Bí mật dự án trực thăng cho tổng thống Mỹ-Kỳ 2: Thương vụ hấp tấp

Chương trình VH - 71 diễn ra với một vài điều chỉnh có hàng loạt máy bay được sản xuất ra. Ủy ban nghiên cứu Quốc hội cho biết, mục tiêu của chương trình là cung cấp 23 trực thăng chuyên cơ mới để thay thế cho 19 chiếc hiện nay. Nhưng thực tế, tổng số máy bay được sản xuất lên đến 36 chiếc, trong đó 28 chiếc đã đôi lần được bay thử nghiệm.


 

Tổng thống George W. Bush và đệ nhất phu nhân Laura Bush lên chiếc trực thăng chuyên cơ của tổng thống.

 

Bởi tính cấp thiết của việc chế tạo một loại trực thăng chuyên cơ tốt hơn và an toàn hơn, chương trình này được chia ra làm hai giai đoạn. Các máy bay trực thăng được sản xuất trong giai đoạn một đáp ứng một số yêu cầu kỹ thuật của chương trình và được triển khai từ năm 2009. Chúng được sử dụng để thay thế cho một số trực thăng chuyên cơ hiện đang hoạt động.


Các máy bay của giai đoạn hai phải đáp ứng tất cả các yêu cầu kỹ thuật để thay thế cho số trực thăng còn lại và sau đó là các trực thăng được chế tạo trong giai đoạn một. Các trực thăng sản xuất trong giai đoạn hai được bàn giao vào cuối năm 2011 và toàn bộ phi đội VH - 71 dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2015.


 

Trực thăng VH - 71 trong chuyến bay đầu tiên.

 

Sau vài lần điều chỉnh, nhóm của Lockheed Martin được yêu cầu chế tạo 9 máy bay VH - 71A trong giai đoạn một và 27 máy bay VH - 71B trong giai đoạn hai. Năm trực thăng VH - 71A dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động, thay thế cho những máy bay hiện có. Có thời điểm, Hải quân từng cân nhắc nâng cấp 4 trong số các trực thăng VH - 71A lên tương đương với các tiêu chuẩn của giai đoạn hai và chỉ mua 19 máy bay trong giai đoạn hai. Kế hoạch đó đã bị gạt bỏ để mua 23 trực thăng VH - 71B và cho 5 trực thăng ban đầu dừng hoạt động.


Những yêu cầu đối với Marine One cũng tăng lên khi mà Hải quân và Nhà Trắng đưa ra những đòi hỏi mới về tầm bay, khả năng, liên lạc, khả năng tự bảo vệ và những yêu cầu tiện nghi cho người dùng. Khi kết thúc chương trình, Bộ trưởng Gates nói đùa rằng VH - 71 được cho là sẽ có khả năng phục vụ Tổng thống một bữa ăn có ba món trong quá trình chạy trốn một cuộc tấn công hạt nhân.


Những yêu cầu ngày càng tăng cộng với những vấn đề kỹ thuật đã dẫn đến những trì hoãn trong kế hoạch chuyển giao và làm gia tăng chi phí. Năm 2005, chi phí cho việc phát triển và mua sắm toàn bộ biên đội VH - 71 ước tính lên đến 6,5 tỉ USD. Tính đến tháng 12/2008, tổng chi phí cho dự án đã lên đến 13 tỉ USD. Giai đoạn bay thử nghiệm đối với phi đội VH - 71A đã chuyển sang giữa năm 2012 và thời gian để có phi đội VH - 71B đầy đủ phải chuyển sang năm 2021, chậm 6 năm so với kế hoạch ban đầu.


Chi phí tăng vọt của dự án đã làm dấy lên làn sóng phản đối, buộc Lầu Năm Góc phải báo cáo với Quốc hội và cân nhắc lại dự án vào năm 2007. Tuy vậy, Nhà Trắng, đứng đầu là Tổng thống George W. Bush, đã không ủng hộ ý định này. Đến đầu năm 2009, với việc ông Barack Obama trở thành ông chủ Nhà Trắng cộng với tình hình suy thoái kinh tế, sự ủng hộ giành cho dự án trực thăng VH - 71 ngày một nhạt phai.


Ngày 23/2/2009, Tổng thống Obama đã có cuộc họp với các nghị sĩ. Tại hội nghị này, Thượng nghị sĩ bang Arizona, John McCain, người đứng đầu đảng Cộng hòa trong Ủy ban quốc phòng của Quốc hội, đã chỉ trích nhiều vấn đề, trong đó có các chương trình mua sắm của Lầu Năm Góc, bao gồm cả dự án trực thăng VH - 71.


Tháng 4/2009, khi Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đề cập đến một vài chương trình mua sắm quân sự cao cấp, những ý kiến chỉ trích cho rằng mỗi chiếc trong số 23 trực thăng chuyên cơ được đề xuất sẽ tốn kém hơn so với những chiếc Boeing 747 được chuyển đổi thành chuyên cơ Không lực 1.


Tổng thống Obama đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đánh giá lại toàn bộ dự án và gọi chương trình này là “một ví dụ cho một quy trình mua sắm hấp tấp”. “Chiếc trực thăng tôi hiện đang sử dụng dường như là quá hoàn hảo đối với tôi”, Tổng thống nói. “Dĩ nhiên, trước đây tôi chưa từng có trực thăng riêng. Có lẽ tôi bị lấy mất tiêu chuẩn mà không biết”, ông hài hước.


Khi công bố ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2010 vào hôm 6/4/2009, ông Gates yêu cầu hoãn chương trình trực thăng VH - 71. Ông nhấn mạnh rằng chi phí cho chương trình đã tăng gấp đôi, chương trình đã bị chậm 6 năm, và nó “đứng trước nguy cơ không đáp ứng được các yêu cầu đề ra”.


Ngày 15/5/2009, Giám đốc cơ quan mua sắm của Bộ Quốc phòng Ashton B. Carter thông báo, dự án trực thăng VH - 71 chính thức bị hoãn lại và Hải quân ngay lập tức ra lệnh dừng chương trình.


Tuy nhiên, quyết định kết thúc chương trình đã trở thành một chủ đề tranh cãi nảy lửa giữa các nghị sĩ Quốc hội, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. “Đề xuất chấm dứt chương trình VH - 71 của chính quyền là một trong những biện pháp cắt giảm đáng chú ý nhất trong dự kiến ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2010 và đã trở thành một nội dung thảo luận quan trọng khi bàn về chi phí quốc phòng cho năm tài khóa 2010”, Ronald O’Rourke, chuyên gia phân tích các chương trình của hải quân đã viết như vậy trong bản báo cáo ngày 9/6/2009.


Khánh Chi (Tổng hợp)

 

Đón đọc kỳ sau: Tổng thống vẫn “xài” trực thăng cũ

Bí mật dự án trực thăng cho tổng thống Mỹ
Bí mật dự án trực thăng cho tổng thống Mỹ

Những tưởng việc triển khai dự án chế tạo trực thăng chuyên cơ cho tổng thống Mỹ cũng như các quan chức cấp cao hàng đầu của nước này được đặc biệt ưu tiên, và sẽ được thực hiện “dễ như trở bàn tay”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN