Bỏ phiếu trong lịch sử bầu cử Mỹ: Từ hét tên, phiếu đục lỗ đến màn hình cảm ứng

Từ việc hét tên các ứng cử viên, sử dụng phiếu đục lỗ có khi bị "dính", cho đến chạm vào màn hình điện tử, quá trình bỏ phiếu bầu cử đã trải qua một lịch sử lâu dài và đôi khi trắc trở ở Mỹ.

Chú thích ảnh
Cử tri bỏ phiếu bằng máy gạt từ đầu thế kỷ 20 tại Mỹ. Ảnh: Getty Images

Bỏ phiếu là nền tảng của nền dân chủ Mỹ nhưng hiến pháp nước này không quy định chính xác cách cử tri phải bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử. Điều 1, Mục 4 của Hiến pháp Mỹ chỉ đơn giản nói rằng, mỗi tiểu bang được tuỳ chọn xác định “Thời gian, Địa điểm và Cách thức tổ chức Bầu cử”. 

Vì thế trong hơn 200 năm qua, cơ chế bỏ phiếu đã phát triển từ bỏ phiếu bằng giọng nói, bằng máy gạt đòn bẩy, phiếu giấy đục lỗ cho đến chạm vào các màn hình cảm ứng.

Bỏ phiếu bằng giọng nói

Trong 50 năm bầu cử đầu tiên của Mỹ, hầu hết các cuộc bỏ phiếu không được thực hiện kín và các cử tri thậm chí không đưa ra lựa chọn của họ trên lá phiếu giấy. Thay vào đó, những người có quyền bầu cử (chỉ có đàn ông da trắng vào thời điểm đó) đã đến tòa án địa phương và bỏ phiếu công khai bằng cách hét to lựa chọn của mình.

Được gọi là “viva voce” (bỏ phiếu bằng giọng nói), hình thức bỏ phiếu công khai này được đưa vào luật ở hầu hết các bang cho đến đầu thế kỷ 19 và bang Kentucky đã duy trì nó vào cuối năm 1891. Khi cử tri đến tòa án, thẩm phán sẽ yêu cầu họ tuyên thệ trên một cuốn Kinh thánh rằng họ cung cấp thông tin trung thực và chưa bỏ phiếu. Sau khi tuyên thệ, cử tri sẽ nói to tên ứng cử viên mà mình lựa chọn. 

Các chiến dịch vận động được cho phép ngay tại địa điểm bỏ phiếu và bầu không khí lễ hội say xỉn thường đi kèm với các cuộc bầu cử Mỹ ở thời kỳ đầu này. Điều đó có thể giải thích tại sao các cuộc bầu cử trong thời đại bỏ phiếu bằng giọng nói lại có tỷ lệ cử tri đi bầu cao tới 85%.

Chú thích ảnh

Những lá phiếu giấy đầu tiên

Những lá phiếu giấy đầu tiên bắt đầu xuất hiện vào đầu thế kỷ 19, nhưng chúng không có tiêu chuẩn chung, thậm chí còn không được in bởi giới chức bầu cử. Ban đầu, những lá phiếu không khác gì những mảnh giấy mà trên đó cử tri viết nguệch ngoạc tên các ứng cử viên của mình và bỏ vào thùng phiếu. Sau đó, các tờ báo bắt đầu cho in những lá phiếu trống mà độc giả có thể cắt ra và điền tên vào các ứng cử viên họ lựa chọn.

Vào giữa thế kỷ 19, các quan chức đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ của bang bắt đầu phân phát tờ rơi in sẵn cho cử tri, nhưng chỉ liệt kê các ứng cử viên của đảng họ. Chúng được gọi là "vé" Cộng hòa và Dân chủ vì những lá phiếu hình chữ nhật nhỏ đó giống như vé tàu. Những người trung thành với đảng có thể sử dụng hợp pháp tấm vé in sẵn này làm lá phiếu thực tế của họ.

Chú thích ảnh
Một gia đình Mỹ theo dõi phát biểu của Tổng thống Kennedy sau cuộc bầu cử năm 1960. Ảnh: Getty Images

Bỏ phiếu giấy "kiểu Úc"

Các cuộc bầu cử bằng phiếu giấy ở nửa sau thế kỷ 19 thường dẫn đến cáo buộc gian lận bầu cử và xuất hiện nhiều lời kêu gọi cải cách bầu cử. Cuối cùng một giải pháp đã đến từ Australia, quốc gia đi tiên phong trong chuẩn hóa lá phiếu giấy do chính phủ in ấn vào năm 1858.

Lá phiếu bầu cử “kiểu Úc”, in tên của tất cả các ứng cử viên và phát cho cử tri tại phòng bỏ phiếu, đã lần đầu tiên được bang New York và Massachusetts cho phép sử dụng vào năm 1888.

Máy bỏ phiếu 

Vào cuối thế kỷ 19, Jacob H. Myers đã phát minh ra máy bỏ phiếu “Bốt tự động” hoạt động bằng cơ chế đòn bẩy, một kỳ công kỹ thuật sau đó thống trị các cuộc bầu cử ở Mỹ từ năm 1910 đến năm 1980.

Douglas Jones, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Iowa, đã nghiên cứu lịch sử của máy bỏ phiếu và kết luận rằng thiết bị đột phá của Myers có nhiều bộ phận chuyển động hơn bất kỳ loại máy nào khác thời đó, bao gồm cả ô tô. Những chiếc máy bỏ phiếu ban đầu này nặng hàng trăm cân, trị giá hàng nghìn USD và được lắp đặt ở góc của các tòa thị chính địa phương trong suốt nhiều thập kỷ.

Bỏ phiếu bằng máy rất dễ dàng. Có một cần gạt nhỏ bên cạnh tên của mỗi ứng cử viên và người Mỹ đã bỏ phiếu bằng cách kéo cần gạt của ứng viên mà họ chọn xuống. Nếu muốn bỏ phiếu hàng loạt theo đảng, họ có thể kéo một cần gạt để tự động chọn tất cả các ứng cử viên Đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ.

Chú thích ảnh
Bỏ phiếu bầu cử tại Mỹ năm 1918. Ảnh: Getty Images

Nhưng với chiếc máy như vậy, quá trình kiểm phiếu vô cùng phức tạp. Có tới 200 hoặc nhiều hơn thế đòn bẩy trên mặt máy và đằng sau mỗi cần gạt là các cơ chế ngăn không cho phiếu bầu được đếm cho đến khi kéo đòn bẩy cuối cùng (trong trường hợp một cử tri đổi ý). 

Không một đòn bẩy nào trong máy tiêu tốn điện. Jones nói: “Sức mạnh duy nhất cần có là sức mạnh cơ bắp để kéo các cần gạt bỏ phiếu cho ứng cử viên và sau đó là sức mạnh cơ bắp hơn để di chuyển đòn bẩy lớn mở và đóng bức màn”.

Hầu hết các cử tri đều không biết rằng hành động mở tấm màn ở quầy bỏ phiếu cũng là thực hiện kiểm phiếu luôn và đặt lại máy cho cử tri tiếp theo. Giáo sư Jones cho biết: “Những cỗ máy này đã truyền cảm hứng cho công chúng một cách phi thường vì sức mạnh vật lý tuyệt đối của chúng”. 

Thẻ đục lỗ

Hệ thống bỏ phiếu thẻ đục lỗ đầu tiên ra đời vào những năm 1960, khi các công ty như IBM sản xuất thẻ đục lỗ trông giống như tương lai của thời đại máy tính. Jones nói, sự đổi mới tuyệt vời của thẻ đục lỗ là các lá phiếu có thể được đếm bằng máy tính, sau đó có thể tạo ra các bảng số phiếu bầu ngay lập tức vào đêm bầu cử, điều mà các cử tri ngày nay đã cho là đương nhiên.

Nhưng các hệ thống này cũng có những hạn chế, thể hiện rõ ràng trong cuộc kiểm phiếu lạiở cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 đầy tai tiếng tại bang Florida. Mỗi khi cử tri đưa ra lựa chọn, tấm thẻ sẽ được đục lỗ và mẫu giấy hình chữ nhật nhỏ gọi là “chad” sẽ bật ra từ phần đục lỗ đó. Tuy nhiên rắc rối xảy ra khi “chad” không được tách ra hoàn toàn, mà vẫn dính ở lại lỗ, gọi là “phiếu treo” hoặc “phiếu lúm đồng tiền”.

Trong cuộc kiểm phiếu lại ở Florida, các quan chức bầu cử phải kiểm tra từng lá phiếu bấm lỗ bằng tay để xác định xem nên đếm hay vứt bỏ những lá phiếu bị treo hoặc “lúm đồng tiền”.

Chú thích ảnh
Nhân viên bầu cử kiểm phiếu tại Mỹ. 

Bỏ phiếu điện tử

Sau cuộc kiểm phiếu lại ở Florida, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Hỗ trợ Bỏ phiếu năm 2002, trong đó quy định các tiêu chuẩn cao hơn đối với thiết bị bỏ phiếu được sử dụng trong các cuộc bầu cử liên bang.

Đạo luật cho rằng công nghệ màn hình cảm ứng sẽ là tương lai của việc bỏ phiếu, và vào đầu những năm 2000, đã xuất hiện một làn sóng lớn áp dụng máy bỏ phiếu bằng màn hình cảm ứng, dù sau đó cũng có phản ứng mạnh với điều này.

Mặc dù các bang và thành phố đã chi hàng triệu USD để nâng cấp thiết bị bỏ phiếu, nhưng không phải tất cả các máy bỏ phiếu màn hình cảm ứng mới đều được tạo ra như nhau, và trục trặc phần mềm đã gây ra một số lỗi. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, các máy bỏ phiếu điện tử ở 21 bang còn bị cho là đã trở thành mục tiêu của tin tặc.

Do đó, một số tiểu bang đã loại bỏ các máy bỏ phiếu màn hình cảm ứng đắt tiền và trở lại với bỏ phiếu bằng giấy.

Chú thích ảnh
Bỏ phiếu bằng máy điện tử tại Laguna Beach, California trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ ngày 6/11/2018. : AFP/Getty Images

Công nghệ quét quang học

Ngay sau khi máy bỏ phiếu bằng thẻ đục lỗ đầu tiên được tung ra thị trường vào những năm 1960, một công nghệ bỏ phiếu cạnh tranh khác được gọi là máy quét quang học cũng ra đời. Các máy bỏ phiếu này được lấy cảm hứng trực tiếp từ các biểu mẫu có thể quét được sử dụng để chấm điểm tự động các bài  thi.

Trước lo ngại về việc máy bỏ phiếu bị tin tặc tấn công và ngày càng có nhiều bang khuyến khích bỏ phiếu sớm qua thư, công nghệ quét quang học hiện là cách phổ biến nhất để bỏ phiếu ở Mỹ. Các lá phiếu theo form điền có thể dễ dàng được gửi đến các cử tri, giảm nhu cầu về các tình nguyện viên tại địa điểm bỏ phiếu và mở rộng đáng kể khung thời gian bỏ phiếu sau ngày bầu cử. Ngoài ra, công nghệ quét quang học có chi phí thấp và không xảy ra tình trạng lỗi dính lỗ ở thẻ đục lỗ.

Chú thích ảnh
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo History)
Con đường tới ‘giấc mơ Mỹ’ của thân mẫu Tổng thống Donald Trump
Con đường tới ‘giấc mơ Mỹ’ của thân mẫu Tổng thống Donald Trump

Từ một người nhập cư nghèo gốc Scotland, bà Mary Anne MacLeod Trump đã nhanh chóng trở thành nhân vật vai vế ở New York City trước khi sinh hạ ra vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN