Chiến tranh Nga - Pháp năm 1812: Giải mã thất bại của Hoàng đế Napoleon - Kỳ I

Chiến tranh Nga - Pháp năm 1812, còn được gọi là Chiến tranh Ba Lan lần thứ hai hoặc ở Nga là Chiến tranh Vệ quốc năm 1812, là một thất bại chiến lược đối với Napoleon và là một trong những chiến dịch quân sự chết chóc nhất trong lịch sử, khiến khoảng 1.000.000 người chết.

Kỳ 1: Napoleon và tham vọng chiếm nước Nga 

Chú thích ảnh
Quân đội của Napoleon vượt sông Niemen, bắt đầu cuộc xâm lược Nga năm 1812.

Giữa dòng sông Niemen (còn gọi là Neman, một con sông lớn ở Đông Âu) hiền hòa, trên một chiếc bè được dựng lên vội vã, hai vị hoàng đế quyền lực nhất châu Âu đang đứng đối diện nhau.

Một người là Napoleon Bonaparte, bậc thầy chiến thuật lừng danh, người đã làm rung chuyển cả lục địa già. Người kia là Sa hoàng Alexander I của Nga, vị vua của một đế chế rộng lớn trải dài từ châu Âu sang châu Á. Cuộc gặp gỡ lịch sử này, sau chiến thắng của Napoleon tại Friedland, đã sinh ra Hiệp ước Tilsit, một liên minh tưởng chừng sẽ định hình lại trật tự thế giới.

Hiệp ước Tilsit, thoạt nhìn, mang đến một giai đoạn hòa bình mong manh cho châu Âu. Nga, dưới sức ép của Napoleon, buộc phải tham gia Hệ thống Lục địa, một liên minh nhằm cấm vận thương mại nhắm vào Anh Quốc. Đại Công quốc Vácsava, một quốc gia chư hầu của Pháp được thành lập từ các vùng lãnh thổ Ba Lan, cũng được Nga công nhận. Đổi lại, Napoleon hứa hẹn hỗ trợ Nga trong cuộc chiến chống lại Đế chế Ottoman và bật đèn xanh cho Nga xâm lược Phần Lan. Hai vị hoàng đế bắt tay nhau, chia đôi châu Âu và thế giới dường như chìm trong giấc ngủ yên bình.

Nhưng đó chỉ là lớp vỏ bọc mỏng manh che giấu những tham vọng ngầm và những mâu thuẫn âm ỉ. Giới quý tộc Nga chưa bao giờ chấp nhận thất bại trước Napoleon. Họ khát khao phục thù, khao khát lấy lại danh dự đã mất. Napoleon, bằng sự kiêu ngạo của mình, đã vô tình gieo mầm bất hòa. Ông cản trở giấc mơ bành trướng của Alexander ở Constantinople và Balkan, chặn đứng con đường của Nga tới Địa Trung Hải.

Sự tồn tại của Đại Công quốc Vácsava, với nguy cơ hồi sinh một vương quốc Ba Lan hùng mạnh ngay sát biên giới Nga, càng làm gia tăng nỗi lo sợ của Sa hoàng. Alexander coi đó là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và yêu cầu Napoleon cam kết bằng văn bản sẽ không phục hồi Ba Lan. Nhưng Napoleon, với tầm nhìn chiến lược của mình, lại xem Ba Lan như một bức tường thành vững chắc chống lại sự bành trướng của Nga và ông từ chối.

Căng thẳng leo thang khi Napoleon sáp nhập Tây Galicia vào Công quốc Vácsava năm 1809 và đỉnh điểm là việc Nga rút khỏi Hệ thống Lục địa vào cuối năm 1810. Nền kinh tế Nga, phụ thuộc vào xuất khẩu nông sản, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh cấm vận Anh, đối tác thương mại chủ yếu của Nga. Đồng rúp mất giá chóng mặt, khủng hoảng tài chính bùng nổ. Napoleon cảm thấy bị phản bội và đến mùa xuân năm 1811, chiến tranh giữa hai đế chế đã trở thành điều không thể tránh khỏi.

Không giống như những lời đồn đại, Napoleon không hề coi thường nước Nga. Ông hiểu rõ những khó khăn phía trước: địa hình rộng lớn, dân cư thưa thớt, thiếu đường sá, khí hậu khắc nghiệt và đặc biệt là mùa đông nước Nga lạnh giá. Nhưng ông tin rằng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tốc độ hành quân thần tốc, ông có thể kết thúc chiến tranh trước khi mùa đông ập đến.

Napoleon tuyên bố: "Chúng ta không thể mong đợi gì từ vùng nông thôn đó và do đó, phải mang theo mọi thứ". Đại quân của ông, Grande Armée (đội quân lớn của Pháp), sẽ không sống bằng cách cướp bóc lương thực, mà sẽ dựa vào một đoàn xe tiếp tế khổng lồ, vận chuyển lương thực từ các kho dự trữ ở thung lũng sông Vistula.

Từ mùa thu 1810 đến mùa hè 1812, Napoleon xây dựng một đội quân hùng mạnh chưa từng có: 615.000 binh sĩ, 200.000 ngựa và 1.372 khẩu pháo. Một đội quân đa quốc gia, tập hợp từ khắp châu Âu dưới ách thống trị của Pháp, nhưng lòng trung thành của họ vẫn là một dấu hỏi lớn.

Đội quân được chia làm ba tuyến. Tuyến đầu, với 449.000 quân, đóng dọc theo sông Niemen, biên giới với Nga. Ba đạo quân, do Napoleon, con riêng Eugène và em trai Jérôme chỉ huy, sẵn sàng vượt sông. Quyết định giao trọng trách cho những người thân thiếu kinh nghiệm đã gây ra nhiều tranh cãi. Tuyến thứ hai, với 165.000 quân, sẽ là lực lượng dự bị, trong khi tuyến thứ ba, 60.000 quân, bảo vệ hậu phương.

Phía Nga, mặc dù có quân số đông hơn (650.000), nhưng lực lượng lại phân tán khắp đế chế rộng lớn. Chỉ có khoảng 250.000 quân và 900 khẩu pháo đóng tại các tỉnh phía Tây, sẵn sàng đối đầu với Napoleon. Ba đạo quân Nga, do Barclay de Tolly, Peter Bagration và một tướng lĩnh từ Balkan chỉ huy, chờ đợi cuộc đối đầu không thể tránh khỏi.

Ngày 23-24/6/1812, Napoleon phát động cuộc xâm lược. Quân Pháp vượt sông Niemen, tiến vào lãnh thổ Nga mà gần như không gặp kháng cự. Tuy nhiên, một điềm gở đã xuất hiện: khi Napoleon đang say sưa chứng kiến cảnh tượng hùng tráng này, con ngựa của ông bất ngờ hoảng sợ, hất tung hoàng đế xuống đất.

Napoleon không muốn chinh phục nước Nga, mà muốn nhanh chóng tiêu diệt quân đội Nga, buộc Sa hoàng phải cầu hòa. Ông hy vọng sẽ kết thúc chiến dịch trong vòng ba tuần.

Nhưng Barclay de Tolly, tổng tư lệnh quân đội Nga, đã lường trước được kế hoạch của Napoleon. Ông quyết định thực hiện một chiến lược "tiêu thổ": vừa rút lui vừa thiêu rụi tất cả.

Đón đọc kỳ cuối: Chiến lược của Nga và sai lầm của Hoàng đế Napoleon

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo worldhistory)
Kỳ tích của những chú chó giúp Alaska chống dịch bệnh chết người cách đây 100 năm - Kỳ 1
Kỳ tích của những chú chó giúp Alaska chống dịch bệnh chết người cách đây 100 năm - Kỳ 1

Một thế kỷ trước, thế giới đổ dồn chú ý đến đợt bùng phát dịch bạch hầu nguy hiểm ở Nome, bang Alaska (Mỹ). Tuy nhiên, những đàn chó kéo xe trượt tuyết anh hùng đã giúp vận chuyển thuốc băng qua Alaska băng giá để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN