Carlos “Chó rừng” – Cái tên đáng sợ trong thập niên 1970 (Kỳ 2)

Chủ nhật ngày 30/12/1973, tại khu ngoại ô giàu có của Luân Đôn, trước mặt quản gia tòa biệt thự của Joseph Sieff - một trong những doanh nhân Do Thái thành công và có tầm ảnh hưởng nhất ở thủ đô của nước Anh - là một thanh niên lạ mặt với nước da sẫm màu và một khẩu súng trên tay. Kẻ lạ mặt chĩa súng yêu cầu người quản gia dẫn tới chỗ chủ nhân. Ông Sieff, lúc này đang ở trong phòng tắm, nghe tiếng người quản gia gọi, liền ra mở cửa. Ngay lập tức, khẩu súng trên tay kẻ lạ mặt khạc viên đạn 9 ly nhằm thẳng khuôn mặt ông Sieff từ khoảng cách chưa đầy 1 mét. Đó là một trong những vụ tấn công tàn bạo của Carlos “Chó rừng”, cái tên đã khiến phương Tây sợ hãi suốt thập niên 1970.

Sân bay Orly của Pháp, nơi Carlos và đồng bọn thực hiện vụ tấn công hồi tháng 1/1975.


Kỳ II: Carlos khét tiếng


Vụ ám sát Joseph Sieff ở Luân Đôn là hành động tội ác đầu tiên mà Carlos đứng ra nhận trách nhiệm. Một tháng sau đó, Carlos tiến hành vụ đánh bom nhằm vào Ngân hàng Hapoalim của Ixraen cũng ở Luân Đôn nhưng bất thành. Tiếp theo, Carlos âm mưu đánh bom các văn phòng của ba tòa soạn báo Pháp ủng hộ Ixraen.

Trong khi Carlos đang tạo ảnh hưởng, thì Haddad lại ngấm ngầm thực hiện âm mưu khác và khuyên Carlos cấu kết với Quân đội Đỏ Nhật Bản (JRA). Carlos chỉ thực sự được Haddad để mắt đến khi hắn tự mình tấn công bằng lựu đạn ở một khu chợ sầm uất nhằm gây sức ép đòi chính phủ Pháp thả một số thành viên JRA. Kết quả là Carlos được Haddad "đề bạt", giao cho "sứ mệnh" tấn công máy bay của hãng El Al tại sân bay Orly của Pháp vào tháng 12/1974.

Rốt cuộc, Carlos cũng đã được tham gia các chiến dịch "lớn". Tuy nhiên, không may cho hắn là kế hoạch không tặc này vấp phải cuộc đình công của các nhân viên hãng El Al nên phải lùi lại. Ngày 13/1/1975, Carlos cùng đồng sự mới là Johannes Weinrich bắt đầu hành động. Bọn khủng bố ngồi trong xe hơi đỗ bên cạnh sân bay, chờ máy bay của hãng El Al cất cánh và dùng súng phóng lựu RPG-7 bắn hạ máy bay. Tới thời điểm quyết định khi chiếc El Al 707 chỉ còn cách 130 mét, Weinrich vác súng lên vai và nhắm bắn, nhưng bắn trượt. Nạp đạn lần thứ hai và bắn vội, quả rốckét bay thẳng vào sân bay và làm sập tòa nhà dùng làm bếp ăn. Không đạt được mục tiêu đề ra, Carlos và Weinrich tháo chạy tới một nghĩa trang gần kề, gọi điện tới văn phòng của hãng tin Reuters ở Pari nhận trách nhiệm về vụ tấn công này dưới danh nghĩa Đội biệt kích Mohamed Boudia và thề rằng: "Lần sau sẽ hủy diệt các mục tiêu".

Ngày 7/6/1975, "sếp" của Carlos - Moukharbal - bị cảnh sát Libăng bắt giữ tại sân bay Bâyrút khi chuẩn bị lên máy bay đến Pari. Cảnh sát tìm thấy những ghi chép chi tiết về hành động của các chính trị gia cũng như các thương gia nổi tiếng ở Pari và Luân Đôn. Sau hai ngày thẩm vấn, Moukharbal đã thú nhận là thành viên của Mặt trận Nhân dân, cộng tác cùng một gã có tên là George Habash và còn đề cập đến một cái tên khác là Carlos - "sát thủ chuyên đâm thuê, chém mướn".

Carlos làm nên tên tuổi qua những cuộc tấn công tàn bạo.


Chỉ huy Herranz cùng ba sỹ quan khác đã ngay lập tức tới căn hộ của Carlos "hỏi thăm" hắn. Cuộc trao đổi "nóng" dần và Carlos bước vào phòng tắm, lấy vũ khí giấu vào dưới áo. Lúc này, cảnh sát đã đưa Moukharbal vào và hỏi gã này có thể nhận dạng người nào trong phòng hay không. Moukharbal giơ tay chỉ thẳng vào mặt Carlos. Ngay lập tức, Carlos rút súng bắn thẳng vào cổ Moukharbal, tiếp đó là cổ của chỉ huy Herranz. Với sự chính xác chết người, Carlos đã bắn hai thám tử còn lại trước khi kịp tháo chạy ra phố. Chỉ có chỉ huy Herranz được cứu sống. Trước vụ bắn giết này, các nhà chức trách Pháp không hề biết gì về nhân thân cũng như những hoạt động của Carlos; nay với thông tin do chỉ huy Herranz cung cấp, họ đã có đủ cơ sở để mở một trong những chiến dịch truy nã lớn nhất trong lịch sử.

Trở về Bâyrút với những chiến tích ở Pari, Carlos được tung hô như một người anh hùng. Carlos thuyết phục Haddad rằng hắn đã xử tử Moukharbal do tên này phản bội (sau này, một cựu gián điệp tên là Mossad xác nhận rằng Moukharbal là điệp viên hai mang, làm việc cho cả Ixraen từ năm 1973). Nhờ đó, Carlos được quyền chọn một nhóm mới để hỗ trợ hắn. Carlos đã tới Frankfurt và chọn hai người Đức là Wilfred Bose và Joachim Klein. Hai tên này hoàn toàn bất ngờ khi Carlos thông báo rằng chúng sắp tiến hành một nhiệm vụ đóng góp cho sự nghiệp giải phóng của Palextin, đó là cuộc tấn công nhằm vào trụ sở của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ở thủ đô Viên, Áo. Mục tiêu của chúng là dùng vũ lực đột chiếm một hội nghị của OPEC (dự kiến diễn ra vào tháng 12/1975), bắt cóc tất cả quan chức để đòi tiền chuộc, hành quyết Bộ trưởng Sheik Yamani của Arập Xêút và Bộ trưởng Jamshid Amouzegar của Iran.

Hắn lên kế hoạch và tuyển mộ thêm một phụ nữ Đức (tên là Gabrielle Krocher-Tiedemann) cùng hai người Palextin và một người Libăng (có các mật danh là Joseph, Khalid và Yussefa). Sau đó, Carlos quay về Libăng trình báo vắn tắt kế hoạch này với Haddad. Nhiều tháng trước vụ tấn công này, Carlos đã nhuộm tóc, để chòm râu dê và đội mũ bêrê đen.

Ngày 19/12/1975, Carlos tới gặp người liên lạc của hắn, là một thành viên của nhóm bảo vệ bí mật một trong các bộ trưởng OPEC. Sau đó, Carlos quay trở lại với hai túi chứa một số khẩu súng M-16, súng lục P38, Skorpion và 15 kg chất nổ.

Hôm sau, Carlos, Klein, Krocher-Tiedemann cùng ba gã người Arập tới trụ sở OPEC lúc 11 giờ 30. Carlos bước vào tòa nhà trước, chào hỏi hai cảnh sát và hỏi cánh nhà báo nơi hội nghị diễn ra. Nhận được những thông tin cần thiết, Carlos lịch sự cảm ơn cánh nhà báo và dẫn nhóm của hắn lên tầng một, nơi diễn ra hội nghị.

Lương Tuấn (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ III: Vụ khủng bố ở Viên

Carlos “Chó rừng” – Cái tên đáng sợ trong thập niên 1970 (Kỳ cuối)
Carlos “Chó rừng” – Cái tên đáng sợ trong thập niên 1970 (Kỳ cuối)

Vài tháng sau, khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Bộ Ngoại giao Mỹ với các quốc gia Đông Âu được nối lại, chủ đề về việc ngăn ngừa khủng bố cũng được nêu ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN