Những nhà báo chiến sỹ của Thông tấn quân sự

Phòng Thông tấn quân sự thuộc biên chế Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhưng từ khi thành lập, mọi phân công nhiệm vụ, hoạt động tác chiến, đào tạo nghiệp vụ… lại gắn bó ruột thịt với TTXVN, như một bộ phận không thể tách rời.


Những năm tháng không quên

Nhà báo Nguyễn Dĩnh, nguyên Trưởng phòng Thông tấn quân sự, cho biết Phân xã Thông tấn Quân đội (thường gọi là Thông tấn quân sự) được thành lập ngày 19/7/1962 theo quyết định của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị với biên chế ban đầu gồm 4 đồng chí.

Từ khi thành lập, Thông tấn quân sự “đóng đô” ở ngay trụ sở Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX), số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, phóng viên Thông tấn quân sự luôn sát cánh cùng phóng viên VNTTX ở khắp các chiến trường. Các thông báo chiến sự, tin bắn rơi máy bay Mỹ từ Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, được phòng Thông tấn quân sự phát qua VNTTX luôn được các cơ quan báo chí và nhân dân cả nước trông đợi.

Ðại tá Trọng Bảo, nguyên Trưởng phòng Thông tấn quân sự, không thể nào quên những năm tháng đó: Hàng ngày, các đồng chí lãnh đạo VNTTX thường xuyên có mặt để chỉ đạo, động viên, biên tập từng dòng tin từ chiến trường gửi về, hồi hộp chờ tin thắng trận, lo lắng dõi theo từng bước phóng viên hoạt động trong vùng địch. Nhiều phóng viên Thông tấn quân sự như Lương Nghĩa Dũng, Thẩm Ðức Hòa, Trần Dũng, Vũ Tạo, Lê Minh, Mai Ðông Hải, Nguyễn Hữu Chí, Văn Ðức Luyện, Hứa Kiểm, Hoàng Thiểm, Ngọc Ðản, Nguyễn Dĩnh… đã coi VNTTX là ngôi nhà thân yêu thứ hai của mình. Các anh có mặt khắp các trận địa pháo chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ đến các tuyến lửa đường 5 Hải Phòng, Nam Ngạn-Hàm Rồng, Quảng Bình, Vĩnh Linh… và vào thường trú B2 (chiến trường các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long), B3 (Tây Nguyên), B5 (mặt trận giới tuyến 17 và tỉnh Quảng Trị).

Để phản ánh kịp thời cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam và tăng cường thông tin về các lực lượng vũ trang ta đang chiến đấu chống Mỹ cứu nước bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Phòng Thông tấn quân sự liên tục được bổ sung cán bộ. Cao điểm năm 1969, phòng có tới 29 người với ba tổ công tác: tổ tin Miền Bắc, tổ tin Miền Nam và tổ Ảnh.

Đại tá Trần Dũng, nguyên Trưởng phòng Thông tấn quân sự, trong bài viết đăng trên Nội san Thông tấn số 8/1997, nhớ lại những ngày đầu: "Tuy không thông thạo nghiệp vụ báo chí, chưa qua bất kỳ lớp huấn luyện nào, nhưng với truyền thống người lính “mệnh lệnh là chức trách” nên anh em đã chủ động đặt mối quan hệ với cơ quan tham mưu tác chiến các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng và các chiến trường, vừa nắm tình hình tác chiến vừa tổ chức các mũi phóng viên tin ảnh cùng phóng viên, nhân viên kỹ thuật VNTTX bám sát các đơn vị chiến đấu và đi theo các chiến dịch”.

Với những trận đánh lớn, những đơn vị đánh giỏi, Phòng còn có tin tường thuật, tổng hợp và bình luận kèm bản đồ chiến sự. Cứ thế, hàng nghìn dòng tin, bức ảnh cùng nhiều bài tường thuật xúc động gửi về từ khắp nơi chiến trường, phát qua VNTTX, đến tay bạn đọc.

Chuyện kể từ những nhà báo quân sự

“Tôi nhận lệnh mang phim ảnh và tin tức phi thẳng từ Sài Gòn về tới Hà Nội ngay sau khi Sài Gòn được giải phóng ngày 30/4/1975. Cùng với đồng chí Phó Tổng biên tập Đỗ Phượng, tôi trực tiếp lên báo cáo với các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp trong niềm tự hào và phấn khởi vô bờ bến. Tay tôi lật nhanh từng bức ảnh để trình lãnh đạo cho đến khi đồng chí Lê Duẩn nói to: Dừng lại! Đó là một bức ảnh nhân dân Sài Gòn đổ ra đường đón chào Quân giải phóng. Trong con mắt của những người đứng đầu Đảng và Nhà nước, tôi thấy rơm rớm lệ…”, nhà báo Hoàng Thiểm, phóng viên Phòng Thông tấn quân sự, kể lại đầy xúc động trong một cuộc gặp gỡ những phóng viên Thông tấn từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh tại trụ sở TTXVN.

Câu chuyện nhà báo Hoàng Thiểm lấy chiếc xe Zeep trắng trong Dinh Tổng thống ngụy phi thẳng đến Ðà Nẵng rồi dùng máy bay C130 của địch để bay ra Hà Nội, mang theo toàn bộ tài liệu, phim ảnh chỉ hai ngày sau giải phóng đã trở thành bất hủ mỗi khi anh chị em phòng Thông tấn quân sự có dịp quây quần.

Cùng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh với Hoàng Thiểm còn có một phóng viên nữa của Phòng - Thiếu úy Ngọc Ðản, lúc đó mới 24 tuổi. Ði cùng Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn xe tăng 203 là cánh quân tiến thẳng vào Sài Gòn, Hoàng Thiểm và Ngọc Ðản may mắn có mặt ở Dinh Ðộc lập đúng 11 giờ 24 phút.

Trong khi đó, tại Tổng xã, kíp biên tập tin chia nhau, người vào Bộ nắm tình hình, người trực máy ở trụ sở VNTTX.

Ðại tá Trần Dũng kể lại: "Tôi cùng anh Lê Minh trực tiếp soạn “Tin mới nhận”: Quân giải phóng đã đánh chiếm Dinh Ðộc lập. Văn Ðức Luyện mang giấy bút, đồ nghề sang Cục Tác chiến vẽ sơ đồ 5 cánh quân vào Sài Gòn. Ðến 14 giờ, sau khi Bộ duyệt xong, xe chúng tôi ra đến Cửa Ðông, không hiểu vì sao bà con Cửa Ðông đã biết tin, đổ ra đường hoan hô. Chúng tôi đành “vô nguyên tắc” dừng xe, phát tán bản tin cho bà con cùng đọc. Cứ thế, qua Tràng Tiền, cả tập tin chiến thắng chỉ còn duy nhất một bản. Chúng tôi vội vã cho xe chạy về cơ quan VNTTX thì bánh pháo mừng chiến thắng của cơ quan từ gác 5 buông xuống vừa nổ xong, thuốc pháo còn mù mịt. Tôi vội xuống xe, nộp tin chính thức lên Phó Tổng biên tập Ðỗ Phượng ngay giữa cổng số 5 Lý Thường Kiệt trong vòng vây và tiếng vỗ tay của cán bộ, phóng viên, biên tập viên VNTTX."

Nhà báo Thẩm Ðức Hòa (1931-1967), nhập ngũ năm 1947 khi chưa đầy 17 tuổi, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Nguyên Trưởng phòng Thông tấn quân sự Trọng Bảo, đã kể về liệt sỹ Thẩm Ðức Hòa, trên một số báo Quân đội Nhân dân: "Chiến thắng giặc Pháp trở về chưa được bao lâu, anh lại lên đường vào miền Nam chiến đấu. Anh đã có mặt ở chiến trường Trị Thiên-Huế từ những ngày đầu đánh Mỹ ác liệt nhất, là một phóng viên xông xáo, bám sát bộ đội, một người lính dũng cảm. vừa cầm súng vừa cầm bút, những bản tin chiến sự, những bài viết của anh nóng bỏng tin chiến thắng, sôi sục lửa căm thù. Anh hy sinh ngày 23/11/1967 tại mặt trận phía Tây Thừa Thiên-Huế, sau một loạt bom của kẻ thù."

Liệt sỹ thứ hai của phòng Thông tấn quân sự là nhà báo Lương Nghĩa Dũng (1935-1972).

Trong cuốn sách “Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn” của Nhà xuất bản Thông tấn, Lương Nghĩa Dũng được mô tả là một trong những phóng viên chụp được nhiều ảnh pháo cao xạ nổ súng mãnh liệt đánh trả máy bay Mỹ, mà họng súng bừng bừng lửa khói, chụp được nhiều quả tên lửa rời bệ phóng, vút lên trời tìm diệt máy bay Mỹ. Những bức ảnh làm nức lòng người xem, truyền cho mọi người niềm tin chiến thắng.

Đại tá Trần Dũng, nguyên Trưởng phòng Thông tấn quân sự, xúc động nhớ lại những tháng đầu năm 1972 khốc liệt: "Chiến dịch Quảng Trị kéo dài các anh (Nghĩa Dũng và Vũ Tạo) cứ đi theo dòng chảy cuộc chiến, những bức ảnh tới tấp gửi về, nóng hổi những trang báo. Có thể nói, ít có chiến dịch nào mà thông tin ảnh cập nhật nhanh đến vậy. Ðầu tháng 5/1972, Nghĩa Dũng hy sinh đúng buổi sáng Quảng Trị giải phóng".

Trong chiến công chung của cơ quan thông tấn có phần đóng góp không nhỏ của những nhà báo chiến sỹ phòng Thông tấn quân sự. Những bức ảnh, dòng tin còn vương bụi súng, từ khắp các chiến trường của các phóng viên Thông tấn quân sự hối hả chuyển về Tổng xã, cùng mang một cái tên chung rất đỗi tự hào: Việt Nam Thông tấn xã.

TTXVN
Thông tấn xã Việt Nam – 70 năm trưởng thành cùng đất nước
Thông tấn xã Việt Nam – 70 năm trưởng thành cùng đất nước

Nhân dịp Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống (15/9/1945-15/9/2015), Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi có bài viết về sự ra đời và phát triển đáng tự hào của TTXVN, gắn liền với dòng chảy lịch sử của đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN