Kỳ 1: Động cơ giết người hàng loạt
Theo tờ Dailymail, ông Jerry Taylor rất thích chơi Golf và vì vậy không có gì ngạc nhiên khi vào một buổi chiều nắng chói chang vào tháng 3/2002, người ta thấy ông đang đánh Golf trên sân ở Tucson, Arizona.
Không may cho người bán hàng thực phẩm đông lạnh 60 tuổi này khi ông đã rơi vào tầm ngắm của một người đang nheo mắt nhìn qua ống ngắm một khẩu súng trường. Người này đang ẩn nấp trong sa mạc xung quanh khu vực đánh Golf.
Ông Jerry tội nghiệp không có cơ hội thoát chết. Viên đạn găm vào lưng ông và ông chết ngay lập tức.
Kẻ tấn công đã kéo thi thể ông gần 5m để giấu sau bụi cây, lục túi để tìm ví nạn nhân nhưng lại ném ví đi mà không lấy 15 USD bên trong.
Vụ sát hại ông Taylor lẽ ra chỉ bị coi là một vụ giết người bằng súng đạn ở một quốc gia có hàng nghìn vụ xả súng gây chết người mỗi năm. Tuy nhiên, vụ việc đã được đưa ra ánh sáng và hóa ra ông là nạn nhân của một kẻ tâm thần khét tiếng với cái tên “kẻ bắn tỉa Washington”.
Câu chuyện của ông Taylor và 16 nạn nhân khác của tay súng bắn tỉa đang được kể lại trong một loạt phim tài liệu mới vừa xuất hiện trên Kênh 4.
Đây là loạt phim sáu phần với kinh phí lớn, mất hơn bốn năm thực hiện với các cuộc phỏng vấn 300 người.
Bộ phim tài liệu “I, Sniper: The Washington Killers” (tạm dịch: Tôi, kẻ bắn tỉa: Những sát thủ Washington) là góc nhìn pháp y tại hiện trường về hành trình giết người mà kẻ bắn tỉa và đồng phạm gây ra. Đây là một trong những vụ giết người hàng loạt kinh hoàng nhất trong lịch sử tội phạm Mỹ.
Sự tàn nhẫn của thủ phạm đã khiến Mỹ thực hiện một cuộc truy lùng lớn để tìm hai tên giết người làm tê liệt Washington DC khi mới chỉ hơn một năm sau vụ khủng bố 11/9/2001, gây ra nỗi sợ hãi của toàn dân.
Trong hơn ba tuần vào tháng 10/2002, cựu binh chiến tranh Vùng Vịnh John Muhammad và đồng phạm tuổi thiếu niên Lee Malvo đã gây ra nỗi sợ khắp thủ đô nước Mỹ và các vùng ngoại ô khi dùng súng trường Bushmaster bắn bừa bãi người dân.
Theo bộ phim tài liệu, hai thủ phạm nói trên là người yêu đồng tính. Động lực của các vụ giết người là nỗi ám ảnh của Muhammad về việc trả thù vợ cũ vì thất bại trong cuộc chiến giành quyền nuôi con.
Giờ đây, đã gần 20 năm kể từ khi các tay súng bắn tỉa Washington khiến cả nước Mỹ sống trong lo sợ. Muhammad, một người Mỹ da đen, đã bị hành quyết bằng tiêm thuốc vào ngày 10/11/2009 tại Trung tâm Cải tạo Greensville ở Virginia.
Tuy nhiên, Malvo, hiện 36 tuổi, vẫn đang phải chịu nhiều bản án chung thân tại nhà tù Supermax Red Onion State, và anh ta đã đồng ý trả lời phỏng vấn trong thời gian dài cho loạt phim.
Cả hai người đều xuất thân từ những gia đình có vấn đề. Muhammad được dì nuôi dưỡng ở Baton Rouge (Louisiana) sau khi mẹ chết vì ung thư lúc anh ta mới 3 tuổi. Còn Malvo bị cha mẹ người Jamaica là Leslie và Una bỏ rơi trên đảo Antigua thuộc vùng Caribe, nơi anh ta phải kiếm sống bằng nghề bán đĩa CD lậu.
Sau khi gia nhập quân đội Mỹ, Muhammad được thăng cấp bậc trung sĩ, nhưng anh ta cũng tham gia vào tổ chức dân tộc chủ nghĩa da đen “Nation Of Islam” (Quốc gia Hồi giáo) và đổi họ từ Williams thành Muhammad. Tuy nhiên, theo người vợ thứ hai là Mildred, thời gian phục vụ trong chiến tranh Vùng Vịnh đã thay đổi anh ta. Bà nói: “Tôi tin rằng điều gì đó đã xảy ra trong chiến dịch Bão táp sa mạc”.
Năm 1999, sau 14 năm chung sống, hai vợ chồng chia tay vì Muhammad có hành vi bạo lực và thói trăng hoa.
Năm sau đó, Muhammad bắt cóc ba đứa con và trốn đến Antigua. Chỉ sau khi anh ta trở về Mỹ để sống ở Bellingham, một thị trấn ở bang Washington gần biên giới Mỹ với Canada, cảnh sát mới bắt được anh ta.
Trong một phiên tòa tiếp theo vào ngày 4/9/2001, Muhammad phát hiện ra Mildred đã ly hôn với mình khi anh ta vắng mặt. Tòa đã trao cho vợ cũ toàn quyền chăm sóc các con và điều đó trở thành lý do xâu xa dẫn tới hành vi giết người của anh ta.
Mildred xuất hiện tại tòa cùng với kế toán cũ của họ, Isa Nichols. Isa Nochols cũng là bạn thân của gia đình họ và sau đó, chính cháu gái của Isa trở thành nạn nhân đầu tiên của tay súng bắn tỉa. Lúc này, Muhammad đã có đồng phạm là Lee Malvo, khi đó 15 tuổi, người mà anh ta tình cờ gặp ở Antigua.
Theo lời khuyên của Muhammad, Malvo đọc sách quân sự và lịch sử, đồng thời nghe các bài phát biểu của lãnh đạo “Quốc gia Hồi giáo” Louis Farrakhan.
Dần dần, cặp đôi nảy sinh mối quan hệ đồng tính. Tuy nhiên, Malvo chưa đủ tuổi thành niên, nên hành động của Muhammad bị coi là hiếp dâm theo luật định.
Từng giành được Huy hiệu Chuyên gia Súng trường trong quân đội, Muhammad bắt đầu tập luyện cho Malvo để trở thành một tay súng bắn tỉa. Muahmmad đưa Malvo đến một trường bắn và tập luyện để nâng thể lực cho Malvo.
Tuy nhiên, mẹ của Malvo là Una đã không từ bỏ con trai và bà đến Washington hai tháng sau đó để tìm kiếm con.
Malvo đã bị Lực lượng biên phòng bắt giữ và trước khi trả về cho mẹ, các nhân viên di trú đã lấy dấu vân tay của Malvo và nhập vào cơ sở dữ liệu. Chính những dấu vân tay này cuối cùng sẽ dẫn đến cái kết của Malvo.
Nhưng bà Una đã không thể níu kéo con trai mình được lâu. Anh ta sớm gặp lại Muhammad và vào lúc 7 giờ tối 16/2/2002, hai người đã lấy mạng nạn nhân đầu tiên. Cháu gái của Isa Nichols là Keenya, một người mẹ 21 tuổi sống với dì ở Tacoma (Washington), đã bị bắn khi mở cửa trước.
Lúc đầu, cả cảnh sát và Isa Nichols đều không nghĩ vụ giết người này liên quan tới mối quan hệ bạn bè với vợ cũ của Muhammad và họ không có lý do gì để cho rằng nó là vụ việc khởi đầu của một vòng xoáy bạo lực có vẻ ngẫu nhiên, trong đó tổng cộng 17 người bị bắn chết và sáu người bị thương.
Theo Malvo, họ muốn thực hiện nhiều vụ giết người ngẫu nhiên đến mức khi Muhammad bắt đầu nhắm vào vợ cũ thì không ai có thể nghĩ anh ta dính líu tới vụ giết vợ cũ.
Nhưng chính sự bất mãn và xa lánh xã hội của cặp đôi bắn tỉa đã khiến chúng ngày càng nhẫn tâm trong hành động. Hai kẻ sát nhân phẫn nộ vì cái nghèo, chán ghét tình trạng phân biệt chủng tộc mà họ gặp phải và ghê tởm cảnh sát.
Malvo nói: “Muhammad thực sự ghét đất nước. Đó là một cơn thịnh nộ có tính toán, không ngừng nghỉ. Anh ta đổ lỗi cho người da trắng... Anh ta muốn khủng bố nước Mỹ”.
Đón đọc kỳ cuối: Những kẻ giết người ngạo mạn