"Chiến sĩ" Thông tấn xã Việt Nam trên đất Lào

Chuyên gia các ngành của Việt Nam cũng như quân tình nguyện hoạt động ở Lào đều được nhân dân nước bạn gọi một cách trìu mến là "ải noọng" (anh em!), còn các ông bà cao tuổi thường xưng hô "bô, con" "mẹ, con".


Chuyên gia nhiếp ảnh VNTTX Hoàng Kim Hùng (người mặc áo trắng) hướng dẫn các học viên Lào về cấu tạo máy phóng ảnh (tháng 3/1961). Ảnh: tư liệu


Riêng đoàn chuyên gia TTXVN trở lại thăm chiến trường xưa (năm 2005) sau khi đến thành phố Luông Pha Bang, Phôm Chăn Luông (cố đô của đất nước Lạn Xạng), trong cuộc đón tiếp thân tình ấm cúng của các bạn đồng nghiệp cũ, đồng chí Văn Thoong PCH nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Lào - KPL đã bày tỏ những lời thốt ra tự đáy lòng "Đón các đồng chí, chúng tôi không dùng cụm từ "cựu chuyên gia" vì không bao hàm đầy đủ ý nghĩa cao cả.

Đối với các cựu chuyên gia Việt Nam đã giúp đỡ KPL (TTX Lào) trong thời kỳ gian khó nhất, chúng tôi gọi các đồng chí là "A Vu Xổ"... (bạn thường dùng cụm từ "A Vu Xổ" đối với những người được họ tôn kính). Còn tôi - một bạn đọc - tôi muốn gọi các anh là CHIẾN SĨ sau khi đọc "Sống mãi một tình yêu".

Vâng! Các anh chuyên gia TTXVN lăn lộn ở chiến trường Lào đúng là những chiến sĩ thực thụ. Sự chịu đựng hy sinh gian khổ của các anh chẳng khác gì các chiến sĩ xông pha ngoài chiến địa. Với 30 bài ghi chép, tác giả - một chuyên gia kỳ cựu trong ngành thông tấn đã kể lại rất chi tiết, cụ thể từ tên người, thời gian, địa điểm, diễn biến, theo sát từng bước chân của các "chiến sĩ" TTXVN.

Xin nêu một đoạn kể về một tổ phóng viên TTX: Tổ có 3 người - Vũ Viết Thành là phóng viên làm tổ trưởng, một điện báo viên tên Cường và bạn Lào Thoong Đăm. Họ sống giữa rừng rậm, nhà ở bằng tre nứa, lợp lá "bay toọng" có chuồng nuôi gà lợn. Để có gạo ăn, các anh phải đến Tổng kho nằm trên đường Trường Sơn, đi về mất 3 ngày, qua núi cao vực thẳm, qua nhiều đoạn đường "tọa độ".

Có lần trên đường về cùng mấy anh em ở tổ chuyên gia khác, đoàn đã lọt vào tọa độ B.52 rải thảm. Cây rừng bị bom phát ngang, đất đá khói bom phủ kín. Nhờ trốn nhanh vào một gốc săng lẻ, tổ trưởng Thành thoát nạn... Vác gạo thất thểu đi về cơ quan ở Na Tơi (tỉnh Xà vằn) thì nhận được tin địch mở chiến dịch đánh chiếm vùng giải phóng.

Cơ quan cùng tổ TTX được lệnh chuyển đến địa điểm mới, lại tiếp tục hành quân ngày này qua ngày khác, mang vác đồ nghề, leo dốc vượt đèo "khi lên, mặt úp vào vách đá/khi xuống lưng phơi nắng lửa hầm" (Thơ Vũ Viết Thành). Vừa đến địa điểm mới (phía Nam tỉnh Miền Đông - Hạ Lào), vừa đào xong hầm ở, đặt máy thu phát tin, trèo lên ngọn cây cao mắc ăng ten xong, lại có lệnh tức tốc theo các cánh quân của ta tiến đánh sâu vào vùng địch hậu Hạ Lào.

Lại hành quân. Cường và bạn Lào Thoong Đăm vác máy thu phát 15W, 2 bộ ăng ten, gạo ăn đường) tổ trưởng thành đeo máy quay Gavônô một lồng gà có 4 gà con, Khoác khẩu K.54 đi trước (mới được trang bị cho tổ trưởng đề phòng phỉ).

Chiều tối nghỉ lại một bản bỏ, không có dân, cây dại ngập đầu. Vừa đặt đồ đoàn xuống, một quả bom nổ chậm phát nổ, cách chỗ nghỉ không xa, một chuyên gia kinh tế tên là Phương quê Thái Bình hy sinh tại chỗ... Một hôm khác đang phiên lên sóng, một quả bom tấn nổ cách lán hầm 30m cây đổ làm sập hầm, Thành và Thoong Đăm bị hất ra khỏi ghế, còn Cường (điện báo viên) ngã nằm sấp bất động, máy 15w đè lên lưng.

Máy móc, vật tư, thiết bị được VNTTX chuyển sang Lào giúp Thông tấn xã KPL. Ảnh: Tư liệu


Hai anh em thay nhau làm hô hấp nhân tạo, hồi lâu Cường mới tỉnh. Ngay chạng vạng tối đó, anh em lại trèo cây mắc ăng ten, kê lại máy, quay gavônô, tiếp tục phát sóng. Tin bài phản ảnh về chiến thắng của quân dân Lào mùa xuân 1968 đã kịp gửi về Tổng xã Phu Khe (Sầm Nưa).

Ba anh em đã ôm chặt lấy nhau, nhảy cẫng lên reo mừng lúc được nghe buổi phát thanh đêm của đài phát thanh Pathét Lào đưa tin chiến thắng nóng hổi tới mọi miền đất nước và quốc tế.

Các chiến sĩ TTXVN không chỉ vượt qua mọi gian lao để thực thi nghề nghiệp mà còn có công đào tạo phóng viên tin, phóng viên ảnh cho bạn, giúp bạn từ tay không xây dựng nên hệ thống KPL (TTX Lào) có đủ cán bộ kỹ thuật, thiết bị, ngân hàng tin ảnh... Các anh thật xứng đáng với sự tôn vinh của các đồng nghiệp Lào với cụm từ "A Vu Xổ".

"Sống mãi một tình yêu" không chỉ ghi chép về hoạt động của các "chiến sĩ" TTXVN giúp bạn Lào (gồm phóng viên tin, phóng viên ảnh) mà còn dành những trang viết xúc động, thắm đẫm tình hữu nghị Việt Nam - Lào của chuyên gia các ngành khác như Tuyên huấn, Giáo dục, Kinh tế, Biên soạn sách...

Đặc biệt những ghi chép của Nguyễn Thế Nghiệp về lời dạy của Bác Hồ và những hành xử thắm thiết tình Hữu Nghị Lào - Việt Nam của các vị lãnh đạo đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.

Hoan nghênh tác giả, NXB QĐND, đã cho ra mắt một tác phẩm mới rất phù hợp với "Năm đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Lào" (năm 2012).

Phan Sĩ Quán (Cựu chuyên gia báo chí giúp Lào)
Những nhà báo chiến sỹ  của Thông tấn quân sự
Những nhà báo chiến sỹ của Thông tấn quân sự

Phòng Thông tấn quân sự thuộc biên chế Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhưng từ khi thành lập, mọi phân công nhiệm vụ, hoạt động tác chiến, đào tạo nghiệp vụ… lại gắn bó ruột thịt với TTXVN, như một bộ phận không thể tách rời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN