Theo trang Russia Beyond, nhờ thành thạo trong “trò chơi vô tuyến” mà các đặc vụ Liên Xô có thể khiến Đức Quốc xã thiệt hại hàng chục điệp viên và hàng triệu rúp, đồng thời khiến chúng thất bại trong các trận chiến quan trọng nhất trên mặt trận phía Đông.
Điệp viên hai mang
Vào một đêm mùa Đông lạnh giá năm 1941, một người đàn ông tự xưng là đại diện cho một nhà thờ chống phe Bolshevik và một nhóm ủng hộ chế độ quân chủ tên là Prestol (Ngai vàng) đã tiếp cận các vị trí của quân Đức ở Mozhaysk thuộc khu vực Moskva. Người này cho biết sẵn sàng hỗ trợ quân Đức hạ gục Liên Xô.
Trong thực tế, người đàn ông đó chính là một điệp viên Liên Xô tên là Aleksandr Demyanov. Một trong những chiến dịch tình báo thành công nhất trong lịch sử Liên Xô đã bước vào giai đoạn tích cực. Chiến dịch này mang tên Monastyr.
Có học vấn cao, trí thông minh, sức hấp dẫn, giỏi tiếng Đức, Aleksandr là một nhân vật hoàn hảo để hoạt động trên vùng đất của kẻ thù. Lúc đó, không nhiều người ở Moskva biết rằng người đàn ông xuất thân từ tầng lớp quý tộc đó đã trở thành điệp viên Liên Xô từ đầu những năm 1930.
Aleksandr có xuất thân phù hợp để che giấu hoạt động tình báo. Bố và mẹ đều là người nổi tiếng trong cộng đồng nhập cư ở Đức, còn nhiều họ hàng từng sống ở Italy – một đồng minh của Đức Quốc xã. Ngoài ra, Aleksandr (hay còn gọi là Heine) là gương mặt thường xuyên xuất hiện tại các buổi họp quan trọng tổ chức ở Đại sứ quán tại Moskva, thường xuất hiện trước giới tình báo nước ngoài.
Tháng 7/1941, cơ quan tình báo Liên Xô đã lập ra một nhóm tưởng tượng tên là Prestol mà thành viên là những người giả vờ có quan điểm ủng hộ nền quân chủ và đang chờ quân Đức vào thủ đô Liên Xô.
Theo chiến lược ban đầu của chiến dịch Monastyr, Aleksandr sẽ được điều sang Berlin để xâm nhập vào cộng đồng người nhập cư Nga da trắng làm việc cho Đức, đồng thời thiết lập các mối quan hệ vững chắc trong cơ cấu tình báo Đức. Tuy nhiên, mọi việc không diễn ra theo kế hoạch. Phía Đức kiểm tra rất kỹ lưỡng và mất thời gian, thậm chí còn đưa Aleksandr ra trước đội bắn để tăng hiệu ứng.
Cuối cùng, người Đức đã quyết định sử dụng Aleksandr làm điệp viên của chúng ở Liên Xô. Trải qua vài tháng tập huấn ở Abwehr - tổ chức tình báo quân sự của Đức Quốc xã - và được đặt cho biệt danh mới là Flamingo, Aleksandr được đưa trở lại Liên Xô. Khi đó, Aleksandr bị phía Moskva coi là đã chết. Khi ông đột ngột tái xuất, chiến dịch Monastyr được quyết định và “trò chơi vô tuyến” với Đức bắt đầu.
Mệnh lệnh đầu tiên trong công việc là chiếm được lòng tin của người Đức bằng cách sử dụng nhóm tưởng tượng chống Bolshevik nói trên. Từ Liên Xô, Flamingo báo cáo về kế hoạch của nhóm Prestol tại Liên Xô. Không lâu sau đó, báo chí Liên Xô bắt đầu chủ ý tung tin về các vụ đánh bom khu vực công nghiệp ở Urals và Siberia do “các phần tử liên kết với phát xít” thực hiện. Tất nhiên, đó chỉ là tin tức giả vì trong thực tế không có vụ đánh bom nào cả. Tuy nhiên, nhờ những tin giả này mà phía Đức thực sự tin tưởng vào sự trung thành của Flamingo.
Ngày 22/6/1942, nhân lễ kỷ niệm chiến dịch Barbarossa, lực lượng vũ trang Đức bận rộn chuẩn bị món quà cho Quốc trưởng Hitler – chính là một cuộc tấn công toàn lực vào Moskva. Aleksandr được giao nhiệm vụ thực hiện khảo sát về phòng không ở Moskva. Không lâu sau đó, Đức Quốc xã nhận bức điện có nội dung: “Thành phố có số lượng máy bay chiến đấu mới và lực lượng pháo binh lớn. Công nghệ mới sẽ được áp dụng trong những ngày tới, cho phép mở rộng khả năng chặn máy bay địch từ trên cao”. Phía Đức ngay lập tức hủy cuộc tấn công.
Dần dần, Flamingo trở thành một trong những đặc vụ có ích nhất của lực lượng vũ trang Đức trên mặt trận phía Đông. Tại Liên Xô, Flamingo có vỏ bọc trong Cục quân nhu Liên lạc Nhân dân và về sau là một sĩ quan trong Sở chỉ huy.
Đức Quốc xã nhận tin giả ồ ạt về Liên Xô. Lẫn trong số đó là một số tin thật về Sở chỉ huy để phía Đức tin toàn bộ số tin mà Flamingo gửi về. Flamigo đã tìm cách phát hiện ra các gián điệp Đức tại Liên Xô. Sau đó, chúng bị Liên Xô bắt và cài cắm người khác vào “trò chơi vô tuyến” cùng với cấp trên cũ.
Chiến dịch Monastyr đóng vai trò quan trọng đối với kết quả những trận chiến lớn dọc mặt trận phía Đông. Ngày 4/11/1942, Flamingo thông báo với Đức rằng Hồng quân Liên Xô sẽ trả thù ờ Bắc Caucasus và Rzhev chứ không phải ở Stalingrad. Kết quả là Đức đã điều binh tới những khu vực này.
Chiến dịch Mars hay còn gọi là cuộc tấn công vào Rzhev thất bại. Nhưng chính tại Stalingrad, nơi mà tập đoàn quân số 6 của Đức bị lực lượng Liên Xô bao vây, kẻ thù mới hoàn toàn bất ngờ.
Chiến dịch thông tin giả của Aleksandr cũng đóng vai trò quan trọng trong buộc quân Đức hủy cuộc tấn công ở thành phố Kursk, giúp Hồng quân Liên Xô vượt lên trước trong quá trình chuẩn bị.
Tới năm 1944, Liên Xô đang trong cuộc hành quân quyết định và chiến dịch Monastyr kết thúc khi không còn cần thiết.
Điều thú vị là Aleksandr vừa nhận Huân chương Sao Đỏ của Liên Xô và nhận Huân chương Thập tự Sắt của hiệp sĩ do Đức Quốc xã trao vắng mặt. Tới tận khi chiến tranh kết thúc, phía Đức vẫn tiếp tục tin rằng Flamingo hoàn toàn trung thành với mình.
Chiến dịch Berezino
Sau khi chiến dịch Monastyr kết thúc, Aleksandr trở thành liên kết chính trong chiến dịch Berezino (còn gọi là chiến dịch Scherhorn). Theo tài liệu lưu trữ của cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR), chiến dịch Berezino bắt đầu đồng thời với các cuộc tấn công quy mô lớn của Hồng quân vào mùa Hè năm 1944 và sau đó đã giải phóng Belarus.
Cơ quan phản gián Liên Xô quyết định dùng các “trò chơi vô tuyến” mới để tạo ra ảo tưởng cho quân Đức rằng có một nhóm trên 2.000 binh sĩ Đức vũ trang đang hoạt động ẩn trong rừng ở khu vực sông Berezina thuộc Liên Xô. Mục tiêu chính của chiến dịch là làm cho quân Đức tin rằng các binh sĩ này cần vũ khí, đạn dược và thực phẩm.
Với sự hỗ trợ của người Đức ủng hộ Liên Xô và người chống phát xít, chiến dịch Berezino đã thành công ngay từ đầu. Nhóm Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô đã rà soát các tù binh chiến tranh và cuối cùng chọn ra một người giúp chiến dịch: Trung tá Heinrich Scherhorn bị bắt tháng 6/1944. Người này được chọn làm “chỉ huy” của nhóm binh sĩ Đức mà Liên Xô vẽ ra và giữ liên lạc với người ở Đức. Do không có lựa chọn nào khác nên Scherhorn buộc phải tham gia “trò chơi vô tuyến” này.
Thông tin về nhóm quân trên được báo cho Hitler và trong suốt thời gian sau đó, phía Đức thả nhiều lương thực, thiết bị và thuốc men tiếp tế cho các đơn vị không có thật. Đức còn cử các đặc vụ hiện trường tới để hỗ trợ số quân này và tất cả đều bị bắt làm con tin. Những người bị bắt buộc phải nhắn tin qua vô tuyến về Đức rằng họ đến Liên Xô an toàn.
Trong toàn bộ chiến dịch, Đức đã điều 30 chuyến bay chở hàng tấn vũ khí, đạn dược, quân phục… và 22 đặc vụ. Khi số tù nhân Đức ngày càng tăng, chiến dịch trở nên có quy mô lớn hơn Liên Xô nghĩ ban đầu. Liên lạc vô tuyến giữa Đức và Liên Xô vẫn tiếp tục hàng tháng trời.
Tuy nhiên, hỗ trợ mà quân Đức gửi cho đội quân tưởng tượng ở Liên Xô bắt đầu giảm. Khoảng tháng 1/1945, Đức không còn nhiều khả năng để hỗ trợ. Dù Scherhorn tiếp tục gửi đề nghị hỗ trợ qua vô tuyến nhưng hầu như không có phản hồi.
Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai gần kết thúc, “trò chơi vô tuyến” cũng kết thúc. Scherhorn còn được Đức phong làm anh hùng quốc gia vì nỗ lực ở Liên Xô. Đầu tháng 5/1945, Đức vẫn liên lạc với Scherhorn, hy vọng đội quân 2.000 người vẫn còn sống.
Ngày 9/5, tại Berlin, phát xít Đức đã ký văn kiện đầu hàng không điều kiện với Liên Xô và các nước Đồng minh, chấm dứt Chiến tranh Thế giới lần thứ hai tại châu Âu. Sự thất bại của phát xít Đức ở châu Âu đã tạo thế tiến công tiêu diệt phát xít Nhật ở Viễn Đông, dẫn đến việc Nhật ký văn kiện đầu hàng không điều kiện ngày 2/9/1945, chính thức kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai.