Song sinh dính liền là các cặp song sinh có một phần cơ thể dính vào nhau. Song sinh dính liền xảy ra với tỷ lệ 1/200.000 ca sinh còn sống. Khoảng 70% cặp song sinh dính liền là nữ. Các trường hợp song sinh dính liền đều cùng giới tính.
5 loại song sinh dính liền phổ biến nhất là: dính ngực (tim, gan, ruột); dính rốn (gan, cây mật, ruột); dính lưng (cột sống, trực tràng, đường niệu-sinh dục); dính chậu-hông (xương chậu, gan, ruột, đường niệu-sinh dục); và dính chẩm (não, màng não).
Các nhà khoa học cho rằng các cặp song sinh dính liền phát triển từ một trứng thụ tinh duy nhất mà không thể tách rời hoàn toàn khi phân chia.
Cặp song sinh Trung Phi dính nhau ở đầu, được tách sau 18 giờ phẫu thuật
Theo kênh CNN (Mỹ), Ervina và Prefina là hai bé gái 2 tuổi song sinh dính liền cực kỳ hiếm gặp và đã được tách rời thành công tại bệnh viện nhi Bambino Gesù ở Vatican City.
Hai em dính nhau ở phần sọ và để tách rời phần này ra, ca phẫu thuật cần 30 bác sĩ, y tá và 18 giờ để hoàn thành. Hai bé gái tới từ CH Trung Phi, được phẫu thuật ngày 5/6/2020 và dự kiến phục hồi hoàn toàn.
Đây là lần đầu tiên các bác sĩ ở Italy tách thách công cặp song sinh dính liền ở phần sọ và các mạch máu chính. Y học thế giới chưa ghi nhận ca can thiệp nào thành công ở dạng song sinh dính liền này.
Nhóm phẫu thuật cho biết đây là một trong những dạng dính liền hiếm nhất và phức tạp nhất. Họ đã chuẩn bị phẫu thuật trong hơn một năm.
Chủ tịch bệnh viện, bà Mariella Enoc đã gặp cặp song sinh trong một chuyến thăm CH Trung Phi tháng 7/2018 và đề nghị cho các em chữa trị ở Rome.
Cặp song sinh tới Italy vào tháng 9/2018 cùng mẹ là Ermine và giai đoạn đầu trong quá trình điều trị diễn ra vào tháng 5/2019.
Giai đoạn hai diễn ra trong tháng 6/2019 và hai em đã tách nhau vào tháng 5/2020.
Ông Carlo Marras, trưởng khoa phẫu thuật thần kinh tại bệnh viện, nói: “Đó là một khoảnh khắc hạnh phúc, một trải nghiệm tuyệt vời và không thể có lần hai. Đó là một mục tiêu rất tham vọng và chúng tôi đã làm mọi thứ để đạt được bằng sự đam mê, tinh thần lạc quan và niềm vui”.
Cặp song sinh đã đón sinh nhật thứ hai vào ngày 29/6 và kiểm tra sức khỏe cho thấy các em đều tốt.
Não của các em không bị tổn thương và ca phẫu thuật thành công sẽ giúp quá trình phát triển nhận thức và vận động bình thường.
Mẹ hai bé nói: “Ervina và Prefina đã được sinh ra lần hai. Các con tôi giờ có thể lớn lên, học hành và trở thành bác sĩ để cứu những trẻ em khác”.
Cặp song sinh Bhutan, được phẫu thuật tách nhau ở Australia
CNN ngày 9/11/2018 đưa tin gặp song sinh dính liền người Bhutan đã tới Australia để phẫu thuật tách rời.
Hai em tên là Nima và Dawa Pelden, sinh ra đã dính nhau ở phần bụng và lớn lên trong cảnh lúc nào cũng đối diện nhau, không thể di chuyển độc lập.
Các em được đưa tới Australia hồi tháng 10/2018 để phẫu thuật tách rời. Quy trình tách rời kéo dài 6 giờ với sự tham gia của 25 bác sĩ phẫu thuật, y tá và người gây mê. Ca phẫu thuật này tốn khoảng 180.000 USD và do một quỹ từ thiện Australia chi trả.
Phát biểu sau ca phẫu thuật thành công, Tiến sĩ Joe Crameri, trưởng khoa phẫu thuật nhi tại Bệnh viện Nhi Hoàng gia Melbourne, nói ông rất vui sướng và nhẹ người.
Xem video về hai bé song sinh khi đã rời nhau (nguồn: CNN):
Sau ca phẫu thuật, hai em ở lại Australia để hồi phục và được giám sát y tế. Các bác sĩ cho biết hai em lúc nào cũng muốn ở gần nhau dù giờ không còn dính vào nhau ở bụng nữa. Y tá kể họ để hai em ngủ ở hai giường như các em không thích, luôn tìm tới nhau và đan chân vào nhau.
Nima và Dawa được sinh mổ năm 2017 và là cặp song sinh dính liền đầu tiên ở Bhutan. Ngoài vấn đề về vận động, trước ca phẫu thuật, hai em mất cân khiến bác sĩ lo lắng.
Mẹ hai em, bà Bhumchu, đã cảm ơn bệnh viện và người ủng hộ đã dõi theo mình và các con khi ở Melbourne. Bà nói: “Cuộc sống của tôi ở Australia thoải mái vì sự đối xử tốt bụng của tất cả mọi người. Với những người Bhutan ở Australia đã đóng góp cho tương lai các con tôi, tôi sẽ mãi biết ơn sự hào phóng của họ”.
Cặp song sinh Pakistan dính đầu, tách nhau sau 50 tiếng phẫu thuật
CNN ngày 16/7/2019 đưa tin cặp song sinh Pakistan dính nhau ở đầu cuối cùng đã có thể sống độc lập sau ca phẫu thuật 50 tiếng với sự tham gia của 100 chuyên gia y tế Anh.
Hai bé Safa và Marwa Ullah chào đời tháng 1/2017 trong sự ngạc nhiên của mẹ vì mẹ các em không biết mình sẽ sinh đôi, chứ chưa nói tới chuyện sinh đôi dính liền.
Thống kê cho thấy cứ 5 cặp sinh đôi dính đầu thì có 2 cặp chết lưu hoặc chết trong khi sinh. 1/3 số cặp song sinh dạng này không thể sống qua 24 giờ đầu.
May mắn là trong trường hợp của hai chị em Ullah, có một nhà hảo tâm giàu có đã chi trả toàn bộ chi phí đi lại cho các em từ Pakistan tới Bệnh viện Phố Great Ormond London (GOSH)
GOSH là một trong vài bệnh viện hiếm hoi trên thế giới có cơ sở vật chất, trang thiết bị và chuyên gia để tách các cặp song sinh dính liền. Bệnh viện này tách nhiều cặp song sinh nhất thế giới.
Từ khi tới Anh, hai bé gái trải qua ba cuộc phẫu thuật từ tháng 10/2018 tới khi hai bé được tách rời vào 11/2/2019
Quy trình phẫu thuật này vô cùng hiếm. Cơ hội một cặp song sinh dính đầu được phẫu thuật chỉ là 1/10 triệu. Khoảng 5% cặp song sinh dính liền ở đầu.
Sau khi tham vấn với bác sĩ ở Pakistan, bệnh viện GOSH đã đón hai bé tới để dành 4 tháng điều trị cho các bé.
Bí mật của quy trình rất phức tạp này là chia tách thành các bước nhỏ và dễ thực hiện. Các chuyên gia đã dùng công nghệ thực tế ảo mô phỏng ca giải phẫu hai bé gái nhằm hình dung ra sọ các em và vị trí não cũng như mạch máu. Trong hai đến ba quy trình đầu tiên, họ tập trung tách phần não và mạch máu. Sau khi giai đoạn này hoàn thành, họ dùng một miếng nhựa để tách hai phần não.
Sau đó, họ tập trung vào bên ngoài. Nhóm phẫu thuật đã dùng xương trên đỉnh sọ của các bé gái và thiết bị mở rộng mô để kéo giãn da dầu các em.
Ca phẫu thuật cũng có lúc trục trặc khi hai bé bắt đầu cháy máu sau khi các cục máu đông hình thành ở cổ Safa và cô bé bắt đầu truyền máu sang Marwa.
Khi nhịp tim của Marwa giảm, các bác sĩ sợ sẽ mất cô bé nên họ quyết định trao cho cô bé mạch máu chính mà cô bé có chung với em gái.
Xuất viện ngày 1/7/2019, hai bé gái được cho là sẽ hồi phục dù còn nhiều thách thức.