Câu chuyện về 'mẹ đẻ' y dược hiện đại

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã vinh danh nữ công dân da màu Mỹ Henrietta Lacks, người đã góp phần cho đột phá lớn về y dược hiện đại.

Chú thích ảnh
Những tế bào của cô Henrietta Lacks đã có đóng góp quan trọng trong y học hiện đại. Ảnh: AP

Kênh DW (Đức) cho biết bà Henrietta Lacks qua đời vì ung thư cổ tử cung vào tháng 10/1951, hưởng dương 31 tuổi. Sau đó, tế bào ung thư của Lacks bị chiết tách không thông qua sự đồng ý của cô nhưng điều này lại tạo nền tảng cho khám phá y dược quan trọng.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong một sự kiện đặc biệt tại Geneva nói: “Điều xảy ra với Henrietta Lacks là sai lầm. Cô đã bị lợi dụng và là một trong nhiều phụ nữ da màu có cơ thể của họ bị ngược đãi bởi khoa học. Cô đã đặt niềm tin và hệ thống y tế để được điều trị. Nhưng hệ thống này lại tước đi một thứ từ cơ thể Henrietta Lacks mà chưa được sự đồng thuận của cô”.

Năm 1951, bà mẹ của 5 con nhỏ Henrietta Lacks đến khám tại bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland và được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung. Khi đó, bệnh viện Johns Hopkins là một trong số ít những nơi điều trị cho người Mỹ gốc Phi nghèo khó.

Sau đó, Henrietta Lacks bắt đầu quá trình xạ trị. Một mẫu tế bào ung thư của cô được chiết tách trong mẫu sinh thiết được gửi đến phòng thí nghiệm của bác sĩ George Gey ở gần đó. Trong nhiều năm, bác sĩ Gey đã thu thập tế bào của nhiều bệnh nhân ung thư cổ tử cung điều trị tại bệnh viện Johns Hopkins. Nhưng tất cả các mẫu tế bào ông thu thập đều chết nhanh chóng trong phòng thí nghiệm. Điều kỳ lạ là riêng tế bào của cô Henrietta Lacks lại nhân đôi sau mỗi 20-24 tiếng đồng hồ.

Những tế bào này của Henrietta Lacks đã trở thành viên gạch nền móng cho y dược hiện đại, đóng góp cho phát triển vaccine phòng bại liệt, lập bản đồ gen và vaccine phòng COVID-19. Những đột phá này khiến Henrietta Lacks được gọi là “mẹ đẻ” của y dược hiện đại.

Tế bào được đặt tên là HeLa, bắt nguồn từ tên của Henrietta Lacks. Tế bào HeLa vẫn được sử dụng trong phát triển phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung. Các nhà nghiên cứu thường sử dụng tế bào cơ thể người được phát triển trong phòng thí nghiệm để tìm hiểu về tính phức tạp của tế bào cũng như thử nghiệm các giả thiết về nguyên nhân và cách điều trị các bệnh tật. Những tế bào họ cần là “bất tử”- có thể được nhân bản vô hạn, bị trữ lạnh trong nhiều thập niên, phân tách và được các nhà khoa học chia sẻ với nhau.

Henrietta Lacks, nữ nông dân trồng thuốc lá tại Virginia, đã được chôn tại một ngôi mộ không nhiều người biết tới sau khi qua đời.

Hà Linh/Báo Tin tức
Kế hoạch đơn vị người nhái cảm tử Tàng Long của Nhật Bản thời Thế chiến II
Kế hoạch đơn vị người nhái cảm tử Tàng Long của Nhật Bản thời Thế chiến II

Trong bối cảnh sức mạnh ngày càng yếu thời Thế chiến II, Nhật Bản đã lên kế hoạch đào tạo và triển khai đơn vị người nhái cảm tử để tiêu diệt lực lượng đối địch. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, kế hoạch này đã chưa kịp triển khai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN