, mà còn muốn mưu sát Tưởng Giới Thạch nhằm giữ vững những mảnh đất thuộc địa của Anh (để tranh thủ tình đoàn kết với nhân dân Ấn Độ trong công cuộc kháng Nhật, Tưởng Giới Thạch nhiều lần công khai hối thúc Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ), ngăn chặn sự lớn mạnh của Trung Quốc ở châu Á. Nhằm đạt được mục đích, Churchill đã cho triệu tập một hội nghị đặc biệt với sự tham gia của Tham mưu trưởng quân đội, Cục trưởng Cục tình báo lục quân… Hội nghị đã giao cho phó tùy viên lục quân Anh tại Trung Quốc, Đại tá ba sao Charles, toàn quyền phụ trách việc mưu sát Tưởng Giới Thạch và được tùy cơ ứng biến. Nhận lệnh, Charles cho thành lập ngay tổ hành động đặc biệt, chuẩn bị thực thi kế hoạch ám sát Tưởng Giới Thạch. Trước khi Hội nghị Cairô khai mạc, Charles về Luân Đôn nhận 3 quả mìn hẹn giờ gọn nhẹ, nhưng có sức công phá lớn mang sang Trung Quốc, dự định sẽ sử dụng để đặt vào chuyên cơ của Tưởng Giới Thạch khi đỗ ở Udaipar. Tuy nhiên, do lực lượng bảo vệ đi theo Tưởng Giới Thạch luôn đề cao cảnh giác, canh gác nghiêm ngặt, không cho bất cứ ai, ngoài thành viên trong đoàn Trung Quốc lại gần chuyên cơ, nên tay chân của Charles không thể hoàn thành được nhiệm vụ.

 

Về phía Mỹ, sau khi Hội nghị Cairô kết thúc, vợ chồng Tưởng Giới Thạch về nước, nhưng Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Trung Quốc, Tướng bốn sao J. Stilwell vẫn ở lại Cairô tiếp tục bàn bạc tình hình chiến trường Trung Quốc và chiến trường Miến Điện (Mianma ngày nay) với Roosevelt. Vừa ngồi xuống, Tướng Stilwell đã bày tỏ sự bất bình khi cho biết Tưởng Giới Thạch chỉ muốn Mỹ điều động đến Trung Quốc mấy chục vạn lính để đánh một trận sống mái với quân Nhật, còn mình thì tìm mọi cách “giữ sức” để đối phó với Đảng Cộng sản Trung Quốc và lực lượng vũ trang do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Đặc biệt, hai tháng trước khi Stilwell lên kế hoạch sử dụng 4 sư đoàn của Trung Quốc đóng ở Ấn Độ phản công Miến Điện, Tưởng Giới Thạch đã từ chối không cho 13 sư đoàn chính quy, được trang bị 100% vũ khí của Mỹ từ Trấn Tây tiến vào Miến Điện phối hợp tác chiến. Nghe vậy, Roosevelt cau mày khó chịu: “Tưởng Giới Thạch, con người này quả là cố chấp, chỉ biết nghĩ đến lợi ích bản thân, không thèm chú ý đến đại cục. Đối với hạng người này, chúng ta rất khó có tiếp tục hợp tác hiệu quả. Vấn đề nan giải đây”. Bày tỏ sự thông cảm với hoàn cảnh hiện nay của Stilwell, ông chủ Nhà Trắng quyết định ra lệnh cho vị tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Trung Quốc: “Nếu không thể chung sống cùng Tưởng Giới Thạch, lại không có cách nào phế truất họ Tưởng thì hãy cho ông ta biến mất vĩnh viễn”. Mấy ngày sau, Stilwell trở lại Trung Quốc, truyền đạt mật lệnh miệng của Roosevelt cho cấp phó của mình là chuẩn tướng Donne, ra lệnh cho Donne khởi động chiến dịch mưu sát Tưởng Giới Thạch mang mật danh “Cá voi xanh”. Chỉ lệnh quy định thời gian thực hiện là 3 tháng, nếu quá chiến dịch sẽ phải tự động kết thúc.

 


Minh Thành (Theo Youth Reference và Chinareviewnews)


Đón đọc kỳ sau: Âm mưu bí mật tại Đại sứ quán Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN