Những tưởng việc triển khai dự án chế tạo trực thăng chuyên cơ cho tổng thống Mỹ cũng như các quan chức cấp cao hàng đầu của nước này được đặc biệt ưu tiên, và sẽ được thực hiện “dễ như trở bàn tay”. Nhưng thực tế cho thấy, số phận của dự án trực thăng dành cho vị tổng thống quan trọng hàng đầu thế giới lại vô cùng lận đận.
Kỳ 1: “Cuộc chiến” của Sikorsky và Lockheed Martin
Sau 10 năm triển khai và tiêu tốn ít nhất 3,3 tỉ USD, chương trình chế tạo loại trực thăng mới phục vụ riêng tổng thống (VH - 71) của lực lượng Hải quân đã thất bại thảm hại. Không cho ra mắt được một phi đội VH - 71 mới trong khi mất một khoản đầu tư khá tốn kém, Mỹ còn phải chi một khoản không nhỏ để kéo dài thời gian hoạt động của các máy bay trực thăng hạng VIP hiện nay để thực hiện các chuyến bay phục vụ tổng thống và các quan chức cao cấp khác.
Trực thăng US101 mà Lockheed Martin đưa ra giới thiệu. |
Chương trình chế tạo trực thăng dành cho tổng thống nhận được sự ủng hộ rộng rãi khi nó bắt đầu được khởi động vào cuối những năm 1990 và giành được sự quan tâm đặc biệt hơn nữa sau khi xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001.
Các tổng thống Mỹ vẫn thường sử dụng máy bay trực thăng cho những quãng đường ngắn. Năm 1957, Tổng thống Dwight D. Eisenhower sử dụng một máy bay trực thăng để đến một địa điểm nghỉ dưỡng thay vì sử dụng một chiếc phi cơ hoành tráng như mọi khi. Kể từ đó, việc sử dụng trực thăng trong những chuyến công cán ngắn trong nội địa trở nên thường xuyên hơn với các đời tổng thống sau này. Nhiệm vụ chuyên chở tổng thống bằng máy bay trực thăng đã được giao cho Lực lượng lính thủy đánh bộ. Đơn vị được vinh dự nhận nhiệm vụ này là Phi đội trực thăng số 1, đóng tại căn cứ Quantico thuộc bang Virginia. Phi đội trực thăng của Lực lượng lính thủy đánh bộ (HMX - 1) được thành lập vào năm 1947 có nhiệm vụ hỗ trợ công tác huấn luyện tác chiến đường không của Lực lượng lính thủy đánh bộ trong kỷ nguyên đang nổi lên của các loại vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Obama lên chiếc Marine One năm 2010. |
Đội hình trực thăng dành để chuyên chở tổng thống được đặt tên là Marine One. Ban đầu, Marine One là một sản phẩm của công ty Sikorsky. Phi đội trực thăng chuyên cơ hiện nay có 11 chiếc VH - 3D Sea Knights và 8 chiếc VH - 60N White Hawk. Cả hai loại trực thăng này đều do công ty Sikorsky chế tạo. Loại trực thăng VH - 3, có nguồn gốc từ loại trực thăng chống ngầm SH - 3 của Hải quân, được đưa vào biên chế cho HMX - 1 từ năm 1975. Và những chiếc VH - 60, một phiên bản cải tiến của loại trực thăng Black Hawk, được bổ sung vào năm 1989.
Chương trình thay thế những chiếc trực thăng cũ được xúc tiến từ tháng 3/1998 khi HMX - 1 gửi lên trên bản yêu cầu mua sắm các trực thăng chuyên cơ mới. Đề nghị này đã được chấp thuận vào tháng 9/1999. Chương trình được đặt dưới sự điều hành của Cơ quan trang bị cho Không quân của Hải quân (NAVAIR) ở Patuxent thuộc bang Maryland. NAVAIR có nhiệm vụ phát triển, thử nghiệm và cung cấp máy bay cho lính thủy đánh bộ và thủy thủ.
Phi đội trực thăng số 1, đóng tại căn cứ Quantico thuộc bang Virginia. |
Theo kế hoạch của NAVAIR, một chiếc Marine One được đưa vào sử dụng trong quý I/2009. Tuy nhiên, sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, kế hoạch này được đẩy mạnh hơn. Cuộc đua để giành được hợp đồng này diễn ra hết sức khốc liệt giữa hai đối thủ là Sikorsky và Lockheed Martin. Cho dù chỉ là một hợp đồng nhỏ nhưng cả hai đều nhận thấy đây là cơ hội quý báu để quảng bá cho các sản phẩm của họ.
Trong khi Sikorsky giới thiệu loại máy bay trực thăng S - 92 do hãng này tự sản xuất thì Lockheed Martin dẫn đầu một nhóm cạnh tranh chào hàng loại trực thăng US101 được phát triển dựa trên phiên bản máy bay AW101 của nhà sản xuất máy bay Agusta Westland, liên doanh giữa Anh và Italia. Các phiên bản khác nhau của loại trực thăng AW101 đã được sử dụng ở một số nước thành viên NATO.
Cả hai nhóm hy vọng rằng việc giành được hợp đồng cung cấp phi đội trực thăng chuyên cơ sẽ mang lại cho họ một lợi thế trong cuộc cạnh tranh đối với chương trình cung cấp máy bay tìm kiếm và cứu nạn CSAR - X cho Không quân cũng như các dự án máy bay trực thăng quân sự khác.
Ngày 28/1/2005, Hải quân trao hợp đồng này cho Lockheed Martin. Nhóm này nhận được khoản đầu tư trị giá 1,7 tỉ USD để phát triển và thử nghiệm loại trực thăng mới này. Loại máy bay mới được đặt tên là VH - 71 hay Kestrel (Chim cắt). Theo các chi tiết của bản hợp đồng, các bộ phận chính của trực thăng VH - 71 sẽ được sản xuất tại các nhà máy của Agusta Westland ở Anh và Italia. Công đoạn lắp ráp cuối cùng sẽ được thực hiện ở nhà máy Bell Helicopter thuộc bang Texas, Mỹ. Động cơ máy bay sẽ do General Electric cung cấp. Hãng này cũng sản xuất động cơ cho các loại trực thăng VH - 3D và VH - 60N.
Tuy nhiên, quyết định này đã gặp sự chỉ trích từ các nghị sĩ cũng như người dân Mỹ. Họ cho rằng đây là một sự sỉ nhục lớn đối với nước Mỹ khi tổng thống của họ phải bay bằng loại trực thăng do nước ngoài sản xuất.
Trong khi đó, theo lý lẽ của Hải quân Mỹ, Lockheed Martin được lựa chọn là bởi họ được đánh giá có khả năng chế tạo được loại máy bay đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của chương trình đúng thời gian và với giá thấp hơn. Vào thời điểm đó, cũng có những báo cáo cho thấy loại trực thăng US101 giành được nhiều sự ủng hộ hơn bởi vì nó có ba động cơ, về mặt lý thuyết là an toàn hơn so với hai động cơ của S - 92.
Khánh Chi (Tổng hợp)
Đón đọc kỳ 2: Thương vụ hấp tấp