Chiến dịch vơ vét các kho báu nghệ thuật của Đức quốc xã - Kỳ 4: Thị trường “bùng nổ”

Trong Thế chiến thứ hai, châu Âu chứng kiến một cuộc bùng nổ thương mại nghệ thuật khổng lồ, do cung và cầu quá lớn đối với các tác phẩm nghệ thuật cả “thuần khiết” và “suy đồi”.

 

Hitler tặng tranh cho Goering nhân ngày sinh nhật.

 Hoạt động giao dịch sôi nổi trên thị trường Pari đã lan sang các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng khác. Thành phố tràn ngập những người sưu tập, săn lùng nghệ thuật, hầu hết là người Đức, và những kẻ cơ hội muốn kiếm khoản đầu tư an toàn giữa thời buổi bất ổn. Nghệ thuật là tiền và thường xuyên được trao đổi như những loại hàng hóa khác trên chợ “đen” thời đó như thị thực nhập cảnh, những vật dụng xa xỉ hay thực phẩm.


Nhân viên từ các bảo tàng Đức, các tòa đại sứ và Ngân hàng trung ương Đức (Deutsche Reichsbank) chiếm đa số trong các hợp đồng nghệ thuật Pháp - Đức. Nhiều tác phẩm sau đó được đưa tới Đức, nhưng đáng ngạc nhiên là trong số những tác phẩm nghệ thuật về danh nghĩa là “thuần khiết” được xuất khẩu lại có cả nghệ thuật “suy đồi”. Không ít nhà buôn và nhà sưu tập Đức đã phớt lờ lệnh của Hitler, thậm chí mua cả tác phẩm của những nghệ sĩ Do thái. Rõ ràng, mục tiêu của Hitler về “thuần chủng hóa” thị trường nghệ thuật là không hiệu quả.

Những khung tranh rỗng tại Bảo tàng Louvre sau chiến dịch cướp bóc của phát xít Đức.

 Hàng chục ngàn tác phẩm nghệ thuật bị sung công được cất giữ tại Bảo tàng Jeu de Paume ở Pari, một trong các trụ sở chính của “Lực lượng đặc nhiệm” ERR. Những tác phẩm bị đánh giá là “suy đồi” như của Chagall, Monet, Dufy hay Vuillard thường được ERR bán cho các nhà sưu tập để kiếm lời. Có lẽ bộ sưu tập quan trọng nhất đã bị bán khỏi Jeu de Paume chính là những tác phẩm của Degas, Toulouse-Lautrec hay Renoir, bị cướp từ các gia đình Do thái thế lực như Paul Rosenberg và Rothschild.


Thị trường kinh doanh nghệ thuật ở Pháp và châu Âu nói chung đã rất phát đạt trong suốt chiến tranh khi các nhà buôn và sưu tập liên tục kiếm được nhiều hợp đồng bộn tiền. Bùng nổ thương mại nghệ thuật cũng đóng góp lớn cho kinh tế Pháp. Tất cả có được là nhờ một loạt đạo luật và chỉ thị kỳ quặc, dựa trên tư tưởng cực đoan của Đức quốc xã. Các đạo luật do Hitler ban hành là công cụ được dùng để đàn áp văn hóa Do thái và bất cứ nền văn hóa nào khác bị coi là xung đột với văn hóa Đại Đức. Các đạo luật này cũng nhằm hướng tới mục đích cuối cùng là hủy diệt người Do thái tại châu Âu.


Chiến dịch thanh trừng nghệ thuật “suy đồi” của Hitler từ năm 1937 là một trong những nỗ lực có tổ chức đầu tiên của y nhằm quản lý tài sản văn hóa trên quy mô lớn. Rất nhanh sau khi đưa quân vào Áo, lính phát xít đã cướp cả các bộ sưu tập nhà nước cũng như từ các cửa hàng và tư gia Do thái. Hầu hết các tác phẩm nghệ thuật đã bị tịch thu trắng trợn từ gần một năm trước khi luật quản lý nghệ thuật suy đồi chính thức được soạn thảo. Rõ ràng, Đức quốc xã đã phạm tội ác trước, rồi mới điều chỉnh bằng cách hợp pháp hóa hành động đó.


Nhằm thực hiện triệt để chiến dịch thanh trừng và vơ vét nghệ thuật, tới tháng 4/1938, theo lệnh của Hitler, mọi người Do thái đều buộc phải đăng ký tài sản cá nhân của mình. Các tài sản đó được chính quyền Đức quốc xã phân loại và xem xét kỹ lưỡng. Luật đăng ký tài sản đã cung cấp cho người Đức một danh sách chi tiết, để có thể sung công bất cứ lúc nào và bất cứ thứ gì.


Mùa đông năm 1938, Hitler tiếp tục ban hành hai đạo luật trao cho nhà chức trách quyền “Aryan hóa” (chủng tộc Aryan được phát xít Đức coi là “thượng đẳng” và “thuần khiết”) hoạt động kinh doanh của người Do thái, bao gồm cả kinh doanh nghệ thuật, và thu giữ tài sản của họ. Hai luật này là những biện pháp pháp lý đầu tiên nhằm quản lý tài sản cá nhân của người Do thái, sau đó được áp đặt rộng ra khắp các vùng chiếm đóng.


Năm 1940, Bộ trưởng Tuyên truyền của Đức quốc xã, Joseph Goebbels, còn tiến hành một dự án thu hồi tất cả các tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc Đức trong đó có nhiều tác phẩm đã bị đưa ra nước ngoài trong suốt 400 năm về trước. Cùng với vô số những kho báu được vơ vét về từ khắp châu Âu, các tác phẩm bị thu hồi này được Đức quốc xã cho cất trữ hoặc trưng bày tại các bảo tàng quốc gia, và cất giấu tại nhiều địa điểm bí mật khi cuộc chiến ngày càng leo thang ác liệt.


Bạch Đàn

 

Kỳ cuối: Công cuộc thu hồi

Chiến dịch vơ vét các kho báu nghệ thuật của Đức quốc xã - Kỳ cuối: Công cuộc thu hồi
Chiến dịch vơ vét các kho báu nghệ thuật của Đức quốc xã - Kỳ cuối: Công cuộc thu hồi

Sau 6 năm chiến tranh, Đức quốc xã đã đại bại vào mùa hè năm 1945. Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc với hàng triệu người chết, nhiều triệu người mất nhà cửa, hàng ngàn thành phố, thị trấn bị phá hủy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN