Carlos “Chó rừng” – Cái tên đáng sợ trong thập niên 1970 (Kỳ cuối)

Chủ nhật ngày 30/12/1973, tại khu ngoại ô giàu có của Luân Đôn, trước mặt quản gia tòa biệt thự của Joseph Sieff - một trong những doanh nhân Do Thái thành công và có tầm ảnh hưởng nhất ở thủ đô của nước Anh - là một thanh niên lạ mặt với nước da sẫm màu và một khẩu súng trên tay. Kẻ lạ mặt chĩa súng yêu cầu người quản gia dẫn tới chỗ chủ nhân. Ông Sieff, lúc này đang ở trong phòng tắm, nghe tiếng người quản gia gọi, liền ra mở cửa. Ngay lập tức, khẩu súng trên tay kẻ lạ mặt khạc viên đạn 9 ly nhằm thẳng khuôn mặt ông Sieff từ khoảng cách chưa đầy 1 mét. Đó là một trong những vụ tấn công tàn bạo của Carlos “Chó rừng”, cái tên đã khiến phương Tây sợ hãi suốt thập niên 1970.

Kỳ cuối: Sa lưới

Vài tháng sau, khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Bộ Ngoại giao Mỹ với các quốc gia Đông Âu được nối lại, chủ đề về việc ngăn ngừa khủng bố cũng được nêu ra. Các cuộc đàm phán sau đó, nhiều quốc gia Đông Âu đã giữ khoảng cách với Carlos và cấm hắn vào lãnh thổ các nước này. Đông Đức là quốc gia đầu tiên áp đặt lệnh cấm này, tiếp đến là Rumani và Tiệp Khắc. Nhận thấy cánh cửa châu Âu đã đóng sầm với mình, Carlos đã quay trở lại Aden tham gia một cuộc họp của các phần tử cực đoan Palextin, song nhanh chóng nhận ra rằng hắn không còn gắn bó với sự nghiệp của người Palextin. Khi mạng lưới ủng hộ đổ sụp dưới chân mình, “Chó rừng” nóng lòng tìm kiếm chỗ ẩn náu an toàn. Hắn đã ẩn náu ở Xyri với một cái tên giả. Ở cái tuổi 39, Carlos đã gần như “về hưu non”. Cộng đồng tình báo thế giới lúc này coi hắn là nhân vật đã hết thời.

Carlos tại phiên tòa xét xử y ở Pari năm 1997.


Có lẽ Carlos đã chịu cảnh đời tàn trong ngõ hẹp nếu không có hai sự kiện quan trọng trong lịch sử. Sự kiện đầu tiên là sự sụp đổ của Bức tường Béclin hồi tháng 11/1989. Sự kiện thứ hai và cũng là sự kiện quan trọng nhất xảy ra vào tháng 8/1990 khi Saddam Hussein ra lệnh đánh chiếm Côoét. Hậu quả của cuộc xâm lược này, các cơ quan tình báo phương Tây đã nhận được thông tin cho rằng Hussein đang phát động chiến dịch khủng bố, chủ yếu nhằm chống Mỹ và đưa Carlos lên lãnh đạo chiến dịch này.

Phản ứng trước thông tin này, CIA và MI6 của Anh đã phái các điệp viên đi tìm Carlos. Khi cuộc chiến leo thang dữ dội, Xyri đã thể hiện lập trường ngày càng hợp tác hơn với phương Tây. Để ủng hộ liên minh mới thành lập này, Tổng thống Xyri lúc bấy giờ Haffez al-Assad đã quyết định trục xuất Carlos và ra lệnh cho cơ quan tình báo nước này hỗ trợ CIA và DST lùng bắt hắn. Mặc dù công khai ủng hộ kế hoạch trên, song Tổng thống al-Assad không cho phép Carlos bị bắt trong lãnh thổ Xyri, điều này đồng nghĩa với việc Carlos sẽ bị bắt nếu rời Xyri. Một cơ hội đã xuất hiện khi Carlos, đang thiếu tiền, lên kế hoạch tới Tiệp Khắc để lấy tiền gửi ở một ngân hàng địa phương. Tình báo Xyri đã thông báo chi tiết chuyến đi này cho CIA, song người Mỹ lại không có quyền bắt các phần tử khủng bố ở nước ngoài trừ phi chúng phạm tội chống Mỹ. Do đó, CIA đã bắn thông tin này cho DST, song đến phút chót Carlos lại hủy chuyến đi này.

Cuối cùng, tháng 9/1991, Carlos đã bị trục xuất khỏi Xyri và buộc phải tìm đường tới Libi. Hắn tới sân bay Tripoli với Magdelana Kopp, đứa con gái 5 tuổi, và Johannes Weinrich. Tại đây, họ chỉ lưu lại được vài ngày và bị buộc phải quay lại Xyri rồi xoay sở chuồn tới Gioócđani.

Sau một thời gian sống ở Gioócđani, Carlos đã bỏ Kopp, cặp kè với một phụ nữ Gioócđani tên là Abdel Salam Adhman Jarrar Lana, 23 tuổi. Cuộc chia tay này đã khiến Kopp, con gái và mẹ chồng bỏ về Vênêxuêla. Sau đó, Carlos đã cưới Abdel theo luật Hồi giáo cho phép đa thê. Trong hai năm sau, Carlos tiếp tục tìm kiếm quốc gia cung cấp cho hắn chỗ trú ẩn an toàn. Cuối cùng hắn tới thủ đô Khắctum (Xuđăng) dưới sự bảo hộ của Sheik Hassan al-Turabi, thủ lĩnh Hồi giáo đầy quyền lực. Carlos nhanh chóng lập cuộc sống mới tại đây, giành nhiều thời gian hòa nhập xã hội và tiệc tùng tại các câu lạc bộ đêm và nhà hàng mà không nhận ra rằng cuộc sống khá tự do của hắn sẽ nhanh chóng kết thúc.

Cuốn sách viết về cuộc đời của Carlos “Chó rừng”.


Để tóm Carlos, chính phủ Pháp biết rằng lựa chọn duy nhất là thuyết phục chính quyền Xuđăng từ bỏ hắn. Chính sách này dường như đã mang lại hiệu quả khi CIA nhận được thông tin cho biết chính xác chỗ ở của Carlos. Ngay lập tức, người Pháp phái Phillipe Rondot, sỹ quan tình báo từng nhiều lần theo đuổi Carlos trước đây, tới Xuđăng để xác nhận thông tin này. Để bàn cách dẫn độ Carlos, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Charles Pasqua đã mời thủ lĩnh Sheik Hassan al-Turabi tới Pari. Cuối cùng, tháng 8/1994, al-Turabi đã thông báo với chính phủ Pháp rằng Carlos sẽ bị bỏ rơi.

Ngày 13/8, Carlos bất ngờ phải nhập viện, tại đây Carlos được thông báo rằng có một âm mưu ám sát hắn và khuyên hắn chuyển sang một bệnh viện quân y. Song thay vì tới bệnh viện quân y, hắn cùng vợ đã bị áp tải tới trụ sở an ninh quốc gia trước khi bị dẫn tới một biệt thự ở vùng ngoại ô có tên là Taif, gần nhà của thủ lĩnh Sheik al-Turabi. Carlos không phản đối về sự thay đổi kế hoạch này do được bảo là để bảo vệ an toàn cho hắn.

Tại đây, hắn đã bị một nhóm người còng tay, chân, trùm kín đầu, tiêm thuốc mê, tống hắn lên một chiếc xe tải hướng tới sân bay Khắctum, nơi có một máy bay phản lực riêng đang chờ sẵn. Sáu giờ rưỡi sau, máy bay phản lực này đã hạ cánh xuống sân bay quân đội Villacoublay, ngoại ô Pari.

Ngày 12/12/1997, Carlos được áp tải tới tòa án và đứng trước vành móng ngựa. Trước tòa, các chứng cứ đã được phơi bày, song Carlos luôn cho rằng việc bắt giữ hắn là không chính đáng. Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, Carlos đã giở mọi thủ đoạn nhằm đối phó với các cáo trạng. Cuối cùng tòa án đã tuyên phạt mức án chung thân đối với Carlos. Tới nay, tên khủng bố có biệt hiệu “Chó rừng” này vẫn đang bị giam cầm tại nhà tù Le Sante. Hắn chủ yếu giành thời gian đọc sách, viết lách và xem TV. Có một số câu chuyện liên quan đến “đặc quyền” của hắn ở trong tù, song giống như phần nhiều cuộc đời của hắn, chuyện hoang đường vẫn nhiều hơn sự thật.

Lương Tuấn (Tổng hợp)

Carlos “Chó rừng” – Cái tên đáng sợ trong thập niên 1970 (Kỳ 4)
Carlos “Chó rừng” – Cái tên đáng sợ trong thập niên 1970 (Kỳ 4)

Sau cái chết của Haddad, Carlos tự do tiếp cận nhiều chiến dịch của Mặt trận Nhân dân vốn đang chưa có thủ lĩnh. Kế hoạch của Carlos là thành lập một nhóm những trợ thủ có kinh nghiệm có khả năng thực hiện nhiều chiến dịch cùng một lúc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN