Năm 1933, Hitler trở thành Thủ tướng Đức và từ năm 1934 giữ cương vị Quốc trưởng với quyền lực tối cao. Hitler tổ chức chiến dịch sung công các tài sản văn hóa, mục đích là tạo ra một nền văn hóa “thuần Đức”, bằng cách xóa sạch tất cả những gì mà hắn gọi là nghệ thuật “suy đồi”.
Dòng người tới xem triển lãm Entartete Kunst. |
Ban đầu, bất cứ tác phẩm nghệ thuật hiện đại nào, thuộc đủ các loại hình như âm nhạc, văn học, kiến trúc, điêu khắc và hội họa, tại các viện bảo tàng đều bị xem là “suy đồi”. Sau đó, đối tượng được mở rộng sang cả các tài sản cá nhân, bao gồm bất cứ tác phẩm nào được người Do Thái và Cộng sản sáng tạo. Định nghĩa nghệ thuật “suy đồi” cuối cùng đã mở rộng ra bao gồm bất cứ thứ gì không phù hợp với hệ tư tưởng Đức quốc xã. Tất cả các tác phẩm nghệ thuật mà Hitler cảm thấy “không thích hợp” và “sai lầm về đạo đức” đều bị sung công.
Chiến dịch đầu tiên của Đức quốc xã nhằm kiểm soát tài sản văn hóa bắt đầu từ năm 1937. Bộ trưởng Thông tin Tuyên truyền của Đức Quốc xã là Joseph Goebbels đã bổ nhiệm Adolf Ziegler, Chủ tịch Hội đồng Mỹ thuật Nhà nước, làm chủ tịch một ủy ban 6 thành viên, có quyền ra lệnh tịch thu tất cả các tác phẩm bị cho là theo chủ nghĩa hiện đại, suy đồi, hay có âm mưu lật đổ chính quyền. Sau đó các tác phẩm này được công bố cho công chúng xem như một cuộc bêu riếu, đồng thời kích động tinh thần bài Do Thái mà Đảng Quốc Xã cho là đang xâm nhập văn hóa Đại Đức. Kết quả của chiến dịch này là 5.000 tác phẩm đã bị tịch thu, trong đó có tranh của Van Gogh, Picasso, Chagall, Ensor, Matisse, Archipenko.
Phiên đấu giá bức Tự họa của Van Gogh tại Thụy Sĩ, sau khi bức tranh này bị tịch thu. |
Cùng năm đó, Ziegler tổ chức triển lãm Entartete Kunst công bố 650 tác phẩm trong số các tác phẩm bị coi là “suy đồi”, tịch thu từ 32 viện bảo tàng trong nước. Tại triển lãm, các tác phẩm đều được trưng bày xộc xệch, luộm thuộm, kèm theo những chú giải và khẩu hiệu thô thiển nhằm “định hướng dư luận”.
Cuộc triển lãm nghệ thuật “suy đồi”, với nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ danh tiếng như Picasso, Matisse hay Chagall, đã thu hút gần 3 triệu lượt người tới xem. Mặc dù một số người đến xem để “trau dồi” nhận thức về những gì bị chính quyền coi là không phù hợp, nhưng đa số khách tham quan đến để ngắm những kiệt tác mà họ yêu thích, bởi đây có thể là lần cuối cùng.
Năm 1938, Đức Quốc Xã tập trung nỗ lực làm “trong sạch” hoàn toàn những phần còn lại của đất nước. Nhiều ủy ban sung công được thành lập với nhiệm vụ thanh lọc các viện bảo tàng để loại ra những tác phẩm “suy đồi”, thu gom lại và chuyển tới một loạt nhà kho trên khắp nước Đức. Tổng cộng, gần 16.000 bộ sưu tập đã bị sung công. Sau chiến dịch này, các bảo tàng Đức được tuyên bố “đã trong sạch”, những nghệ sĩ bị dán mác “suy đồi” thì bị liệt vào danh sách “kẻ thù quốc gia”, đe dọa văn hóa dân tộc.
Nhiều người trong số họ đã tự sát hoặc tìm cách trốn khỏi nước Đức. Những nghệ sĩ có tên trong “sổ đen” ở lại Đức đều bị cấm giảng dạy và là đối tượng bị theo dõi của Gestapo để canh chừng họ vi phạm lệnh cấm sáng tác. Một số họa sĩ người Do Thái bị bắt đưa vào các trại tập trung. Nữ họa sĩ Elfriede Lohse-Wächtler đã bị liệt vào loại bệnh nhân tâm thần và bị tiêm thuốc độc theo nghị định T4 (Aktion T4) - một văn bản buộc các bác sĩ phải tiêm thuốc giết chết những bệnh nhân vô phương cứu chữa.
Nhiều tác phẩm bị tịch thu được đưa ra bán đấu giá tại Thụy Sĩ và không ít tác phẩm đã bị những nhân vật tai to mặt lớn trong Đảng Quốc xã chiếm làm của riêng. Hermann Göring, khi đó là toàn quyền đặc trách kế hoạch kinh tế của Đức Quốc xã, đã chiếm 14 tác phẩm, trong đó có một bức của Van Gogh và một bức của Cézanne. Chưa hết, tháng 3/1939, phòng Cứu hỏa Béclin còn đốt 4.000 tác phẩm bị tịch thu và được đánh giá là ít giá trị trên thị trường quốc tế lúc đó.
Tháng 3/1938, Hitler dẫn quân đội Đức vượt biên giới, xâm chiếm nơi chôn rau cắt rốn của mình ở Áo. Gần như ngay lập tức sau khi thôn tính Áo, cuộc săn tìm các tác phẩm nghệ thuật “suy đồi” cũng bắt đầu. Lần này, các tác phẩm nghệ thuật thuộc sở hữu của người Do Thái đặc biệt gây sự chú ý. Không chỉ các tác phẩm từ bảo tàng, mà từ các cửa hiệu và gia đình người Do Thái cũng bị sung công.
Nhiều gia đình Do Thái ở Áo đã bỏ chạy khỏi đất nước, nhiều người khác tự tử vì tuyệt vọng. Những người này thường bị làm nhục công khai, bị đuổi việc, lạm dụng thể chất, bị cướp bóc tài sản và thường bị giết hại. Những tác phẩm thu được từ người Do Thái được chất đống trong các nhà kho, sau đó được bán, hoặc lưu giữ để sử dụng hoặc tiêu hủy. Nhiều tác phẩm được đánh giá là giá trị với Đệ tam Quốc xã đã bị tống vào các nhà kho ở Linz (Áo), quê của Hitler hoặc Béclin (Đức).
Bạch Đàn
Đón đọc kỳ 3: Bộ sưu tập của Hitler