Bí ẩn về một vụ án mạng ở Đức

Bí ẩn về một vụ án mạng ở Đức - Kỳ cuối: Vụ Waterkantgate

Kỳ cuối: Vụ Waterkantgate

Trước khi Barschel qua đời, giống như vụ Watergate tại Mỹ, năm 1987 tại bang Schleswig-Holstein của Đức đã xảy ra một vụ bê bối chính trị được giới truyền thông gọi là vụ Waterkantgate, với từ Waterkant theo tiếng địa phương có nghĩa là bờ biển, vì thành phố Kiel, thủ phủ của bang nằm gần bờ biển Bantích. Vụ bê bối này cũng còn được gọi là vụ Barschel theo tên của nguyên Thủ hiến bang Uwe Barschel.

Barschel tại cuộc họp báo năm 1987 với câu nói nổi tiếng về "Lời hứa danh dự".


Những sự việc xảy ra trước cuộc bầu cử nghị viện bang Schleswig-Holstein năm 1987 đã trở thành một trong những vụ bê bối chính trị lớn nhất ở CHLB Đức. Mặc dù liên tục cầm quyền ở bang này từ năm 1950, nhưng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) đã tiến hành một cuộc vận động tranh cử quyết liệt vào năm 1987. Lo sợ trước khả năng thất bại trong cuộc bầu cử, CDU đã công kích kịch liệt các đối thủ chính trị, đặc biệt là ứng cử viên hàng đầu của Đảng DCXH Đức (SPD) là Bjoern Engholm.

Để tiến hành vận động tranh cử, đương kim Thủ hiến bang Schleswig-Holstein Uwe Barschel, đã nhờ nhà xuất bản Axel Springer giới thiệu cho nhà báo Reiner Pfeiffer, về mặt chính thức được bổ nhiệm làm phát ngôn viên báo chí và chịu trách nhiệm theo dõi báo chí. Nhưng trên thực tế, Pfeiffer đã tiến hành một loạt hoạt động nhằm bôi nhọ đối thủ chính trị của CDU như đâm đơn nặc danh tố cáo Engholm trốn thuế với nhiều số liệu chi tiết, nhưng không đủ để tiến hành một cuộc điều tra hình sự đối với Engholm.

Ngoài ra, Pfeiffer cũng đã thuê thám tử theo dõi Bjoern Engholm với hy vọng có thể phát hiện điều gì trong cuộc sống riêng của ông này để sử dụng cho cuộc vận động tranh cử. Không những thế, Pfeiffer còn gọi điện về nhà Engholm, giả danh là bác sĩ Wagner nói rằng Engholm đã bị nhiễm bệnh AIDS, tung ra lời đồn là Engholm có quan hệ đồng tính luyến ái. Y giả mạo một thông cáo báo chí của Đảng Xanh tại bang Schleswig-Holstein nhằm gây nên bất hòa giữa SPD và Đảng Xanh cũng như reo rắc tin đồn gây chia rẽ trong Cộng đồng cử tri độc lập Schleswig-Holstein (UWSH)...

Bjoern Engholm, đối thủ đáng gờm của Barschel trong cuộc bầu cử năm 1987.


Trong số ra ngày 14/9/1987, tạp chí "Tấm gương" đăng một bài dài về việc Engholm bị theo dõi, bị tố cáo nặc danh về tội trốn thuế và những hoạt động nhằm chia rẽ UWSH. Đặc biệt, Pfeiffer thừa nhận y đã thực hiện những hành vi đó theo lệnh của Barschel. Trong tuần lễ trước ngày bầu cử, Barschel còn giao nhiệm vụ cho Pfeiffer tìm kiếm một "con rệp" nghe trộm điện thoại để lắp vào điện thoại của Barschel, sau đó làm như tình cờ phát hiện ra và đổ lỗi cho SPD đã thực hiện hành vi này. Để thưởng công cho những tin tức giật gân này, Pfeiffer đã được tạp chí "Tấm gương" trả "nhuận bút" là 165.000 D-mark.

Trong cuộc họp báo ngày 18/9/1987, Barschel đã bác bỏ mọi lời chỉ trích và tuyên bố: "Ngoài những cam kết có tuyên thệ, tôi đưa ra lời hứa danh dự với các bạn, với các công dân của bang Schleswig-Holstein và toàn thể công luận Đức, tôi xin nhắc lại, tôi đưa ra lời hứa danh dự với các bạn rằng những lời chỉ trích chống lại tôi là không có cơ sở!".

Vào thời gian sau đó, khi mối hoài nghi về sự vô tội của Barschel ngày càng gia tăng và tạp chí "Tấm gương" tiếp tục đưa ra những thông tin mới, thì ngày 2/10/1987, Barschel đã buộc phải từ chức Thủ hiến bang. Chín ngày sau, Barschel bị phát hiện đã chết ở khách sạn Beau-Rivage tại Geneve vì ngộ độc thuốc. Bức ảnh Barschel nằm chết trong bồn tắm đăng trên trang bìa của tạp chí "Stern" đã được phát đi khắp thế giới.

Ngay trong mùa thu năm 1987, Nghị viện bang Schleswig-Holstein đã thành lập một Ủy ban điều tra để xem xét vụ việc dưới sự chủ trì của Trutz Graf Kerssenbrock, nghị sĩ thuộc đảng CDU. Tại ủy ban này, nhiều nhân chứng đã đưa ra những bằng chứng buộc tội Barschel. Ví dụ như trong cuộc họp ngày 30/11/1987, lái xe và thư ký của Barschel đã rút lại những lời khai làm nhẹ tội cho Barschel trước đây và khai rằng họ đã bị Barschel thúc ép phải khai man. Trong báo cáo cuối cùng với sự nhất trí của tất cả các thành viên, kể cả các thành viên thuộc đảng CDU, người ta đi đến kết luận là Barschel biết hoặc ít nhất rất có thể biết các hành động của Pfeiffer.

Ngày 8/5/1988 đã diễn ra bầu cử lại Nghị viện bang và SPD đã giành đa số tuyệt đối. Bjoern Engholm đã được Nghị viện bầu làm Thủ hiến bang Schleswig-Holstein. Tuy nhiên, năm 1993, người ta phát hiện ra rằng năm 1988 và 1989, Chủ tịch SPD khi đó tại bang này là Guenter Jansen và phát ngôn viên báo chí của nhóm nghị sĩ SPD trong nghị viện bang Klaus Nilius đã trả cho Pfeiffer tổng cộng là 50.000 D-mark, có lẽ để Pfeiffer công khai kể ra những việc làm của mình.

Liên quan tới vấn đề này, người ta biết rằng ngay từ ngày 7/9/1987 tại Luebeck, tức là 6 ngày trước khi bầu cử nghị viện bang, Pfeiffer đã tiết lộ vụ việc với Jansen, Nilius và một luật sư của Engholm và như vậy, ban lãnh đạo SPD đã biết sớm hơn nhiều về các hoạt động của Pfeiffer so với họ thừa nhận cho tới nay.

Cho tới tháng 5/1993, Engholm còn khẳng định là bị bất ngờ về bài báo đăng trên tạp chí "Tấm gương". Giờ đây, ông phải thú nhận là trong vấn đề này, đầu năm 1988 ông đã khai man trước một Ủy ban điều tra của nghị viện. Nhưng vì đã hết hạn truy cứu trách nhiệm hình sự nên Engholm không phải ra tòa vì tội khai man, nhưng ông phải từ chức Thủ hiến bang, chức Chủ tịch SPD và không ra ứng cử chức Thủ tướng CHLB Đức nữa.

Vũ Long (Tổng hợp từ báo chí Đức)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN