Bí ẩn về một vụ án mạng ở Đức

Bí ẩn về một vụ án mạng ở Đức- Kỳ II: Ai có thể là thủ phạm ?

Kỳ II: Ai có thể là thủ phạm ?

Barschel qua đời đã hơn 23 năm, nhưng những lời đồn đoán vẫn không dứt về nguyên nhân cái chết của ông, từ việc cho rằng ông tự tử sau khi để xảy ra vụ bê bối chính trị lớn tới mức phải từ chức cho tới lập luận cho rằng ông đã bị các thế lực như cơ quan mật vụ Mossad của Ixraen, Cơ quan tình báo trung ương (CIA) của Mỹ, KGB của Liên Xô, Stasi của CHDC Đức hay mafia sát hại để bịt đầu mối liên quan tới những vụ môi giới, buôn bán vũ khí.

Khách sạn "Beau-Rivage" tại Geneve, nơi Barschel bị chết.


Mặc dù kết luận chính thức vẫn cho rằng Barschel tự sát, nhưng ý kiến cho rằng Barschel đã bị sát hại đang ngày càng thắng thế và đặc biệt vẫn còn nhiều uẩn khúc chưa được làm sáng tỏ trong vụ án này.


Một nhà báo Đức năm 1996 đã được phép tới Cơ quan Tình báo CHLB Đức (BND) tìm hiểu về vụ án này trong nhiều ngày. Người này cho rằng các cơ quan mật vụ đã biết được lý do cái chết của Barschel là do bị sát hại, nhưng không thể tiết lộ bí mật này cho dư luận vì sợ tác hại khôn lường của nó.


Ông cho biết, cho dù ai là hung thủ thì người đó cũng đã phạm phải sai lầm là cố tình xóa đi dấu vân tay trên cốc rượu vang mà Barschel đã uống trước khi chết. Nếu cho rằng chính Barschel đã tự lau đi thì vì sao vẫn còn dấu một nửa ngón tay đeo nhẫn của Barschel trên cốc rượu, ở vị trí mà ông không thể tạo ra khi cầm cốc rượu để uống, mà là người ta tố tình tạo ra sau đó.

Một công chức cao cấp trong chính quyền CHLB Đức cho biết, vào cái đêm Barschel bị chết có ít nhất một nhân viên của BND có mặt trong khách sạn, nhưng ông không thể nói gì thêm, vì ông bị đe dọa nếu nói ra sẽ bị đuổi việc và mất lương hưu.


Không những thế, ông bị ngầm đe dọa có thể bị "tai nạn giao thông". Cũng có người đã đột nhập vào nhà ông, không lấy đi gì cả, nhưng ngầm nhắc nhở ông phải nhớ tới "nghĩa vụ im lặng" của công chức.

Công tố viên cao cấp Heinrich Wille, người cho rằng Barschel bị sát hại.

Một số cơ quan mật vụ cũng bị tình nghi tham gia vào việc sát hại Barschel, ví dụ như CIA. Các nhà điều tra cũng đang kiểm tra lời khai của nhà buôn vũ khí Dirk Stoffberg, theo đó Robert Gates, sau này là Giám đốc CIA và hiện nay là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã yêu cầu Barschel sang Geneve. Stoffberg nói: "Vào cuối tuần, khi Uwe Barschel bị sát hại, ở Geneve đã diễn ra 2 cuộc gặp gỡ của các nhà buôn vũ khí.


Do biết được công việc làm ăn của Uwe Barschel khi đó, tôi tin chắc rằng các chính khách đang làm môi giới việc bán công nghệ hạt nhân cho Iran và Irắc". Theo Stoffberg, Barschel cũng tham gia vào việc bán tàu ngầm cho Nam Phi. Tuy nhiên, Stoffberg đã không kịp ký vào lời khai có tuyên thệ được nữa, vì ông cùng bạn gái đã chết vào ngày 20/6/1994 trong một tình huống mờ ám. Theo kết luận chính thức thì hai người đã cùng nhau tự sát.

Nhưng các công tố viên ở Luebeck đã lấy lời khai của Stoffberg để làm lý do điều tra và họ đã phát hiện ra một điều đáng kinh ngạc: "Một người đàn ông tên là Gates cũng đi trên chuyến bay ngày 6/10/1987 của hãng hàng không Lufthansa, trên cùng chuyến bay còn có Tiến sĩ Barschel và vợ đi từ Frankfurt tới Geneve". Trong một thông tin mật gửi Viện Công tố ở Luebeck, CIA bác bỏ vị hành khách đó chính là Robert Gates.

Trong một bài viết đăng trên báo "Thế giới Chủ nhật" mới đây, Giáo sư độc dược học Hans Brandenberger bày tỏ nghi ngờ là chính cơ quan mật vụ Ixraen Mossad đã sát hại Uwe Barschel. Ông cho biết, những số liệu phân tích hóa học trong vụ Barschel phù hợp tới từng chi tiết với một diễn biến giết người mà cựu điệp viên Mossad Victor Ostrovsky mô tả trong một cuốn sách.


Đây là lần đầu tiên nhà khoa học này phát biểu về vấn đề ai có thể là hung thủ giết hại Barschel. Ostrovsky cho biết, ông không bất ngờ về những nhận thức khoa học mới trong cái chết của Barschel, vì ông đã biết trước điều đó. Ông tuyên bố sẵn sàng ra làm nhân chứng và khai với các nhà chức trách Đức, với điều kiện ông vẫn ở lại Mỹ. Nhưng cho tới nay, vẫn chưa có nhà chức trách nào chính thức lấy lời khai của ông.

Bà Freya Barschel, vợ góa của Uwe Barschel.

Heinrich Wille, nguyên trưởng ban chuyên án về vụ Barschel cho rằng mối nghi ngờ ngày càng gia tăng là Barschel đã bị một đội sát thủ chuyên nghiệp giết. Ông cho rằng bài báo của Brandenberger có chứa đựng những nhận thức mới cần phải được kiểm tra. Nhưng cho tới nay chưa có một nhân vật cụ thể nào bị nghi ngờ.

Viện Công tố Luebeck cũng nhận được thông tin của Cơ quan tình báo CHLB Đức cho rằng Cơ quan an ninh quốc gia của CHDC Đức có thể liên quan tới cái chết của Barschel. Những tài liệu mật cho thấy Barschel có thể liên quan tới những vụ buôn bán vũ khí với Đông Đức.


Những tài liệu này cho thấy Barschel đã sang CHDC Đức tới 19 lần. Barschel ở tại khách sạn "Neptun" tại Warnemuende và có lẽ đã gặp gỡ các nhân viên an ninh CHDC Đức để tổ chức buôn bán vũ khí với những nước bị cấm vận.

Cuộc điều tra giẫm chân tại chỗ. Cũng bởi vì những nhân chứng quan trọng đã chết. Một người trong đó là Jean Jaques Griessen, nguyên là thám tử tư. Eike, em trai của Uwe Barschel đã thuê Griessen đi điều tra.


Ngày 9/11/1992, khi Griessen hẹn gặp một nhân viên của Cục Hình sự liên bang để thông báo về kết quả điều tra thì bỗng nhiên ông lăn ra chết. Theo biên bản của cảnh sát, Griessen bị đột tử vì bệnh tim bên cạnh một ả gái điếm ở Zuerich.

Năm 1998, Viện Công tố Luebeck đã đình chỉ cuộc điều tra. Nhưng bà Freya, vợ góa của Uwe Barschel vẫn không chịu từ bỏ cuộc đấu tranh để tìm ra sự thật. Bà hoàn toàn không tin chồng mình có thể tự sát.


Thông qua luật sư của mình, bà đề nghị Viện Công tố Liên bang ở Karlsruhe mở lại cuộc điều tra. Nhưng đề nghị của bà đã bị bác bỏ. Bị dằn vặt vì cái chết của chồng trong suốt 23 năm qua, cuối tháng 10/2010, Freya Barschel đã lên đài truyền hình RTL để "gọi hồn" người chồng quá cố. Kim-Anne Jannes, 39 tuổi, từ 14 năm nay là "Medium", là nhân vật “trung gian” để kết nối giữa hai thế giới âm và dương. Trong cuộc "trò chuyện" này, hồn ma của Uwe Barschel đã khẳng định: "Tôi bị sát hại!", tuy nhiên không tiết lộ gì thêm về hung thủ.

Vũ Long (Tổng hợp từ báo chí Đức)

>>> Đón đọc kỳ cuối: Vụ Waterkantgate

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN