Bên thắng cuộc ở Đại Tây Dương

Năm 1943 là một năm then chốt trong đại chiến lược của Anh. Tuy nhiên, cuộc chiến trên Đại Tây Dương gần như đã thất bại trong khi kế hoạch mở mặt trận thứ hai lại bị trì hoãn. Ấy vậy mà Anh vẫn dồn một phần ba nguồn lực chiến tranh của mình vào việc sản xuất oanh tạc cơ. Tổng biên tập tạp chí Lịch sử Quân sự Neil Faulkner vừa có loạt bài ngắn về đại chiến lược của Anh năm 1943, trong đó phân tích cuộc tranh giành ngôi bá chủ trên Đại Tây Dương giữa phát xít Đức và quân Đồng minh.

 

Kỳ I: Chiến thuật “bầy sói”

 

Tháng 3/1943, quân Đồng minh sử dụng các đội tàu hộ tống để bảo vệ các tuyến vận tải thiết yếu trên Đại Tây Dương. Một đoàn tàu hộ tống chậm SC-122 đang tiến đến “Vùng Tối” ở giữa Đại Tây Dương nơi nằm ngoài tầm với của không quân, và một đội tàu hộ tống nhanh HX-229 đang di chuyển phía sau.


Đô đốc Karl Donitz.


Đô đốc Karl Donitz đã ra lệnh cho các “bầy sói” (đội tàu ngầm) tiến hành đánh chặn, và các tàu ngầm U-boat thuộc các đội Raubgraf, Sturmer và Dranger bắt đầu chuyển hướng nhắm đến con mồi của mình. Đây đã là giữa tháng 3/1943, và cuộc chiến dai dẳng, dò dẫm nhằm giành quyền kiểm soát các tuyến đường biển dẫn đến Anh, một cuộc chiến đã diễn ra hơn 5 năm qua trên hàng triệu dặm vuông biển, đang lên đến đỉnh điểm.


Hai đội tàu hộ tống trên đang trong hành trình từ Halifax (Nova Scotia, Canada) đến Anh. Đội tàu chậm gồm 52 tàu và đội tàu nhanh gồm 25 chiếc. “Bầy sói” Raubgraf với 12 tàu ngầm đã chạm trán với đội tàu chậm và 8 tàu thuộc đội tàu nhanh. Và trong 3 ngày đêm tiếp theo, “bầy sói” thỏa sức tấn công con mồi mà không hề bị giáng trả. Sau đó đội tàu nhanh bắt kịp đội tàu chậm và cả hai nhập lại thành một đoàn lớn gồm các tàu buôn và tàu hộ tống. Cùng lúc đó, có thêm nhiều tàu ngầm U-boat đến tham chiến, tạo thành một bầy sói lớn với 38 “con”, nhấn chìm các tàu hộ tống và dẫn đến màn hủy diệt hãi hùng.


Trận chiến của các đội tàu hộ tống SC-122 và HX-229 kéo dài vài ngày và chỉ kết thúc khi các con tàu bị bủa vây di chuyển vào khu vực nằm dưới sự bảo vệ của không quân phía đông. Quân Đồng minh mất 21 tàu với tổng tải trọng 141.000 tấn trong khi chỉ một chiếc U-boat bị đắm.


Có vẻ như người Đức đang thắng thế trong cuộc chiến Đại Tây Dương. Bộ Hải quân Anh sau đó ghi nhận “người Đức chưa bao giờ tiến gần đến vậy tới việc phá vỡ tuyến liên lạc giữa Thế giới mới (Bán cầu Tây) và Thế giới cũ (Bán cầu Đông) như trong 20 ngày đầu của tháng 3/1943”. Số phận của cuộc chiến vẫn chưa được định đoạt và đối với Thủ tướng Anh Winston Churchill, người chịu trách nhiệm tổng thể về chiến tranh, điều này sẽ gây ra những tác động khủng khiếp kèm những bước thụt lùi. Ông nhấn mạnh: “Cuộc chiến Đại Tây Dương là nhân tố chi phối trong cả cuộc chiến tranh. Chúng ta sẽ không bao giờ quên rằng mọi thứ ở những nơi khác đều phụ thuộc vào kết quả của cuộc chiến này”.


Một sĩ quan hải quân làm nhiệm vụ hộ tống ở Đại Tây Dương năm 1943 (bên cạnh súng phòng không AA).


Đó là cuộc xung đột khiến Churchill lo lắng nhiều nhất, hơn tất cả các cuộc xung đột khác, bởi “điều duy nhất thực sự khiến tôi lo sợ trong cuộc chiến tranh này là mối hiểm họa đến từ tàu ngầm U-boat… Nó không phải kiểu chiến trận bom đạn bập bùng và những chiến tích lẫy lừng, mà nó hiển hiện ra qua các con số thống kê, trên các biểu đồ và những đường cong mà người ta không biết đến và không thể lý giải”.


Giữa tháng 3/1943, các con số thống kê cho thấy tình hình đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Sức mạnh của tàu ngầm U-boat đã lên đến đỉnh điểm và những thiệt hại trong hoạt động vận chuyển đường biển của Đồng minh đã tăng lên đến mức không thể gánh chịu. Nếu cục diện của cuộc chiến ở những vùng biển xám này không được xoay chuyển thì người Anh sẽ sớm bị khuất phục.


Trong số tất cả các cường quốc, ngoại trừ một đảo quốc công nghiệp khác là Nhật Bản, thì Anh là nước phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn tiếp tế từ nước ngoài. Điều này đã đúng từ lâu. Anh đã xây dựng một đế chế biển trong thế kỷ thứ 18 và đi tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp một thế kỷ sau đó. Cả dân số đông đúc lẫn các ngành công nghiệp đang bùng nổ của đảo quốc này sẽ không thể tồn tại sau một vài tuần nếu không có nguồn cung đều đặn nhập từ hải ngoại.


Năm 1939, Anh cần nhập khẩu 55 triệu tấn hàng hóa bằng đường biển, và để làm được điều đó, nước này duy trì đội thương thuyền lớn nhất trên thế giới bao gồm 3.000 tàu thủy viễn dương và 1.000 tàu duyên hải cỡ lớn với tổng trọng tải 21 triệu tấn và 160.000 thủy thủ. Để bảo vệ các tài sản này, vào lúc bắt đầu cuộc chiến, Hải quân Hoàng gia Anh triển khai 220 tàu trang bị thiết bị âm vọng Asdic (Sonar), trong đó bao gồm 165 tàu khu trục, 35 tàu tuần tra và tàu hộ tống nhỏ cùng 20 tàu cá vũ trang.


Trong bối cảnh đang diễn ra chiến tranh thế giới, dòng vận chuyển lương thực, nguyên liệu thô, máy công cụ, xe hơi, vũ khí và đạn dược qua Đại Tây Dương đã trở thành một vấn đề tối quan trọng chiến lược, mà theo Churchill đang làm lu mờ tất cả các toan tính khác. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ đã thoát khỏi cuộc Đại suy thoái nhờ những nhu cầu của chiến tranh thế giới và nay đang vận hành hết tốc lực, không chỉ trang bị cho hải quân, lục quân và không quân đang ngày càng mở rộng của mình mà còn trang bị cho cả quân đội của Anh và Liên Xô.

 

Huy Lê

 

Đón đọc kỳ tới: Cơn ác mộng biển cả

Bên thắng cuộc ở Đại Tây Dương - Kỳ cuối: Kẻ săn thú dữ trên biển
Bên thắng cuộc ở Đại Tây Dương - Kỳ cuối: Kẻ săn thú dữ trên biển

Tuy nhiên, những thiệt hại của phe Đồng minh vẫn nghiêm trọng và ngày càng gia tăng. Chỉ có sức mạnh của nền kinh tế năng động Mỹ mới có thể duy trì được các tuyến vận tải biển. Và một điều đặc biệt quan trọng là việc phát triển một tàu chở dầu tiêu chuẩn...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN