Bí ẩn đằng sau bản án tử hình đầu tiên đối với một cảnh sát ở Mỹ (Kỳ cuối)

Nước Mỹ năm 1912. Thành phố New York chìm ngập trong làn sóng nhập cư ồ ạt. Từ khắp mọi nơi, dân nhập cư đổ dồn về Mỹ - đất nước mà người ta rỉ tai nhau rằng ở đó, con người có thể sống tự do và đường phố thì “lát bằng vàng”. Hàng trăm ngàn người tị nạn chen chúc trong những khu nhà ở Manhattan, mang theo ngôn ngữ, phong tục, tập quán riêng của họ, làm thay đổi vĩnh viễn chính cái xã hội mà họ gia nhập.

 

Kỳ cuối: Vụ xét xử gây tranh cãi


Cả khu vực Tenderloin như bị chấn động sau vụ bắt giữ hàng loạt tên tội phạm. Chủ một số sòng bạc đã tự đóng cửa. Ngay cả các chính khách từ lâu đã núp dưới cái ô bảo vệ của Tammany Hall cũng run sợ. Toàn bộ mạng nhện nhằng nhịt gồm cảnh sát, sòng bạc với tệ nạn hối lộ đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa.

Bồi thẩm đoàn do Whitman triệu tập xử vụ ám sát Rosenthal nhanh chóng bắt tay vào phiên xử. Ngày 29/7/1912, dựa trên phần lớn những lời khai bằng văn bản của Bald Jack Rose, trung úy Charles Becker bị kết án. Khi đứng trước tòa, Becker chỉ thốt ra mấy từ “Tôi không có tội”.

Sau hai tháng bị bắt, phiên tòa xử Becker đã bắt đầu. Ngồi trên ghế thẩm phán là quan tòa John W. Goff, một “kẻ thù” của thế giới xã hội đen và từng là người tham gia điều tra vụ tham nhũng năm 1894 ở thành phố New York. Luật sư của Becker là John F. McIntyre – một luật sư hình sự nổi tiếng. Dù có kinh nghiệm đầy mình nhưng McIntyre cũng không thể vượt qua bức tường chắn mà quan tòa Goff dựng lên để chống lại Becker. Mọi phán quyết của Goff đều có lợi cho bên công tố, khiến phiên tòa biến thành một trò nhạo báng công lý.

Ngày 12/10/1912, Bald Jack Rose ngồi trên ghế nhân chứng. Hắn kể lại chi tiết mối liên hệ bẩn thỉu của Becker với thế giới xã hội đen. Hắn thuật lại những lời Becker từng nói với mình một cách rành rọt: “Rosenthal cần phải bị loại khỏi trái đất này. Hãy giết hắn!”, “Người nhúng tay vào việc mưu sát Rosenthal sẽ không gặp bất kỳ nguy hiểm nào… Sở cảnh sát có khi còn tặng huân chương cho kẻ giết hắn”. Rose khai đã thuê bốn tên giết người thực hiện nhiệm vụ với hợp đồng trị giá 1.000 USD.


Charles Becker (ở giữa) trên đường bị giải đến nhà tù Sing Sing.


Những kẻ có dính líu vào vụ này lần lượt khai trước tòa. Nhưng mỗi người khai một kiểu vì ai cũng muốn giữ cái đầu của mình. Sự thật là gì thì chỉ một mình Becker biết nhưng Becker không nói một lời. McIntyre khuyên Becker không nên tự bảo vệ mình vì sẽ bị Whitman kiểm tra chéo. Ông bảo vệ Becker bằng cách thuyết phục tòa không nên tin tưởng vào lời khai của Rose, Webber và Vallon vì bọn chúng được ở chung phòng giam trước khi xử án. McIntyre cho rằng những kẻ giết người thực sự là Webber và Vallon – cả hai đều được Whitman miễn tội với điều kiện khai chống lại Becker. Ngoài lời khai của các tên này, Whitman không còn bằng chứng nào khác chống lại Becker.

Bốn ngày sau, tòa tuyên án Becker có tội. Khi nghe tòa đọc bản án tử hình, Becker không hề tỏ vẻ sợ hãi. Anh ta bị giải đến nhà tù Sing Sing chờ ngày hành quyết được ấn định là 12/12/1912. Bốn kẻ bắn chết Rosenthal cũng bị quan tòa Goff khép án tử hình. Báo chí đồng loạt đăng bài tán thành quyết định của tòa án và cho rằng đế chế Tenderloin đang đi đến hồi kết. Dĩ nhiên, luật sư Whitman được ca ngợi hết lời. Tuy nhiên vụ việc chưa dừng tại đây.

Ngày 24/2/1914, tòa phúc thẩm quyết định xử lại vụ này với lý do quan tòa Goff không công minh. Goff còn bị cáo buộc vi phạm trình tự xét xử tội phạm hình sự khi tiến hành xét xử vụ án “siêu” nhanh – trong chưa đầy 2 tuần. Phiên tòa mới sẽ diễn ra vào ngày 6/5/1914 và đây sẽ là phiên tòa xử lại đầu tiên trong lịch sử thành phố New York. Becker và vợ vui mừng trước thông tin trên. Tuy nhiên, có một điều khó khăn đối với luật sư của Becker. Đó là tòa phúc thẩm từ chối xử lại 4 tên giết người. Điều đó có nghĩa là những lời buộc tội 4 tên này vẫn có giá trị trong khi Becker và 4 tên này luôn bị coi là “cùng một giuộc”.

Sáng 13/4/1914, bốn tên sát nhân bị hành quyết bằng ghế điện. Ngày cuối cùng ở trong tù, Dago Frank – một trong 4 tên – đã viết một bức thư trong đó nói: “Theo tôi được biết, Becker không liên quan đến vụ việc. Tôi đã nói dối trước tòa”. Phiên xử lại Becker diễn ra đúng thời gian dự kiến. Bald Jack Rose nhắc lại y nguyên những gì hắn đã nói trong phiên xử trước. Whitman vẫn là công tố viên – người mà tương lai chính trị phụ thuộc phần lớn vào kết quả phiên tòa. Trên ghế quan tòa lúc này là ông Samuel Seabury, người nổi tiếng công minh đối với cả bên nguyên và bên bị. Phiên tòa xử lại còn thu hút sự chú ý của dư luận nhiều hơn lần trước. Thế nhưng trong phiên này, Becker vẫn bị tuyên án phạm tội giết người. Cũng như lần trước, anh ta tiếp nhận bản án mà không có phản ứng gì.

Ngày hành quyết được ấn định là ngày 16/7/1914 nhưng mãi đến khi Whitman được bầu là thống đốc bang New York vào tháng 11/1914, Becker vẫn chưa phải ngồi lên ghế điện. Luật sư của Becker liên tục kháng cáo nên vụ hành quyết Becker phải hoãn lại. Anh ta cứ sống trong nhà tù Sing Sing để chờ số phận của mình. Trong khi đó, luật sư bảo vệ Becker làm mọi cách để cứu anh ta nhưng đều thất bại, những người ủng hộ Becker đã gửi hàng ngàn thư đến văn phòng Thống đốc Whitman thuyết phục ông giảm án xuống còn chung thân cho Becker – một điều được luật của bang cho phép. Nhưng Whitman không mảy may đổi ý vì chính ông ta là người đã đưa Becker vào chỗ chết. Ngay cả khi vợ của Becker đến tận văn phòng cầu xin, vị thống đốc cũng lắc đầu.

5 giờ 30 sáng ngày 30/7/1915, Becker nhanh chóng bị đưa vào ghế điện. Vì là một người rất khỏe nên luồng điện 2.000 vôn vẫn chưa đủ để hạ gục Becker. Chứng kiến phiên hành quyết Becker với 3 lần phải bổ sung thêm điện, nhiều nhân chứng đã hoảng loạn, một số người còn ngất. Sau 8 phút dài đằng đẵng, trung úy Charles Becker của Sở cảnh sát New York mới tắt thở.

Cho đến nay, sự thực về vụ Charles Becker vẫn là một điều bí ẩn. Anh ta thực sự có tội hay chỉ là nạn nhân của thời thế? Một số tác giả sau này như Henry Klein năm 1927 đã cho rằng Becker bị kết án sai. Theo lý giải của ông, Becker không ra lệnh khử Rosenthal mà chỉ để mặc cho những kẻ đường phố “săn sóc” Rosenthal. Và luật sư Whitman đã ngụy tạo bằng chứng để kết án một trung úy tham nhũng vì biết rằng một bản án tử hình cho Becker sẽ giúp ông ta đạt được tham vọng chính trị.

Thùy Dương (tổng hợp)

Bí ẩn đằng sau bản án tử hình đầu tiên đối với một cảnh sát ở Mỹ(Kỳ II)
Bí ẩn đằng sau bản án tử hình đầu tiên đối với một cảnh sát ở Mỹ(Kỳ II)

Ngày 16/1/1907, để ghi nhận công hỗ trợ trong một vụ điều tra trước đó, cảnh sát trưởng Theodore Bingham đã thăng chức cho Becker lên cấp trung úy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN